Cáp quang Liên Á bị đứt gây ảnh hưởng đến đường truyền mạng

7/12/2016 11:39:20 AM
Mặc dù tuyến cáp quang biển Liên Á đi quốc tế của Việt Nam mới được bảo trì nhưng một thời gian ngắn lại gặp sự cố, gây ảnh hưởng đến tốc độ truyền internet. 

 

Mặc dù tuyến cáp quang biển Liên Á đi quốc tế của Việt Nam mới được bảo trì nhưng một thời gian ngắn lại gặp sự cố, gây ảnh hưởng đến tốc độ truyền internet. Theo thông tin từ các nhà mạng, tuyến cáp quang này sẽ được sửa từ ngày 12/7 - 19/7/2016. Trong thời gian đó, Internet đi quốc tế tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.

Sau khi bảo trì xong AAG, đến lượt tuyến cáp Liên Á (nối Việt Nam với Hongkong và Mỹ) bị đứt. Theo thông tin từ Viettel, một trong những đơn vị khai thác tuyến cáp quang biển Liên Á (IA) thì tuyến cáp quang này đã gặp sự cố từ ngày 27/6, tuy nhiên đến ngày 12/7 tới đây, sự cố mới bắt đầu được khắc phục và dự kiến phải mất một tuần mới khắc phục xong. Vị trí xảy ra sự cố nằm cách bờ Singapore 45km. Thời gian khắc phục tính trạng này là 1 tuần, điều này sẽ làm ảnh hưởng đáng kể đến tốc độ truy cập Internet của người dùng.

Cụ thể, tuyến Liên Á sẽ ngưng phục vụ từ ngày 12/7 đến ngày 19/7 để được sửa chữa. Trong thời gian này, nhà các kết nối đi quốc tế vẫn sẽ chủ yếu qua tuyến AAG và một số hệ thống trên bộ. Hiện có ba nhà cung cấp Internet khai thác tuyến Liên Á gồm Viettel, CMC và FPT. Trong đó, Viettel là đơn vị bị ảnh hưởng nhất do lưu lượng khai thác cao nhất. Nhà mạng này cho biết đã tạm chuyển lưu lượng từ Liên Á sang AAG để tiếp tục phục vụ, duy trì chất lượng kết nối.

Để không ảnh hưởng đến khách hàng, nhà mạng này sẽ bổ sung tổng cộng 160Gbps lưu lượng cho các tuyến dự phòng qua Trung Quốc, AAG, Hong Kong trong quãng thời gian sửa cáp Liên Á. Trong khi các nhà cung cấp Internet còn lại chủ yếu dùng tuyến cáp AAG và landline (tuyến cáp trên bộ) nên không ảnh hưởng nhiều khi Liên Á gặp sự cố.

Tuyến cáp Liên Á chính thức đi vào hoạt động từ 6/11/2009, kết nối Singapore, Việt Nam, Philippines, Hong Kong, Nhật Bản với tổng chiều dài 6.800km. Tuyến cáp quang này có mức đầu tư ban đầu 200 triệu USD và được thiết kế với lưu lượng toàn tuyến đạt 320Gbps. Hệ thống cáp quang biển Liên Á là tuyến cáp quang quan trọng để trung chuyển lưu lượng đến châu Mỹ và châu Âu cho các khách hàng ở Việt Nam và khu vực. Việc đưa vào vận hành tuyến cáp góp phần làm giảm đáng kể nguy cơ bị cô lập với thế giới bên ngoài khi có sự cố trên các tuyến cáp quang biển khác như hệ thống cáp quang biển SMW3 hay TVH.

Trước đó, vào cuối tháng 6, tuyến cáp quang AAG đã phải ngừng hoạt động trong một tuần để bảo trì. Tuy nhiên, chưa đầy một tháng sau, người dùng Việt Nam tiếp tục bị ảnh hưởng vì cáp quang bị đứt. Tuy nhiên, do tuyến cáp quang Liên Á chỉ kết nối giữa các quốc gia tại châu Á nên phạm vi ảnh hưởng bởi sự cố này sẽ không nghiêm trọng như sự cố với tuyến cáp quang AAG.

Các giải pháp ứng phó

Giải pháp 1: San tải sang các tuyến cáp khác, giảm phụ thuộc vào cáp quang AAG

Để đối phó với tình trạng đứt cáp diễn ra liên tục hiện nay, các nhà mạng đã bắt đầu đưa ra các giải pháp mới với mục tiêu giảm phụ thuộc vào tuyến cáp AAG.

Trả lời ICTNews trong ngày 8/6, đại diện các ISP đang khai thác, sử dụng tuyến cáp quang biển AAG như VNPT, Viettel, FPT Telecom, NetNam và CMC Telecom đều khẳng định các nhà mạng này đã có phương án ứng cứu thông tin trong khoảng thời gian hơn 10 ngày tuyến cáp quang biển AAG tạm ngừng hoạt động để bảo trì, sửa chữa. Cụ thể, nhằm hạn chế tối đa mức độ ảnh hưởng tới các khách hàng, ngay sau khi nhận được thông báo kế hoạch bảo trì của Trung tâm điều hành tuyến cáp AAG, FPT Telecom đã sử dụng sử dụng các tuyến cáp đất liền để chuyển tiếp lưu lượng AAG bị ngừng hoạt động, đồng thời bổ sung dung lượng kết nối quốc tế, với mức lưu lượng được bổ sung lên tới 50 Gbps.

Tương tự, đối với Viettel, theo chia sẻ của Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Mạng lưới Viettel Phạm Đình Trường, các phương án ứng cứu thông tin, định tuyến lưu lượng qua các hướng đi quốc tế khác trong thời gian khoảng 10 ngày tuyến cáp quang biển quốc tế AAG bảo trì và sửa chữa, đã được Viettel hoàn tất trong ngày 6/6/2015.

Cùng với việc bổ sung thêm 30 Gbps dung lượng kết nối quốc tế, trong đó 20 Gbps phục vụ kết nối trên hướng quốc tế đi qua cáp quang biển Liên Á (IA) và 10 Gbps trên hướng đất liền đi qua ChinaTelecom và ChinaUnicom, Viettel cũng đã tiến hành điều chuyển 20 Gbps từ tuyến cáp AAG sang hướng đất liền. Với việc  triển khai đồng loạt các biện pháp nêu trên, Viettel cam kết sẽ duy trì dịch vụ cung cấp cho các khách hàng, kể cả trong các khung giờ cao điểm.

Giải pháp 2: Xây dựng tuyến cáp quang mới đi qua Trung Quốc theo đường bộ

Thông tin được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho biết tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, chiều 25/4. Theo Bộ trưởng, dung lượng sử dụng tuyến cáp quang biển càng ngày càng lớn, khi cáp quang bị đứt ảnh hưởng rất lớn đến truy cập Internet của người dân và doanh nghiệp, vì vậy chúng ta sẽ xây dựng tuyến cáp quang thứ hai trên đường bộ sang Trung Quốc.

Tuy nhiên việc xây dựng tuyến cáp quang mới đi qua Trung Quốc sang Hồng Kông lại khiến người dùng Internet tỏ ra lo ngại vì tính bảo mật khi một lượng lớn thông tin chạy qua tuyến cáp này.

Mặc dù đã có những giải pháp cho vấn đề đứt cáp được đưa ra, nhưng để áp dụng vào thực tế hiệu quả và hoàn toàn thay thế được tuyến cáp huyết mạch AAG thì vẫn cần rất nhiều thời gian nữa. Vì thế trong tương lai gần, chúng ta có thể sẽ phải "sống chung với lũ" một thời gian nữa...

Tổng hợp

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Các tin khác