Có thật đốn hạ cây xanh không cần nghe ý kiến của dân?

3/18/2015 4:44:40 PM
Câu nói của Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Đăng Long cho biết việc chặt cây để thay thế cây khác ở Hà Nội do cơ quan quản lý quyết định, “không phải hỏi gì cả” (nói về việc hỏi ý dân) đã gây nên làn sóng phản đối mạnh mẽ.

 

 

Chặt cây không cần phải hỏi ý kiến dân!

 

Trao đổi bên lề cuộc giao ban báo chí Thành ủy chiều 17/3, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Đăng Long cho biết, việc chặt cây đã nhiều lần được nói tới, hiện nay có thể thấy cây xanh trồng trên đường phố cũng rất tạp, có rất nhiều cây đổ, gây tai nạn. Hiện tại Hà Nội đã bắt đầu chặt, thay thế 6.700 (!) cây trên 190 tuyến phố thuộc địa bàn thành phố.

 

Tuy vậy, khi được hỏi về việc lấy ý kiến người dân, ông Long cho biết “Cái gì cũng phải hỏi ý kiến hay sao? Bây giờ chỉ có chuyện trồng cây mà phải hỏi ý kiến dân! Tôi hỏi thế đất nước bây giờ động đến cái gì cũng đi hỏi dân thì bầu ra chính quyền làm gì... Anh không đồng tình với chuyện đó (chặt cây) thì anh cũng chỉ là một người dân thôi. Còn biết bao nhiêu người dân đồng tình thì sao.”

 

Nỗi bàng hoàng, tiếc nuối của người dân Hà Nội

 

Ngay sau khi quyết định một trang fanpage phản đối đã được lập ra, thu hút hơn 5.000 lượt like chỉ trong vòng 15 tiếng đồng hồ. Trên khắp các diễn đàn, người dân đều không giấu khỏi sự bàng hoàng, tiếc nuối trước quyết định sẽ chặt hàng ngàn cây xanh của TP.Hà Nội.

 

Họ không khỏi băn khoăn rằng, tại sao lại phải chặt bỏ, thay thế cả những phượng, bằng lăng, liễu, bàng... còn đang sung sức, không ảnh hưởng đến giao thông như trên phố Lê Duẩn, Trần Nhân Tông, Trần Duy Hưng... để trồng đồng bộ cây vàng tâm... bằng nguồn xã hội hóa.

 

"Đau lắm khi đứng đón con trước cổng trường trên phố Quang Trung nhìn những gốc cây 3-4 trẻ mới ôm hết gốc giờ chỉ còn là cái hố sâu hoắm. Rồi đây các con sẽ là những người đầu tiên phải hứng chịu hậu quả của việc không còn tán cây xanh trước cổng trường" - chị Hoàng Minh Phượng đã phải thốt lên.

 

"Mình đi học ngay Nguyễn Thái Học, mấy cái cây ấy giờ đã trở thành một phần tuổi thơ mình rồi. Nếu cứ như thế này thì Hà Nội sẽ không còn cây xanh mất. Đừng chặt cây!", bạn Trang Lê khẩn thiết.

 

 

Rất nhiều người dân khẩn thiết kêu gọi Hà Nội không chặt đi những hàng cây của mình

 

Nhiều người nêu ra ý kiến rằng, cụm từ "thí điểm" tưởng như được quán triệt sâu rộng nay bỗng thành ngoại lệ. Hà Nội ra quyết định thần tốc và quyết liệt - không cần thí điểm, không cần ý kiến người dân.

 

Xót xa trước việc thay thế hàng loạt cây xanh ở Hà Nội, nhà báo Trần Đăng Tuấn đã viết thư ngỏ gửi Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo, kiến nghị: “Tạm dừng việc chặt hạ cây một thời gian để người dân tự kiểm tra: Có đúng 6.700 cây đó là thuộc diện cần loại, thay hay không? Thông báo trên báo chí cho mọi người biết có bao nhiêu cây như vậy ở trên mỗi tuyến phố cụ thể, đánh dấu nhận biết 6.700 cây đó để người dân bằng mắt kiểm nghiệm và thấy việc này thỏa đáng không. Nếu thỏa đáng, người ta không có lý gì không ủng hộ. Nếu không thỏa đáng, người dân sẽ có ý kiến và Sở Xây dựng cần có sự xem xét điều chỉnh lại danh mục cây cần loại…”.

 

Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng đưa ra quan điểm, việc thay đổi cây xanh trong đô thị vì lý do mục ruỗng, nguy hiểm... thì nên thay đổi. Thay đổi cho phù hợp là việc bình thường của nhà quản lý đô thị (trừ cây di sản thì phải tìm mọi cách giữ). Nhưng, việc thay đổi không phù hợp, vì một lý do nào đó thì không nên. Vừa rồi Hà Nội chặt một loạt cây xanh để xây dựng tuyến đường sắt trên cao, đặc biệt là chặt cây cổ thụ, như cây xà cừ, loại cây rễ ăn sâu, bền chắc, tỏa bóng mát như cây sấu là không nên. Cây xà cừ bị chặt bỏ nhiều nhất, có cây trồng cả trăm năm nay, từ thế kỷ 19 người Pháp quy hoạch Hà Nội. Hà Nội đã có nhiều con phố mà cây xanh tạo nên thương hiệu cho nó, như phố Lò Đúc có cây sao đen, phố Phan Đình Phùng có cây sấu, Hoàng Hoa Thám có cây sưa…

 

 

Chặt cây thì dễ, trồng lại cây mới khó

 

“Phá nhà thì dễ, nhưng cây xanh thì phải trồng trong vòng 50 – 70 năm mới có được một cây to. Về khoa học, cây xanh là nguồn cải tạo môi trường sống đô thị. Chúng ta thử hình dung một đô thị không có cây xanh giống như con người ra đường không đội mũ, con người sẽ ốm. Đô thị không có cây xanh là đô thị hoang lạnh, chỉ là những khối bê tông vô cảm. Đô thị phải là tổ ấm chứ không phải chỉ là những khối kiến trúc. Cũng giống như khi nói đến Hải Phòng là thành phố Hoa phượng đỏ, Sài Gòn là những hàng me... Các nhà quản lý đô thị cần có tư duy văn hóa, nghĩ về cộng đồng chứ không phải tư duy nhiệm kỳ. 5 năm không thể trồng được một cây xanh cổ thụ. Con người là vốn quý của cuộc đời thì cây xanh là vốn quý của đô thị”, ông Tùng nhấn mạnh.

 

Thiết nghĩ, lãnh đạo thành phố Hà Nội, các cơ quan chức năng cần tiếp tục lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, của người dân để đưa ra một giải pháp hợp lý nhất cho cây xanh đô thị, giữ gìn một không gian đô thị lành mạnh phục vụ cho chính sức khỏe, cuộc sống của chúng ta. Chỉ có một điều chắc chắn rằng, mùa hè này Hà Nội sẽ trở nên nóng nực hơn rất nhiều khi một lượng cây xanh khổng lồ biến mất, để trơ lại những khối bê tông vô tri hứng nắng.

 

Quang Phong - Skcs.vn (tổng hợp)

Các tin khác