Bức xúc nhà thầu Trung Quốc dùng đất bùn đôn nền đường cao tốc

8/15/2016 10:52:18 PM
Chỉ thi công 10,6km của dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, nhưng nhà thầu Giang Tô (Trung Quốc) liên tiếp bị phát hiện có biểu hiện làm ăn gian dối.

 

Chỉ thi công 10,6km của dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, nhưng nhà thầu Giang Tô (Trung Quốc) liên tiếp bị phát hiện có biểu hiện làm ăn gian dối. Mới đây nhất là tình trạng dùng “đất bẩn” không đúng quy chuẩn để làm nền đường cao tốc.

Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là một phần của đường bộ cao tốc Bắc - Nam, có chiều dài gần 140km, tổng kinh phí gần 28.000 tỉ đồng, được đánh giá sẽ góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội khu vực miền Trung. Tuy nhiên, ngay từ lúc thi công, nhà thầu đã có biểu hiện làm ăn gian dối, cảnh báo kém chất lượng. Đáng nói, sai phạm được dân tố cáo liên tục, song không được xử lý triệt để.

Hồ Hóc Dọc cạn trơ, đất bùn vẫn nhão nhoẹt, tuy nhiên các xe đào vẫn đang xả hết công suất để múc bùn, đất ngay lòng hồ, cung ứng cho đoàn xe khoảng chục chiếc vận chuyển đến khu vực Bàu Sen để đôn nền đường. Từ QL1A lên Hóc Dọc chừng 10km dọc qua các đường làng, bụi mù mịt, xe ben Hổ Vồ chở đất cho cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi nối đuôi nhau. Xe chở đất từ Hóc Dọc hiện đổ đất cho đoạn cao tốc qua Bàu Sen, thuộc đoạn đường thi công của nhà thầu Giang Tô (Trung Quốc).

Ông Trần - một nhà thầu phụ từng cung ứng vật tư để xây dựng tại dự án đường cao tốc này cho biết: “Không cần điều tra, chẳng phải mất công để xác minh cũng có thể khẳng định ngay hoạt động múc đất, bùn tại lòng hồ thủy lợi để đổ trên đường cao tốc là hành vi vi phạm pháp luật, trái quy trình xây dựng một công trình lớn như đường cao tốc Bắc - Nam”. Theo ông Trần, mọi vật tư cung ứng cho công trình đều được giám sát chặt chẽ, thông qua quá trình kiểm soát nghiêm ngặt. Nếu là đất đôn nền, phải có giấy phép khai thác mỏ khoáng sản, chất lượng đất - cát phải được kiểm định, được đơn vị tư vấn, giám sát cấp chứng thư công nhận... mới được phép đưa vào công trình. Đất bùn tại lòng hồ thủy lợi Hố Dọc không nằm trong danh mục mỏ khoáng sản do UBND tỉnh Quảng Ngãi hoặc Bộ TNMT cấp, đang bị khai thác trái phép, nhưng cung ứng để đổ vào công trình đường cao tốc như vậy là hoàn toàn vi phạm quy trình. Sở dĩ có việc ăn cắp đất ở lòng hồ thủy lợi để đổ đường cao tốc là vì nguồn cung đất gần công trình, đất đào trộm nên trốn được thuế tài nguyên. Vì lợi nhuận, nhà thầu gian dối, làm ẩu. Nhưng vấn đề cốt lõi là nếu không có sự bắt tay, thông đồng của đơn vị tư vấn, giám sát thì sự gian dối này khó trót lọt.

Anh T (người dân xã Bình Nguyên chia sẻ thường ngày họ đổ đất ầm ầm, không hiểu sao đất bùn lại được đổ làm nền đường cao tốc. Kiểu này mai mốt thế nào cũng lún, sụt

Ông Phạm Tấn Lực (xã Bình Nguyên), người từng làm bảo vệ cho đội xe cơ giới của nhà thầu Giang Tô (nay đã bị cho nghỉ việc) bức xúc chia sẻ: “Chúng tôi sống ở đây, hàng ngày hàng giờ chứng kiến họ đổ đất bùn, đất thải từ các hồ, đặc biệt hồ Hóc Dọc lên mặt đường cao tốc, dân còn quay phim chụp ảnh. Nhưng phản ánh, đơn thư không thấy ai trả lời”.

Theo ông Lực, nhà thầu Giang Tô (Trung Quốc) đã sử dụng đất, cát không đạt chất lượng để thi công gói thầu A3. Tại Km 106+800 và khu vực Bàu Sen, nhà thầu cho xe ủi qua loa trên mặt rồi đổ cát lấp lên trên; sử dụng đất ở một số mỏ đất mà trước đó Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (thuộc Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam- VEC) kiểm tra, kết luận là không đạt chất lượng để san lấp. Được biết,  Công ty Bến xe miền Trung ở Quảng Ngãi đã trúng thầu thi công công trình đập Hóc Dọc, nhà thầu là doanh nghiệp Lý Tuấn ở Quảng Ngãi

Ông cho biết thêm “Bàu Sen ở Bình Trung nguyên là đầm lầy rộng lớn, sâu hơn 8 mét bùn. Trước đây, khi xây dựng móc trụ đường dây điện 220kV, ngành điện lực đã phải loay hoay đổi cả chục phương án vẫn không xử lý được vì túi bùn quá sâu, kinh phí cao. Cuối cùng họ đã chọn cách không xử lý nữa. Nhưng nay, khi làm đường cao tốc, người dân chúng tôi chứng kiến đơn vị thi công không móc bùn lầy lên mà để nguyên vậy rồi đôn đất. Nếu không kiểm tra, xử lý triệt để cách làm ẩu này thì hậu quả sẽ khó lường.

Theo kỹ sư trưởng Trần Dân - Phó Chủ tịch thường trực Hội Cầu đường Đà Nẵng, Bộ GTVT cho rằng cần phải lập đoàn thanh tra để kiểm tra hiện tượng làm ăn gian dối mà người dân đã tố giác. Cần lập hội đồng khoa học để thẩm tra chất lượng đào đất mà dân cho rằng đơn vị thi công đã đào - đắp không đúng thiết kế. Tuy nhiên, nếu đúng như phản ánh của dân, thì việc đào bùn lầy ở Bàu Sen là không chấp nhận được. Nhà thầu có thể thay đổi phương án thi công, nhưng đề xuất ấy phải được hội đồng khoa học và cơ quan chức năng thẩm định, cho phép. Việc lấy đất phong hóa dưới lòng hồ thủy lợi để đắp nền đường càng vi phạm quy trình, kỹ thuật, cần dừng ngay. Nếu không khắc phục kịp thời, hậu quả rất lớn, không chỉ tốn thời gian, chi phí sửa chữa, mà còn mất uy tín của ngành GTVT, của Chính phủ.

Tổng hợp

Các tin khác