Báo động: Biến dạng hình thể vì nhiễm giun sán

6/18/2016 8:15:18 AM
Trong y học, việc tìm đúng bệnh để điều trị là yếu tố quan trọng để đạt tới thành công. Tuy nhiên, không phải căn bệnh nào cũng có thể chuẩn đoán chính xác bởi các biểu hiện thường na ná giống nhau dẫn đến nhiều hệ lụy.

 

Trong y học, việc tìm đúng bệnh để điều trị là yếu tố quan trọng để đạt tới thành công. Tuy nhiên, không phải căn bệnh nào cũng có thể chuẩn đoán chính xác bởi các biểu hiện thường na ná giống nhau dẫn đến nhiều hệ lụy.

Trong nhóm bệnh mãn tính có các bệnh về da liễu, mẩn ngứa, viêm da dị ứng...thường lặp đi lặp lại theo suốt cuộc đời. Có trường hợp bị dị ứng 30 năm điều trị không khỏi, có người mặt, người đầy nốt, sẩn, sưng phù, thay đổi cả hình dạngmặc dù đã chữa trị khắp nơi. Sau đó mới biết nguyên nhân gây bệnh là do giun sán.Đáng nói là ngay cả bác sĩ cũng ít khi nghĩ tới nguyên nhân gây bệnh là do ký sinh trùng.

Tâm sự của bệnh nhân

Chị Lê Thị H., 29 tuổi, TP Vinh, Nghệ An

Trong thời gian chị H đang có thai ở tháng thứ 4 thì xuất hiện sẩn ngứa liên tục khắp người cho đến khi sinh con thì hết.Khi con được 10 tháng tuổi, chị H. ngứa lại với mức độ nặng hơn, lúc đầu ở mặt, sau đó toàn thân. Ngứa làm mặt chị H. biến dạng, bị phù, bôi các thuốc chống ngứa đều không giảm thậm chí ngày càng nhiều hơn.

Khi đi khám tại Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ chẩn đoán hồng ban đa dạng, dùng thuốc chống dị ứng có đỡ, nhưng sau đó tái phát như cũ. Sau đó chị tiếp tục đi khám Bệnh viện Da liễu T.Ư và được chẩn đoán chàm đồng xu và điều trị theo phác đồ nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm.

Cuối cùng chị tìm đến GS.TS Nguyễn Văn Đề, nguyên trưởng bộ môn ký sinh trùng Trường ĐH Y Hà Nội, để xét nghiệm máu ELISA chẩn đoán ký sinh trùng.Kết quả, chị bị nhiễm giun đũa chó, giun lươn ruột và giun đầu gai và được kê thuốc điều trị đặc hiệu ba loại giun này, không dùng thuốc chống dị ứng nữa. Kết quả sau điều trị một tháng, chị hết ngứa, hết phù, hết các nốt ở da và trở lại bình thường.

Ông Nguyễn Văn H., 55 tuổi (Quảng Nam)

Ngoài trường hợp của chị H còn có ông Nguyễn Văn H bị mẩn ngứa, nổi mề đay hơn 30 năm, điều trị khắp nơi không khỏi. Cuối cùng khi xét nghiệm ký sinh trùng ông cũng bị giun đũa chó, sán lá gan, giun đầu gai và giun lươn ruột.

Từ 2 trường hợp trên, GS.TS Nguyễn Văn Đề cho biết nhiều người khổ sở vì căn bệnh dị ứng được kết luận là viêm da cơ địa, không điều trị khỏi hành hạ cả chục năm trời. Trên thực tế, nhiễm ký sinh trùng chiếm một tỉ lệ rất lớn trong cộng đồng gây nên nhiều bệnh cảnh phức tạp, biểu hiện rất đa dạng nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Đặc biệt là không chỉ người dân mà ngay cả các bác sĩ cũng dễ bị bỏ sót.

Bệnh dị ứng biểu hiện ra bên ngoài bằng các nốt sẩn ngứa, mề đay, chàm... Bệnh có thể do cơ địa hoặc ngoại lai.Trong nhóm ngoại lai, nguyên nhân có thể do hóa chất, phấn hoa hay ký sinh trùng. Nhiễm bất kỳ loại ký sinh trùng nào cũng có thể gây bệnh lý này. Khi ký sinh trùng, mà chủ yếu là giun sán, ký sinh trong cơ thể, chúng di chuyển trong máu, dưới da, niêm mạc, gan, phổi, não, tủy sống, cơ... gây rất nhiều triệu chứng khác nhau, trong đó có sẩn ngứa, mề đay.

Từ những trường hợp trên, GS.TS Nguyễn Văn Đề nhấn mạnh người có biểu hiện dị ứng ngoài da, thậm chí hình giun, sán ra bên ngoài nhìn tuy sợ nhưng không đáng ngại bằng biểu hiện thầm lặng bên trong. Do đó, người bệnh cần đi khám và được điều trị kịp thời, trong khi đó có nhiều người giun sán biểu hiện rất phức tạp, bị chẩn đoán nhầm viêm ruột, loét dạ dày tá tràng, tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng bụng, viêm thận, lao...

Các loại ký sinh trùng gây bệnh

Thực tế, các loại ký sinh trùng gây các bệnh lý khác nguy hiểm hơn trong cơ thể như giun đũa chó ngoài gây dị ứng còn tạo ổ chứa ấu trùng giun với các tổ chức viêm ở nhiều phủ tạng như: gan, phổi, mắt, não và nhiều tạng phủ khác (dễ nhầm với các khối u di căn).

Ngoài ra, ấu trùng sán lợn nếu ký sinh ở não gây động kinh, co giật, liệt, nói ngọng, rối loạn ý thức, có những cơn nhức đầu dữ dội. Ở mắt gây chèn ép sau nhãn cầu như tăng nhãn áp, giảm thị lực, song thị. Tại cơ vân: xuất hiện những nang dưới da kích thước từ 0,5 - 2cm, di động ở cơ bắp tay, chân, liên sườn, cơ ngực, lưng...

Giun lươn ruột ký sinh trong ruột non và tá tràng, có thể chui vào niêm mạc ruột gây tổn thương niêm mạc ruột, tá tràng, làm rối loạn tiêu hóa hoặc gây tình trạng viêm ruột mạn tính, có thể gây viêm tá tràng hoặc gây lỵ. Nếu không điều trị kịp thời có thể gây nguy hiểm, dẫn đến tử vong, đặc biệt giun lươn có khả năng đẻ thêm ngay trong cơ thể.

Giun đầu gai cư trú ở nhiều nơi: ở thần kinh trung ương gây viêm tủy rễ thần kinh (hay gặp nhất), viêm não - tủy - rễ thần kinh, viêm não - màng não...; ở da và mô mềm gây đau, sưng phồng, ngứa, ban đỏ; ở phổi gây ho, đau ngực, khó thở, ho ra máu... Đặc biệt giun đầu gai thường tạo các khối u di chuyển. Giun lươn não gây viêm màng não tăng bạch cầu ái toan, trường hợp nặng gây đau đầu dữ dội và có thể hôn mê.

Trên thực tế, các khối u do ký sinh trùng gây dưới da dễ nhầm với các bệnh da liễu, vì vậy, nếu có biểu hiện ngứa da, điều trị da liễu không khỏi thì nên đi khám chuyên khoa ký sinh trùng và làm các xét nghiệm cần thiết. Đặc biệt, để tránh những biến chứng nguy hiểm và phòng chống bệnh do ký sinh trùng cần ăn chín, uống chín, vệ sinh môi trường sạch sẽ, không để chó lợn gà ăn phân và thải ra môi trường, vệ sinh cá nhân đi giày dép, mang găng tay, đi ủng...khi lao động, tiếp xúc với đất.

Tổng hợp

 

Các tin khác