Cảnh báo: Suy thận nặng vì uống thuốc kiểu truyền miệng

10/11/2016 10:37:10 PM
Nếu ai đã từng chứng kiến những gương mặt nhợt nhạt, thẫn thờ, thiêm thiếp nằm lọc máu mới thấu hiểu sự đau đớn, nỗi khổ của bệnh nhân suy thận.

 

Nếu ai đã từng chứng kiến những gương mặt nhợt nhạt, thẫn thờ, thiêm thiếp nằm lọc máu mới thấu hiểu sự đau đớn, nỗi khổ của bệnh nhân suy thận. Vậy mà thời gian gần đây, số người bị suy thận tại nước ta tăng đột biến, nhiều trường hợp phải chạy thận nhân tạo suốt đời chỉ vì sử dụng thuốc linh tinh, uống thuốc theo phương pháp truyền miệng.

TS.BS Nguyễn Bách, trưởng khoa thận - lọc máu Bệnh viện Thống Nhất, TP.HCM, cho biết trung bình mỗi tháng phòng khám chuyên khoa thận của bệnh viện khám khoảng 2.000 lượt người. Trong số đó có khoảng 10-15 người sử dụng các thuốc không rõ nguồn gốc ảnh hưởng đến chức năng thận, 2 bệnh nhân suy thận cấp phải nhập viện điều trị vì chức năng thận suy giảm quá nặng.

Đánh giá về nguyên nhân, TS Bách cho biết do bệnh nhân tự ý sử dụng thuốc, dẫn đến hậu quả là có tổn thương hoại tử ống thận hoặc mô kẽ thận...

Các khổ chủ mang bệnh do uống thuốc không rõ nguồn gốc

Trường hơp của ông B.V.P. (74 tuổi, TP.HCM) bị suy thận cấp do viêm ống thận kẽ cấp tính phải nhập viện tháng 4/2016.

Trước đó, ông P. có tiền sử tai biến mạch máu não nên hay bị đau nhức chân tay, vì vậy đã tự mua thuốc của một thầy lang về uống. Hậu quả, sau ba ngày uống thuốc, ông bị phù hết cả người nên đã được đưa đi cấp cứu để lọc máu, tuy nhiên chức năng thận của ông chỉ hồi phục một phần.

Tương tự, ông P.V.H. (80 tuổi, TP.HCM) có tiền sử viêm khớp, thường xuyên bị đau nhức nên đã nghe lời khuyên của người hàng xóm mua thuốc của một thầy lang để sử dụng. Sau đó một tuần ông thấy mặt nằng nặng tìm thầy lang hỏi nhưng nói cứ uống nên uống thêm một tuần nữa thì thấy mệt, tiểu ít, mặt bị phù to mới vội đi bệnh viện. Lúc này, chức năng thận của ông đã rất xấu do suy thận cấp nên phải chạy thận nhân tạo ba lần mới hồi phục.

Sừng tê giác đâu phải là tốt

Tháng 1/2016 bệnh viện tiếp nhận bà L.T.N. (87 tuổi, TP.HCM). Do lớn tuổi nên bà hay nhức mỏi khớp, đau lưng. Con bà nghe nói uống bột mài ra từ sừng tê giác rất tốt nên đã mua về mài cho bà uống khoảng 3 tháng.

Sau thời gian uống sừng tê giác, bà N thấy mệt hơn, ăn uống kém nên đi khám. Qua xét nghiệm, bác sĩ thấy chức năng thận của bệnh nhân xấu đi nhiều, dù trước đó bà đến khám sức khỏe nhiều lần tại Bệnh viện Thống Nhất thì chức năng thận bình thường. Hiện, thận của bà chỉ hồi phục một phần và phải đi tái khám, theo dõi thận thường xuyên.

Hoặc trường hợp ông T.N.P. (41 tuổi, người Trung Quốc), sau khi lấy vợ người VN, chờ lâu quá không có con nên hai vợ chồng ông đi khám. Nghĩ mình bị yếu sinh lý cần uống thuốc bồi bổ cho khỏe nên trong một lần về nước ông đã mua một loại thuốc mang về VN uống. Tốt đâu chẳng thấy, chỉ ba ngày sau khi uống, ông P. không đi tiểu được, người phù to phải chạy thận cấp cứu 6 lần vì viêm ống thận mô kẽ cấp tính và còn rất nhiều trường hợp khác do uống rượu thuốc để tăng cường sinh lực, bồi bổ cơ thể dẫn đến suy thận.

Chuyên gia khuyến cáo nên cảnh giác với thuốc “lạ”

Theo TS Bách, hiện thị trường thuốc có rất nhiều loại và nhiều nơi bán tự do không cần toa bác sĩ. Ngoài ra, còn có thực phẩm chức năng, thuốc y học cổ truyền không rõ nguồn gốc bán tràn lan, thầy lang hành nghề không phép... khiến cho không ít người nghe theo lời tư vấn của người quen, người bán mà mua uống và bị suy thận đột ngột thậm chí phải chạy thận nhân tạo lọc máu suốt đời.

Theo các chuyên gia, có 2 nhóm bệnh nhân thường bị suy thận đột ngột do dùng thuốc tây không đúng chỉ định, hoặc tự dùng một số loại thuốc tễ, thuốc có chữ Tàu, cây cỏ cắt lát, thuốc bắc, thực phẩm chức năng... không rõ nguồn gốc. Có người lại sử dụng bột sừng tê giác, rượu thuốc.

Nhóm một thường là người già có bệnh đau lưng, đau khớp mãn tính luôn mong muốn hết hẳn đau nhức.Nhóm hai thường là người trẻ, trung niên muốn bồi bổ sức khỏe, tăng cường sinh lý cho mạnh lên.

Do đó để tránh bị suy thận đột ngột, TS Bách khuyên cần cảnh giác với các loại thuốc “lạ”. Trước khi sử dụng thuốc cần tìm hiểu kỹ và chỉ uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, thuốc có nguồn gốc, hạn sử dụng và công dụng rõ ràng. Đặc biệt, không tự ý mua và lạm dụng thuốc kháng viêm non-steroide để giảm đau nhức vì nhóm thuốc này có thể gây biến chứng suy thận cấp hoặc mua thuốc theo kiểu truyền miệng để giảm thiểu rủi ro cho sức khỏe.

Suckhoecuocsong.com.vn (theo tuoitre.vn)

Các tin khác