Câu chuyện về nghề nhà báo và lương tâm nghề nghiệp

9/16/2015 4:18:34 PM
Trên thế giới, bất cứ công việc nào từ người làm đường, lao công đến công chức làm việc trong khối nhà nước ngoài đức tính nhiệt tình, trung thực, tận tâm…cần phải có lương tâm với công việc của mình. Trong đó nghề nhà báo, với cây bút đòi hỏi người trong nghề phải phản ánh đúng, đầy đủ, xác thực những mặt tích cực, tiêu cực của xã hội…  

 

 

Tuy nhiên, trong thời buổi thực dụng, nghề làm báo cũng bị “méo mó” bởi sức mạnh vô hình của vật chất hoặc ảnh hưởng của đám đông, thậm chí là câu “view” …Vì vậy, câu chuyện về những bác sĩ bị một số nhà báo “gài bẫy” đã khiến cho những người trong nghề thật sự phải suy ngẫm làm thế nào để phát huy thế mạnh của ngòi bút chứ không phải làm thui chột, thậm chí chỉ nghe đến danh “nhà báo” là mọi người sợ hãi, lảng tránh…

 

Đằng sau những câu chuyện có thật

 

Chia sẻ trên “Diễn đàn nhà báo trẻ”, bạn Mai Hoang có viết “ Nếu tiếp tục có những bài báo như vậy, chắc sẽ rất hiếm phóng viên có thể tiếp cận được với bác sĩ nữa. Đơn giản vì họ quá sợ”. Kèm theo status là ảnh về bài viết của một bác sĩ - được đề cập trong một bài báo - đang không chỉ gây sốc trong ngành y mà ngay cả với những người làm báo.

 

“Râu ông nọ cắm cằm bà kia”

 

Bác sĩ Phan Xuân Tước (BV Nguyễn Trãi - TP HCM) đã phải rút ruột viết lời trần tình với các đồng nghiệp - phải điện thoại đến bác sĩ An - Phó Giám đốc Bệnh viện Củ Chi để đồng nghiệp hiểu rằng, lời phát biểu của ông được đăng tải trong bài báo là do bị phóng viên gài.

 

Theo BS Tước thì ông được BS Trưởng khoa giới thiệu một bệnh nhân là người quen của Phó giám đốc Bệnh viện muốn tư vấn về bệnh thận. Nhận thấy đây là vấn đề có ích cho bệnh nhân nên ông đã đồng ý. Người này có hỏi một số vấn đề về chuyên môn sỏi thận, chỉ một số vấn đề phổ thông, sau đó quay sang về sỏi thận kèm sốc có nên mổ hay không? BS Tước đã trả lời theo hướng Abces thận do sỏi, trong đó nhấn mạnh 3 vấn đề kháng sinh, vận mạch nâng HA và mỗ dẫn lưu. Ông cũng nói đó là ca nặng khả năng không tốt rất cao nên khuyên rằng: "Nếu BS đề nghị mổ thì anh nên đồng ý".

 

Chỉ mấy tiếng đồng hồ sau, bài báo được đăng tải về một bệnh nhân được mổ ở BV Củ Chi, gắn câu trả lời của BS Tước, khiến BS Tước nhận được không biết bao lời chỉ trích, phê phán của đồng nghiệp. Ông và vợ ông mất ngủ cả đêm. Ông lấy danh dự của bản thân để khẳng định rằng những gì ông đã viết, đó là sự thật.

 

 

Những lời "ruột gan" của BS Tước sau khi bị "gài" vào một bài báo.

 

Đây không phải là lần đầu tiên, bác sĩ bị nhà báo gài, khiến dư luận không đồng tình với cách làm báo đem “râu ông nọ, cắm cằm bà kia”. Một bác sĩ tay nghề cao ở BV Phụ sản TƯ cũng đã thẳng thừng tuyên bố không mổ cho một bệnh nhân, khi biết đó là nhà báo. Không phải không có lý do để vị bác sĩ đầu ngành kia nói lời từ chối, vì tờ báo mà bệnh nhân này tiết lộ là đang cộng tác, cũng đã từng gài ông, nên mới chỉ nghe tên tờ báo, cộng với bệnh nhân không phải là diện phải mổ gấp, chỉ là mổ dịch vụ nên ông đã từ chối, đề nghị tìm bác sĩ khác. Vị bác sĩ rơi vào trạng thái “đề phòng, cảnh giác”, sợ một lần nữa… bị gài.

 

Đã 19 năm có lẻ, tôi vẫn nhớ như in buổi sáng hôm ấy tại BV Phụ sản TƯ, buổi sáng mà hai trẻ sinh đôi đã tử vong do một tai biến sản khoa. Người nhà sản phụ quây kín khu khám bệnh, lãnh đạo BV phải nhờ lực lượng công an can thiệp. Tôi là bệnh nhân có mặt tại phòng khám hôm ấy, thấy thật buồn khi có đến dăm bảy phóng viên còn khá trẻ, họ gay gắt đòi lãnh đạo phải tiếp, phải có câu trả lời, đưa yêu cầu phải tiếp phóng viên.

 

Trong thời gian nằm điều trị tại khoa, tôi giấu mình “quyết không khai là nhà báo”. Tôi rất yên tâm khi người mổ bắt thai cho tôi là bác sĩ trưởng khoa. Trước ngày lên bàn mổ, bà đến gặp tôi và nói : “Bác sĩ khác sẽ mổ cho em”. Trả lời cho câu hỏi vì sao của tôi, bà nhỏ nhẹ: “Vì em là nhà báo. Chị nói chắc em hiểu, một khi bị một áp lực tinh thần, chị sợ ảnh hưởng đến quá trình phẫu thuật. Vụ sản phụ bị tai biến, bái chí chưa rõ nguyên nhân đã viết như buộc tội bác sĩ. Chị là người chịu trách nhiệm cao nhất ở khoa. Nói vậy để em hiểu và thông cảm cho chị”.

 

Lời từ chối của bà khiến tôi không hề buồn và rất thông cảm với những áp lực của ngành y khi xảy ra những tai biến. Bất chợt tôi nhớ đến “trận đánh” tơi tả của một tờ báo với bác sĩ Trung - phẫu thuật viên não nổi tiếng ở BV Chợ Rẫy - ở thời kỳ đổi mới “những việc cần làm ngay” vào những năm giữa thập kỷ 80.

 

Dù sau đó, những nguyên nhân của tai biến đã được làm rõ, ông vẫn không thể cầm dao mổ trong một thời gian dài. Ai cũng sững sờ khi nghe ông nói: "Tôi sợ bàn tay mình run".

 

Tôi viết bài báo này không phải để biện minh cho ngành y. Nhưng chúng ta cần phải rạch ròi, sòng phẳng với đúng, sai. Đã có những y, bác sĩ bị kỷ luật khi báo chí lên tiếng. Sai thì ta phê, góp ý để sửa sai chứ không thể cứ thấy sai là… đạp đổ, nhấn chìm, đặc biệt là đối với nghề cực kỳ nhạy cảm với xã hội như ngành y, ngành gánh trách nhiệm cao cả: cứu người.

 

Ai cũng biết, trong phẫu thuật, tai biến là điều không thể trách khỏi

 

Những người cầm bút có thấy day dứt, trăn trở khi đọc được dòng chữ này của bác sĩ Bùi Nghĩa Thịnh - Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch khi ông đọc xong bài báo “Mổ sỏi thận, bác sĩ làm bệnh nhân tàn phế” đang gây ồn ào dư luận: “Tôi bàng hoàng, hoản loạn và đang mất định hướng trong thực hành y khoa vì những lý luận của GS.TS. đang đi ngược lại hướng dẫn của Surviving Sepsis Campaign (SSC) – Một chiến dịch toàn cầu được xây dựng bởi các bộ óc vĩ đại của giới bác sĩ đến từ 30 hiệp hội y khoa chuyên ngành trên toàn thế giới, chỉ nhằm mỗi mục đích giảm tỷ lệ tử vong đang còn cao ngất ngưởng tới 50% của sốc nhiễm khuẩn (chắc tỷ lệ này ở Việt Nam còn cao hơn do những bất cập về trang thiết bị y tế, trình độ chuyên môn, chi phí điều trị...)".

 

Trong Diễn đàn nhà báo trẻ, nhiều nhà báo đã bày tỏ quan điểm về cách làm báo không sòng phẳng thông tin, nhằm mục đích câu “view” nhiều hơn là truyền tải sự thật. Tôi thấy mừng vì không ít nhà báo đã không thỏa hiệp với cái sai của đồng nghiệp.

 

Âu, đây cũng là bài học nghề nghiệp rất cần cho những nhà báo mới chập chững vào nghề, cho những nhà báo đã không làm đúng với lương tâm nghề nghiệp - nghề mà dư luận cho là có quyền lực thứ 4 trong xã hội. Nghề nào cũng đòi hỏi phải có đạo đức, lương tâm, đâu chỉ có nghề y hay nghề giáo?

 

Suckhoecuocsong.info (Theo Khampha)

Các tin khác