Biến tướng tiêu cực trong ngày tiễn Táo quân về Trời

2/11/2015 11:57:48 AM
Từ thời xa xưa, Tết Táo quân luôn là nét đẹp trong văn hóa cổ truyền của người Việt, thể hiện thế giới quan, nhân sinh quan của ông cha ta về đời sống con người cũng như thế giới thần linh. Thế nhưng mọi người ngày nay thực dụng hơn, họ đốt vàng mã kèm theo nhiều thứ hiện đại.

 

 

Vào ngày 23 tháng Chạp Âm lịch hàng năm, các ông Táo sẽ lên Trời để báo cáo với Ngọc Hoàng tình hình trong năm của mỗi nhà. Bên cạnh đó, tục lệ này còn vượt ra khỏi ý nghĩa tín ngưỡng ở chỗ, nó phản ánh tư tưởng đề cao vai trò người phụ nữ. Bởi người phụ nữ luôn là người “giữ lửa”, là “nội tướng” trong mỗi nhà. Mang ý nghĩa sâu sắc là vậy nhưng trong nhiều năm trở lại đây, Tết Táo quân ngày càng bị biến tướng bởi ngộ nhận của một bộ phận không nhỏ người dân…

 

 

Lễ cúng Táo quân khởi nguồn từ bếp lửa, tượng trưng cho sự ấm no, sung túc. Việc dân gian sáng tạo ra câu chuyện “hai ông, một bà” đã thể hiện khát vọng hòa thuận, sum vầy của người Việt ta. Vì quanh năm ở trong bếp nên các vị Táo quân đều biết hết mọi chuyện hay dở, tốt xấu của mọi người trong gia đình. Do vậy, khi lên Thiên đình, Táo quân sẽ báo cáo với Ngọc Hoàng về việc “bếp núc”, làm ăn, cư xử của mỗi nhà dưới hạ giới trong năm vừa qua. Câu chuyện này thực chất là cách giáo dục sâu sắc của tổ tiên chúng ta với mọi người về tính trách nhiệm trong mỗi cử chỉ, hành động và công việc của mình.

 

Tuy nhiên, những năm gần đây, vào bất cứ ngày lễ, Tết nào từ nhỏ đến lớn, mọi người đều lạm dụng vào tâm linh để “hối lộ”, sẵn sàng chi không tiếc tay để sắm lễ cúng ông Công ông Táo. Đây có thể xem là một cuộc “chạy đua” mua sắm hàng mã để “đút lót” thần linh mong phát tài, phát lộc sang năm mới. Xu hướng này đã hoàn toàn đi ngược lại với ý nghĩa tích cực của nghi lễ truyền thống dân tộc.

 

Một số người quan niệm rằng, cả năm chỉ có một vài dịp thể hiện lòng thành với các cụ, “có thoáng” với thần linh thì mới mong các cụ ban lộc. Trong khi đó, ông Công ông Táo là những vị thần sống gần gũi nhất với mình hàng ngày, vì vậy, “mạnh tay” sắm vàng mã là việc cần làm, không có gì phải đắn đo.

 

 

Việc đốt vàng mã trong ngày lễ ông Công ông Táo là thể hiện sự biết ơn với các vị thần linh và cũng thể hiện mong muốn được họ phù trì bảo hộ. Tuy nhiên, mọi người ngày nay thực dụng hơn, họ đốt vàng mã kèm theo nhiều thứ hiện đại bởi họ quan niệm “trần sao âm vậy” để mong các cụ phù hộ cho nhiều thứ. Việc đua nhau cúng tiễn Táo quân với đủ các loại hàng mã nào quần, áo, nhà lầu, xe hơi, thậm chí cả máy bay… đã cho thấy sự “nhố nhăng”, thực dụng trong suy nghĩ và phần nào đó là lòng tham của con người.

 

An Nguyên - Skcs.vn (Tổng hợp)

Các tin khác