Cách cúng và sắm sửa mâm cỗ ngày Tết Hàn thực

4/7/2016 10:13:41 PM
Tết Hàn thực hay còn gọi là “Tết bánh trôi bánh chay” được tổ chức vào ngày 3/3 âm lịch hàng nămvới ý nghĩa tượng trưng là những thức ăn nguội – hàn thực. 

 

Tết Hàn thực hay còn gọi là “Tết bánh trôi bánh chay” được tổ chức vào ngày 3/3 âm lịch hàng nămvới ý nghĩa tượng trưng là những thức ăn nguội – hàn thực. Vào những ngày này, mọi gia đình đều sắm sửa mâm cỗ dâng lên gia tiên, tiền tổ. Tuy vậy, ý nghĩa sâu xa của Tết Hàn thực và cách cúng như thế nào cho đúng thì không phải ai cũng am hiểu...

Ý nghĩa ngày tết Hàn Thực ở Việt Nam

Tết Hàn thực có nguồn gốc từ Trung Quốc, tuy nhiên đối với người Việt, Tết Hàn thực mang những sắc thái riêng. Vào ngày mùng 3/3 âm lịch hàng năm, người dân đều ăn đồ nấu chín để nguội với tấm lòng thành kính tưởng nhớ đến công ơn dưỡng dục của những người đã khuất.

Đặc biệt, vào ngày mùng 6/3 ở Hà Tây có lệ dâng bánh trôi lễ Hai Bà Trưng, ngày giỗ tổ Hùng vương mùng 10/3 người Việt từ khắp mọi miền tổ quốc về đền Hùng, Phú Thọ thắp hương và dâng cúng những đĩa bánh trôi bánh chay, tưởng nhớ cội nguồn của dân tộc.. Như vậy, Tết Hàn thực của ta mang màu sắc dân tộc riêng, trường tồn trong quá trình dựng nước và giữ nước.

Cách bày mâm cúng Tết Hàn thực

Mâm cỗ cúng ngày Tết Hàn thực gồm: Hương, hoa, trầu cau và 5 hoặc 3 bát bánh trôi cùng 5 hoặc 3 bát bánh chay dâng lên bàn thờ. Sở dĩ số bát bánh trôi và bánh chay phải là 5 hoặc 3 bởi vì cha ông ta quan niệm số lẻ là số tâm linh. Người ta thắp hương cũng thường thắp 1 nén hoặc 3 nén, 5 nén chứ ít khi thắp số chẵn.

Trong đó, bánh trôi, bánh chay tượng trưng cho những thức ăn nguội – hàn thực và là sản vật từ những mùa lúa bội thu dâng lên ông bà tổ tiên cầu mong mưa thuận gió hòa, cuộc sống được thuận lợi.

Văn khấn Tết Hàn thực

Theo Văn khấn nôm tại nhà do Đại đức Thích Quảng Định hiệu đính  thì phải khấn thần ngoại trước, thần nội sau. Bài văn khấn gia tiên trong dịp Tết Hàn thực 3/3 chi tiết như sau:

"Nam mô A Di Đà Phật (3 lần).

Con lạy chín phương trời, mười phương Phật, chư Phật mười phương. Con kính lạy Hoàng thiên hậu thổ, chư vị tôn thần. Con kính lạy ngài bản cảnh thành hoàng, ngài bản xứ thổ địa, ngài bản gia táo quân cùng chư vị tôn thần.

Con kính lạy cao tằng tổ khảo, cao tằng tổ tỷ, thúc bá, đệ huynh, cô di, tỷ muội họ nội họ ngoại.

Tín chủ chúng con là…Ngụ tại…

Hôm nay là ngày …. (đọc ngày theo âm lịch) gặp tiết Hàn Thực, tín chủ chúng con cảm nghĩ thâm ân trời đất, chư vị tôn thần, nhớ đức cù lao tiên tổ, thành tâm sắm lễ, quả cau lá trầu, hương hoa trà quả, đốt nén tâm hương, dâng lên trước án. Chúng con kính mời ngài bản cảnh thành hoàng chư vị đại vương, ngài bản xứ thần linh thổ địa, ngài bản gia táo quân, ngũ phương, long mạch, tài thần giáng lâm trước án chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.

Chúng con kính mời các cụ tổ khảo, tổ tỷ, chư vị hương linh gia tiên nội ngoại họ… (họ của gia chủ) cúi xin thương xót cho con cháu giáng về chứng giám tâm thành thụ hưởng lễ vật.

Tín chủ con lại kính mời các vị vong linh các vị tiền chủ, hậu chủ ngụ trong nhà này, đất này đồng lâm án tiền, đồng lai âm hưởng, phù hộ cho toàn gia chúng con luôn luôn mạnh khỏe, mọi sự bình an, vạn sự tốt lành, gia đình hòa thuận, trên bảo dưới nghe.

Nam mô A Di Đà Phật (3 lần)".

Hy vọng, với đạo lý uống nước nhớ nguồn, giữ gìn bản sắc của dân tộc, người Việt sẽ có ngày Tết Hàn thực năm 2016 đầy đủ, đúng nghĩa.

Tổng hợp

Các tin khác