Các điểm du lịch tuyệt đẹp tại Y Tý Lào Cai

2/12/2019 11:30:53 AM
Xã Y Tý nằm ở phía tây của huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, trên vùng núi đá có độ cao hơn 2.000 m. Nơi đây vẫn được biết đến là một trong những điểm săn mây vì hiếm có nơi nào có rất ít ngày mặt trời chiếu sáng đủ 12 giờ, cứ qua trưa là mây trắng lại sà xuống, bồng bềnh khắp các bản làng

 

Xã Y Tý nằm ở phía tây của huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, trên vùng núi đá có độ cao hơn 2.000 m. Nơi đây vẫn được biết đến là một trong những điểm săn mây vì hiếm có nơi nào có rất ít ngày mặt trời chiếu sáng đủ 12 giờ, cứ qua trưa là mây trắng lại sà xuống, bồng bềnh khắp các bản làng, núi non cho đến tận nửa buổi sáng hôm sau. Ở đây, du khách sẽ gặp khung cảnh mặt trời chiếu những ánh vàng xuyên qua biển mây bồng bềnh, bản làng thì thấp thoáng ẩn hiện trong mây núi. Chiêm ngưỡng bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp đó khiến ta có cảm giác cuộc sống nơi đây dường như ngưng đọng.

Cư dân sinh sống ở Y Tý gồm người các dân tộc H'mong, Dao, Giáy, Hà Nhì, đặc biệt là cộng đồng người Hà Nhì đen, một trong những dân tộc ít người nhất Việt Nam.

Y Tý là nơi hội tụ của những mảng màu văn hóa vô cùng độc đáo với trang phục, khăn vấn đầu, phong tục tập quán, cách làm nhà của họ. Nhà trình tường của người Hà Nhì ở Y Tý là không gian sống vững chãi, ấm cúng và bền chắc của họ. Trong quá trình làm nhà, đất giữ vai trò chính, từ việc làm nền được nện chặt bằng đất đến thiết kế phần tường cũng bằng đất đỏ dày đã tạo cho khung, nền nhà bền chắc, có khả năng chống chọi lại với mưa bão và giữ cho nhiệt độ luôn mát mẻ vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông.

Cuộc sống của người dân Y Tý rất bình yên với trò chơi bập bênh hay xích đu bình dị của trẻ con, quần áo lấm lem. Chúng rắn rỏi và khỏe mạnh, kiên cường đến lạ kỳ, nhưng cũng thật ngây thơ và hồn nhiên.

Y Tý hiện vẫn còn hoang sơ, ít khách du lịch nên đồng bào vẫn mộc mạc và chân chất.

Y Tý đẹp riêng bản làng nào, mà đẹp từ chính con đường nhỏ, quanh co xung quanh bản làng. Hãy đứng lại, lắng nghe tiếng suối chảy, tiếng gió và tiếng chim bạn sẽ cảm nhận được vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của nơi đây và thấy mình thật nhỏ bé trước núi rừng Tây Bắc này.

Mùa đẹp để đến với Y Tý, ngắm nhìn ruộng bậc thang là mùa lúa chín tháng 9, tháng 10 cũng như mùa làm đất gieo cấy tháng 4, tháng 5.

Người dân Y Tý sống với một mùa lúa do vậy cuộc sống khá khó khăn tuy nhiên họ cũng trồng cây thảo dược do vậy họ vẫn có thể làm kinh tế và vẫn dữ được rừng. Dưới tán rừng là hơn 1.000 ha những cây thân thảo mộc mà người dân địa phương vẫn thường gọi là cây thảo quả - loại cây có giá trị kinh tế cho người dân vùng cao Bát Xát mỗi năm trên 50 tỷ đồng.

Các điểm du lịch tại Y Tý Lào cai

1. Cột cờ Lũng Pô - Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt

Lũng Pô là tên một dòng suối của huyện Bát Xát, chia đường phân thủy hai nước Việt - Trung. Suối Lũng Pô chảy ra gặp sông Hồng ở cột mốc 92, là điểm đầu tiên của con sông Hồng chảy vào đất Việt. Thật đặc biệt, ở điểm giao này, nước chia làm hai màu. Màu xanh bên phía Việt Nam là của con suối Lũng Pô, dòng nước thẳng màu đỏ là của sông Hồng từ phía Bắc chảy xuống. Trên lãnh thổ Việt Nam, bắt đầu từ suối Lũng Pô, sông Hồng chảy qua 9 tỉnh, thành: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình rồi hòa ra biển ở cửa sông Ba Lạt, kết thúc hành trình hơn 500 km trên đất Việt.

Lũng Pô không chỉ là điểm đánh dấu nơi dòng sông mẹ chảy vào nước Việt để hình thành nên nền văn minh sông Hồng, mà còn gìn giữ những trang sử lặng thầm miền biên giới.

Sau vài giờ vượt qua con đường sóc đến tung người bạn sẽ nhìn thấy Cột cờ Lũng Pô. Cột cờ Lũng Pô được khởi công xây dựng vào ngày 26/3/2016 Công trình được xây dựng trên diện tích 2.100 m2, được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn I thi công xây dựng phần Cột cờ chính, với chiều cao 31,43 m, tượng trưng cho đỉnh Fansipan cao 3.143 m. Lá cờ có diện tích 25 m2, tượng trưng cho 25 dân tộc anh em ở Lào Cai. Giai đoạn II của dự án là hoàn thiện phần ngoại cảnh, gồm các hạng mục sân cỏ, bãi đỗ xe, kè đá hộc, tường rào bao quanh cột cờ. Tổng kinh phí xây dựng công trình trên 17 tỷ đồng, được huy động toàn bộ từ nguồn vốn xã hội hóa, do các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh cùng các đoàn viên, thanh niên, các cấp bộ đoàn trong tỉnh quyên góp.

2. Cầu Thiên Sinh

Cầu Thiên Sinh nằm ở cuối thôn Lao Chải, cách trung tâm xã Ý Tý gần chục km. Theo tiếng dân tộc Hà Nhì, cầu có tên là Thiên Sân Shù, dịch nghĩa là "trời sinh". Sở dĩ gọi vậy là vì đây là cây cầu rất đặc biệt. Cầu chỉ ngắn chừng 1m, trước đây là một tảng đá tự nhiên bắc qua khe sâu hun hút dưới là dòng suối Lũng Pô gầm gào tung bọt trắng xóa. Từ hàng trăm, hàng ngàn năm trước, qua sự vận động kiến tạo địa chất, khối đá khổng lồ đã bị nứt ra tạo thành khe đá này. Đây cũng là biên giới giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Theo thời gian, hòn đá bắc qua khe sâu cứ mòn lõm dần đi, người dân qua đây phải bắc những thanh gỗ làm cầu rồi xây cầu bê tông như bây giờ.

Hiện nay do chưa có điều kiện đầu tư nên muốn thăm quan cầu Thiên Sinh bạn phải xuất phát từ trung tâm xã Ý Tý, phải vượt qua gần chục km đường đá gồ ghề với xe gầm cao mới có thể đi được nếu trời không mưa.

Đến thăm cầu Thiên Sinh bạn sẽ thấy bên đầu cầu phía Việt Nam là cột mốc biên giới số 87 được xây bằng đá hoa cương, phía bên kia là cột mốc của nước bạn Trung Quốc.

3. Phiêm chợ Mường Hum

Đến ngày họp chợ phiên, dòng người từ bản làng vùng cao các xã Mường Vi, Dền Sáng, Y Tý... đổ về chợ như đi hội. Đồng bào nơi đây đi bộ, đi ngựa, mang vác hàng hóa đến chợ để trao đổi, mua bán. Họ mặc những bộ trang phục đặc trưng của dân tộc họ, đẹp nhất của họ để đến phiên chợ. Đến chợ Mường Hum, du khách sẽ được thưởng thức những đặc sản của người dân các dân tộc Mông, Dao, Giáy..., đặc biệt là những trang sức bằng bạc do người Dao địa phương chế tác mang đến chợ bày bán.

4. Bản làng tại Y Tý

Bạn đừng bỏ qua các bản làng nơi đây nhé. Hãy một lần ghé qua để chiêm ngưỡng những ngôi nhà độc đáo với những con đường uốn lượn và sự thân thiện của người dân tộc nơi này.

Suckhoecuocsong.com.vn

Các tin khác