Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Sẽ không còn trường ĐH trực thuộc Bộ

6/9/2016 10:01:38 AM
Trong buổi làm việc nhanh với ĐH Sư phạm TP.HCM chiều 7/6, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có những trao đổi trực tiếp và thẳng thắn với cán bộ, giảng viên nhà trường.

 

Trong buổi làm việc nhanh với ĐH Sư phạm TP.HCM chiều 7/6, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có những trao đổi trực tiếp và thẳng thắn với cán bộ, giảng viên nhà trường.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ làm việc với ĐH Sư phạm TP.HCM

Đối thoại với cán bộ giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, ông Phùng Xuân Nhạ cho biết, hiện nay trong cả nước có 117 cơ sở đào tạo sư phạm với tình trạng giáo viên vừa thừa, vừa thiếu. Vì vậy, sắp tới Bộ sẽ quy hoạch lại hệ thống các trường sư phạm, không để tình trạng đào tạo phân tán như hiện nay.

Trước câu hỏi về định hướng phát triển của Bộ trong thời gian tới, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ lựa chọn 8 vấn đề trọng tâm và làm quyết liệt để tạo bước chuyển đáng kể như: Quy hoạch lại mạng lưới các trường ĐH, CĐ, sáp nhập hoặc giải tán các trường yếu kém để mạng lưới gọn nhẹ, chất lượng;

Tăng cường năng lực đội ngũ giảng viên, đặc biệt nâng cao trình độ của giáo viên để đạt chuẩn mới cũng như kỹ năng về quản lý trường học của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, tiến tới có Luật Nhà giáo để đảm bảo quyền lợi của hàng triệu giáo viên, trong đó có những thầy cô thuộc khu vực tư nhân không phải viên chức;

Vấn đề tự chủ ĐH là nhu cầu tự thân của các trường để các trường hoàn toàn quyết định được chương trình, chất lượng đào tạo, tiến tới các trường ĐH không trực thuộc Bộ nào cả. Đây là việc rất khó nhưng phải làm.

Bộ trưởng nhấn mạnh: “Việc tự chủ là khó khăn nhưng không phải vì khó mà không làm. Định hướng tới đây là trường đại học không trực thuộc bộ nào cả. Sẽ rất sớm trong nhiệm kỳ của tôi sẽ có các trường không trực thuộc bộ nào, những trường nào có năng lực cao, giải trình tốt sẽ sớm được tự chủ. Bộ sẽ kiểm định tất cả các trường và công bố công khai để minh bạch về chất lượng”;

Ưu tiên đào tạo tiếng Anh cho học sinh; Tăng cường ứng dụng CNTT để dạy và học; Phân luồng học sinh từ bậc THCS; Quốc tế hóa giáo dục;  Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được ngay yêu cầu hội nhập.

Giảng viên nhà trường đối thoại thẳng thắn với Bộ trưởng

Thầy Đoàn Văn Điều (Khoa Tâm lý giáo dục) nêu ý kiến: “Chủ trương không tuyển sinh những ngành không có việc làm nghe thì hay, nhưng nhìn ở góc độ khác học sinh không đi học thì ở nhà làm gì? Nên chăng cứ để các em đi học, sau đó tìm việc như thế nào là quyền của các em. Một đất nước có nhiều người tốt nghiệp đại học vẫn tốt hơn là dừng ở bậc học thấp hơn”.

Trước ý kiến này, Bộ trưởng cho rằng đã học thì phải ra làm việc, học xong không có việc làm chỉ gây tốn kém, và gánh nặng cho gia đình, xã hội. “Mọi người vẫn quan niệm đi học không biết cái này sẽ biết cái kia, quyết định đi học hay không là của gia đình. Tuy nhiên, trách nhiệm của bên cung cấp dịch vụ là đảm bảo chất lượng và định hướng. Hiện nay kinh tế đang khó khăn, không có cầu mà cứ đào tạo sẽ gây lãng phí”

Kiến nghị với Bộ trưởng, PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm TP.HCM xin được đầu tư để xây Trung tâm khảo thí để trường tổ chức đánh giá năng lực như ĐH Quốc gia Hà Nội, đây là việc rất cần thiết cho các trường tự tổ chức thi.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ đồng ý về chủ trương xây Trung tâm khảo thí nhưng trường phải có dự án cụ thể. Là một trong những trường ĐH trọng điểm khu vực phía Nam, ĐH Sư phạm TP.HCM là trường duy nhất đào tạo giáo viên tất cả các bộ môn cho giáo dục phổ thông, vì thế, trường đóng vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục.

Bộ trưởng nhấn mạnh, đổi mới trong giáo dục, nhất là giáo dục phổ thông phải hết sức cẩn trọng. Nếu không có chuẩn bị cẩn thận, có lộ trình thực hiện thì khi cho dù chủ trương có tốt đến mấy, khi áp dụng cũng sẽ có những sai lệch, điển hình là việc thực hiện Thông tư 30 thời gian qua.

Về kỳ thi THPT quốc gia sắp tới, Bộ vẫn khuyến khích các trường tổ chức xét tuyển chung theo nhóm để hạn chế tối đa tỉ lệ thí sinh ảo. Hiện nay khu vực miền Bắc và miền Trung đã có các nhóm trường ĐH cùng xét tuyển chung nhưng khu vực phía Nam chưa có, vì thế Bộ rất khuyến khích các trường ĐH tại TP.HCM thực hiện việc xét tuyển chung này.

Suckhoecuocsong.com.vn (Theo infonet)

Các tin khác