Bát nháo thị trường phân bón trộn đất sét

8/25/2016 10:19:03 PM
Tại buổi tọa đàm “Tác hại phân bón giả đối với vựa lúa ĐBSCL” diễn ra ở TP Cần Thơ chiều 24-8, các chuyên gia cho rằng đã đến lúc phải mạnh tay hơn với tình trạng kinh doanh phân bón giả nhằm bảo vệ nông dân, người trồng lúa.

 

Tại buổi tọa đàm “Tác hại phân bón giả đối với vựa lúa ĐBSCL” diễn ra ở TP Cần Thơ chiều 24-8, các chuyên gia cho rằng đã đến lúc phải mạnh tay hơn với tình trạng kinh doanh phân bón giả nhằm bảo vệ nông dân, người trồng lúa.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Trần Ngọc Thể - chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hậu Giang cho biết thời gian qua trên địa bàn tỉnh phát hiện nhiều trường hợp kinh doanh phân bón giả. Trong đó, nhiều nhất là phân NPK do các công ty không tên tuổi sản xuất và phân phối không qua đại lý. Để thu hút người mua, các đại lý thường tung chiêu khuyến mãi như mua 10 bao phân được đi tham quan Vũng Tàu, Đà Lạt...Các doanh nghiệp này đem đến các hợp tác xã nông nghiệp giới thiệu, rồi hợp tác xã bán lại cho nông dân hoặc công ty tổ chức hội thảo bán cho nông dân với giá rất cao, thậm chí bán hàng theo kiểu đa cấp. Ngoài ra, các công ty phân bón này còn liên kết với hội nông dân, hội phụ nữ để các hội này bán sản phẩm cho họ.

Ông Nguyễn Minh Toại - giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ bức xúc cho biết các đại lý phân bón làm ăn không chân chính thì mua đất sét viên tròn nhỏ có nhiều màu với giá 800 đồng -1.000 đồng/kg để trộn vào phân NPK bán cho nông dân. Chỉ đến khi sử dụng không hiệu quả, nông dân mới biết mua nhầmhàng giả. Nhiều đại lý hám lợi, mua sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất phân bón kém chất lượng với giá thấp về bán với giá cao để kiếm lợi, bất chấp thiệt hại của nông dân.

Theo PGS.TS Mai Thành Phụng, chuyên gia nông nghiệp, việc sử dụng phân bón giả, kém chất lượng không những ảnh hưởng trực tiếp đến nông dân (giảm năng suất, chất lượng nông sản, mất mùa...) mà còn ảnh hưởng lớn đến đất, nước và gây ô nhiễm môi trường vì các chất độc hại, kim loại nặng trong phân bón giả, chưa kể sức khỏe người tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng do các chất độc hại còn tồn dư. “Việc bón xi măng, muối cho đất không những làm giảm chất lượng đất trồng trọt mà quan trọng hơn, làm xói mòn lòng tin của người dân vào cơ quan quản lý do đã bất lực trong việc ngăn chặn phân bón giả, kém chất lượng” - ông Phụng cảnh báo.

Nhận định về việc mua và sử dụng nhầm phân bón giả tại ĐBSCL, ông Đỗ Thanh Lam - phó Cục trưởng cục Quản lý thị trường - Bộ Công thương cho rằng có chuyển biến nhưng rất phức tạp do doanh nghiệp sản xuất vì lợi nhuận nên bất chấp thủ đoạn.

Ông Lam dẫn chứng 8 tháng năm 2016 khi kiểm tra 1.800 hộ kinh doanh phân bón đã phát hiện 421 hộ kinh doanh vi phạm, đã xử phạt 8 tỉ đồng. Cơ quan chức năng lấy 786 mẫu phân bón đi kiểm nghiệm thì chỉ có 69% mẫu đạt chất lượng

Để giải quyết tình trạng này Chính phủ vừa ban hành nghị định có chế tài mạnh đối với cơ sở vi phạm trong sản xuất phân bón giả và đại lý kinh doanh, trong đó có tước giấy phép hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời nông dân đừng ham rẻ, nên mua phân bón của doanh nghiệp có uy tín. Sản phẩm của họ được công bố trên website của Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT thì phân bón đó mới chính thức được đưa ra thị trường”

Tuy nhiên, cần có các hình thức khác giúp nông dân như trình chiếu các thủ đoạn, phương thức làm phân bón giả, cách phân biệt phân bón giả vào thời điểm “giờ vàng” để khi người dân mở tivi là có thể xem được.

Tổng hợp

Các tin khác