Cơ chế khiến tay bị phồng rộp lên khi lao động, cách xử trí

9/18/2018 8:16:21 AM
Những ai không thường xuyên lao động bằng những công cụ, không quen làm việc bằng tay, khi tham gia lao động chẳng hạn như cuốc, đào, xúc đất đá hay vật liệu xây dựng, thu hoạch mùa màng, sau một lúc tay phồng rộp lên và có thể chảy nước hay chảy máu.

 

Những ai không thường xuyên lao động bằng những công cụ, không quen làm việc bằng tay, khi tham gia lao động chẳng hạn như cuốc, đào, xúc đất đá hay vật liệu xây dựng, thu hoạch mùa màng, sau một lúc tay phồng rộp lên và có thể chảy nước hay chảy máu.

Tay bị phồng rộp tên là do ta cầm vào dụng cụ quá chặt. Những cán xẻng, cán cuốc trong lúc thực hiện các thao tác đào, cuốc tất nhiên chúng rung lên, di động trong lòng bàn tay. Ở những người không quen với công việc đó, da ở lòng bàn tay thường mỏng, cùng với sự tiếp xúc luôn di động mạnh trong lòng bàn tay, một bộ phận da bị bong ra. Lúc mới bắt đầu, một bộ phận da tiếp xúc bị ma sát kích thích mạnh, các huyết quản xung quanh bị tụ máu, đỏ ửng lên. Tiếp theo là các dịch thể trong máu thẩm thấu vào chỗ da đó, chúng dễ bong ra khỏi lớp phía dưới và chứạ đầy dịch thể rồi phồng hẳn lên. Nếu cứ tiếp tục, lúc này do lực ép và trượt của nốt phồng, một số mao quản nhỏ bị vỡ ra và chảy máu. Nó hình thành một nốt phồng rộp có máu. Những nốt phồng rộp nước hay phồng rộp máu, khi đó rất dễ bị các dụng cụ đang cầm tỳ ép vỡ, gây đau đớn phải ngừng lao động, sản xuất.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Không những chỉ trong lao động sản xuất ta mới gặp những trường hợp như vậy mà ngay cả khi đi đôi guốc mới, đôi giầy chật mà cuốc bộ lâu, chân cũng phồng nước lên làm đau đớn. Nguyên nhân sinh ra phồng rộp đó cũng giống như ở trên. Thực ra, phồng rộp tạo ra một lớp đệm mềm để có thể giảm nhẹ lực ma sát và áp lực của vật thể tác dụng tới tay hoặc chân ở những bộ phận tổn thương. Những nước dịch và máu lại là thể lỏng, dễ lưu động, biến dạng, nếu cứ tiếp tục bị ép và rung mạnh chất dịch và máu sẽ lan rộng ra các tổ chức xung quanh làm cho vết phồng rộp lớn lên đến khi gặp chỗ yếu nhất ở nốt phồng, vỡ ra và tràn ra ngoài.

Để tránh bị phồng rộp ở tay, khi lao động bạn phải biết cách sử dụng công cụ một cách chính xác, uyển chuyển, không tạo ra những lực thừa do phản lực tác dụng ngược lại tay. Khi bạn đã cảm thấy lòng bàn tay bị nóng hoặc có hiện tượng đỏ rát, bạn nên nghỉ ngơi một chút. Nên đi găng tay, hoặc quấn vào cán xẻng cán cuốc một lớp vải mềm. Có thể thay đổi tư thế, vị trí cầm dụng cụ. Còn khi đã xuất hiện phồng rộp xước hay phồng rộp máu, nhất thiết phải nghỉ ngơi, phải sử dụng các biện pháp bảo vệ, đề phòng nốt phồng bị vỡ. Nếu để nguyên như vậy vài ngày sau sự tự tiêu khỏi.

Không chọc vỡ các chỗ phồng ra, kể cả nốt phồng phát triển quá lớn hoặc tạo cảm giác rất đau đớn. Còn khi đã bị vỡ nốt phồng, phải quan tâm nhiều đến việc chống nhiễm trùng, rửa sạch tay bằng nước nóng và bôi các loại thuốc kem diệt khuẩn. Dùng một miếng vải sạch hoặc gạc để bảo vệ da cho đến khi lành hẳn, thường là 3 - 4 ngày thì da sẽ liền. Vài ngày sau khi khỏi, tại nơi có nốt phồng có thể sẽ chuẩn bị cho bạn cách ứng phó với điều kiện lao động mới – một lớp da mới dày hơn nhiều gọi là chai tay, sẽ hình thành, rắn chắc và chịu được các lực cơ học đã làm tổn thương bàn tay hoặc bàn chân bạn.

Để tránh những vết phồng nơi bàn tay khi lao động, cần mang loại găng tay mềm và dày. Thay đổi tư thế làm việc của bàn tay thường xuyên. Khi làm việc, tiếp xúc trực tiếp với những vật nặng có bề mặt thô nhám và cứng, nhất thiết phải tập thói quen mang găng tay. Nếu bạn chuẩn bị làm một công việc nặng nhọc nào đó đòi hỏi sức chịu đựng của bàn tay, cần xoa bóp tay mỗi ngày trong vài tuần để làm tăng sức chịu đựng của da tay.

Để tránh những vết phồng nơi bàn chân, khi lao động (làm nương, leo núi), phải mang giày bảo hộ, không nên đi chân đất, chọn cỡ giày thích hợp, không quá chật cũng không quá rộng. Không nên dùng loại giày làm bằng nguyên liệu thô, cứng.

Lưu ý:

Nếu nước chảy ra từ chỗ phồng có mùi hôi, vết phồng bất thường (đau, đỏ, lan rộng, lâu lành da...) là vết phồng đã bị nhiễm khuẩn. Vì vậy, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được cán bộ y tế thăm khám và xử trí.

Suckhoecuocsong.com.vn 

Các tin khác