Bát nháo thị trường máy lọc nước

6/23/2016 11:58:16 AM
Theo phản ánh của người dân, nguồn nước sinh hoạt tại các tỉnh thành trên cả nước có nhiều tạp chất, không đảm bảo các yếu tố về sức khỏe. 

 

Theo phản ánh của người dân, nguồn nước sinh hoạt tại các tỉnh thành trên cả nước có nhiều tạp chất, không đảm bảo các yếu tố về sức khỏe. Do đó, nhiều gia đình đã chi cả chục triệu đồng để sắm cho gia đình chiếc máy lọc nước. Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại máy lọc nước của nhiều nhà phân phối khác nhau. Nhiều sản phẩm được quảng cáo hết sức hấp dẫn với công năng "diệt khuẩn tuyệt đối 100%", "ngăn ngừa mỡ máu"... khiến cho người tiêu dùng rất khó lựa chọn và chất lượng cũng khó được kiểm soát.

Lập lờ gian lận

Từ các cửa hàng bán lẻ tới các trung tâm thương mại, sản phẩm máy lọc nước rất đa dạng với nhiều mẫu mã, chủng loại, xuất xứ, đồng thời. Theo ghi nhận, trên thị trường Hà Nội hiện nay có khoảng trên 20 nhãn hàng máy lọc nước khác nhau, trong đó phổ biến các nhãn hàng như: Kangaroo, Kanofi, Geyser, Jenpec, Coway, Nanohome, Nanosky, Nanomax… giá cả cũng chênh lệch từ vài triệu đến cả chục triệu đồng tùy theo thương hiệu, chức năng lọc…

Tại các cửa hàng cũng bày bán rất nhiều linh kiện máy lọc nước. Giá các loại linh kiện rất rẻ, nếu hư hỏng bộ phận nào sẽ mang linh kiện đó đến cửa hàng thay đỡ phải bảo hành qua hãng. Theo chủ một cửa hàng kinh doanh máy lọc nước, sở dĩ một số hãng có giá rẻ hơn giá niêm yết vì các loại máy này là máy tự lắp ráp. Giá nhập khẩu linh kiện rẻ hơn nhập nguyên chiếc nên nhiều người mua linh kiện về lắp ráp rồi bán, chất lượng phải tùy vào những linh kiện lắp đặt trong chiếc máy đó, đây cũng là điều kiện để hàng giả, hàng nhái xuất hiện trên thị trường.

Tuy nhiên có một vấn đề đặt ra là trước "ma trận" máy lọc nước, việc lựa chọn sản phẩm đạt tiêu chuẩn vô cùng khó khăn.

Theo tiết lộ của một thợ lắp đặt một hãng uy tín, hiện trên thị trường chỉ có một số máy lọc nước có nguồn gốc rõ ràng, như Geyser, Sunny (Nga), Coway (Hàn Quốc), hay Karofi, Kangaroo, còn lại phần nhiều là hàng lắp ráp với linh kiện từ nhiều nguồn giá rẻ khác nhau. Lý do, thuế nhập khẩu linh kiện thấp hơn thuế nhập khẩu nguyên máy nên cho giá thành hạ xuống. Khi lắp ráp, có thể bố trí thêm các lõi và tầng lọc theo nhu cầu người dùng. Nhưng trong quá trình lắp ráp, các linh kiện cũng dễ dàng bị đánh tráo bằng hàng nhái, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Cùng với đó, nhiều cơ sở còn làm nhái nhãn mác gần giống với những thương hiệu nổi tiếng, khiến người tiêu dùng nhầm lẫn. Phổ biến nhất, người tiêu dùng thường bị đánh lừa bởi các dòng chữ tiếng Anh, kiểu như "Member: Reverse Osmosis Filmtec - USA". Đọc qua dòng chữ này nhiều người tưởng là máy được sản xuất ở Mỹ, nhưng thực chất nó chỉ có nghĩa máy lọc nước do nhà khoa học Mỹ Orirajin phát minh năm 1950. Nhìn chung, máy lọc nước không rõ xuất xứ, nên cũng không có cơ quan nào bảo đảm độ an toàn và kỹ thuật.

Ảnh minh họa

Lo ngại về chất lượng

Lợi dụng nhu cầu mua máy lọc nước của người dân, một số đối tượng mượn danh hội thảo để về các vùng quê tuyên truyền và bán máy lọc nước.

Máy lọc nước giả thường sử dụng lõi lọc thô kém chất lượng. Cụ thể, nếu các lõi lọc của máy chính hãng làm từ sợi polypropylen được nén chặt lại, đảm bảo lọc được cặn bẩn kích thước nhỏ dưới 5 micron hoặc 1 micron thì bên trong lõi lọc nước giả là sợi bông vải không rõ nguồn gốc và quy chuẩn, chỉ lọc được những cặn bẩn có thể quan sát bằng mắt thường. Nguy hại hơn, vật liệu lọc không đảm bảo chất lượng có thể sẽ tan thêm các chất nguy hại vào trong nước, gây nguy hại tới sức khỏe người tiêu dùng. Nhiều máy lọc nước giả còn sử dụng lõi OCB sử dụng than đá thay cho than hoạt tính. Nguyên nhân là do than hoạt tính có tác dụng hấp thụ màu, mùi, clo dư và các chất độc khác có giá thành đắt hơn than đá. Trong khi đó, than đá hoàn toàn không có tính năng lọc, không những không làm nước sạch hơn mà còn làm cho nước bẩn hơn, có mùi khó chịu. Các máy lọc nước  chính hãng thường sử dụng màng lọc RO nhập khẩu Mỹ, với công nghệ thẩm thấu ngược, loại bỏ gần như hoàn toàn các phân tử có kích thước lớn hơn phân tử nước, cho nước đầu ra tinh khiết. Trong khi đó, màng RO giả không làm được điều này, nước đầu ra vẫn còn các chất độc hại như asen, chì, thủy ngân, vi khuẩn.

Trước các thông tin trên, ngày 9/4, sau một thời gian theo dõi các trinh sát Đội 4 - Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) - Công an thành phố Hà Nội đã phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 7 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) tiến hành kiểm tra Công ty Trách nhiệm hữu hạn NANO Việt Nam (ở khu Thủy sản, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội) do Trần Ngọc Tuấn (sinh năm 1987, trú tại Khu đô thị Cầu Bươu, huyện Thanh Trì, Hà Nội) làm giám đốc. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ hàng nghìn sản phẩm lõi lọc nước mang nhãn hiệu Kangaroo giả. Lực lượng chức năng đã lập biên bản xử lý theo quy định của pháp luật.

Cần kiểm soát chặt chẽ

Chất lượng nước đạt tiêu chuẩn hay không cũng rất mập mờ. Theo quy định của Bộ Y tế, QCVN 01:2009/BYT là quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống, áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình khai thác nước ăn uống, bao gồm cả các cơ sở cấp nước tập trung cho mục đích sinh hoạt, có công suất từ 1.000m3/ngày đêm trở lên. Còn QCVN 6-1-2010/BYT là quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai, đòi hỏi nhiều yếu tố về chất lượng hơn, như phải tách các thành phần không bền vững, các hợp chất có chứa sắt, mangan, sulfid hoặc asen bằng cách gạn hoặc lọc; trong một số trường hợp cần thiết có thể xử lý nhanh bằng phương pháp sục khí trước...

Đối với máy lọc nước sử dụng trực tiếp, bắt buộc phải áp dụng tiêu chuẩn QCVN 6-1-2010/BYT, thế nhưng lợi dụng sự thiếu hiểu biết nên nhiều cơ sở đang đánh lận giữa hai quy chuẩn.

Đã đến lúc cơ quan quản lý cần siết chặt việc kiểm soát sản phẩm máy lọc nước nhằm ngăn ngừa, loại bỏ những sản phẩm kém chất lượng, cơ sở làm ăn gian dối, bảo vệ những cơ sở kinh doanh chân chính và người tiêu dùng. Máy lọc nước không bảo đảm chất lượng, quy chuẩn, sẽ cho ra sản phẩm không an toàn, không khác gì thực phẩm "bẩn", làm tổn hại sức khỏe của cộng đồng.

Suckhoecuocsong.com.vn (Theo vtv)

 

Các tin khác