Công nghệ để hạn chế lái xe khi sử dụng rượu bia: Có thể không? (Phần II)

10/11/2016 10:54:57 AM
Hãy cùng chúng tôi đến với các công nghệ có khả năng hạn chế việc điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu/bia.

 

Sử dụng thiết bị phân tích hơi thở

Gần đây Các nhà nghiên cứu Đức đang phát triển công nghệ ngăn một ai đó lái xe nếu phát hiện có dấu hiệu của chất cồn bằng cách sử dụng các thiết bị phân tích hơi thở thông minh. Tuy nhiên, nó không giúp ích trong trường hợp cần ngăn cản ai đó ngồi vào vô-lăng sau khi sử dụng các chất có cồn. Để giải quyết vấn đề này, các nhà nghiên cứu ở Đức tạo ra ALC (Alcohol Language Corpus), một dạng cơ sở dữ liệu xây dựng từ những đối thoại điển hình khi ai đó say rượu.

Các nhà sản xuất có thể tích hợp thư viện âm thanh ALC với công nghệ đã có sẵn trên xe hơi và tạo ra hệ thống có khả năng ngăn một người lái xe nếu phát hiện họ dường như đã uống rượu. Tuy nhiên để công nghệ này có thể được đưa vào sử dụng các nhà sản xuất xe hơi còn phải chuẩn bị nhiều thứ phức tạp nữa, như điều chỉnh độ chính xác, thêm ngôn ngữ...

Bất khả thi?

Ngay từ năm 2006, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Hoa kỳ đã có ý tưởng sẽ sử dụng hệ thống khoá khởi động IIS (Ignition Interlock System) để ngăn ngừa lái xe trong tình trạng say xỉn. Theo đó, khi lên xe, người lái phải thổi hơi thở của mình vào thiết bị đo nồng độ cồn trong máu. Nếu không thực hiện động tác trên, xe sẽ không khởi động. Sau khi thiết bị đo xác định nồng độ cồn dưới 20 mg trong 100 ml máu, nó cho phép khởi động máy, còn ngược lại, khóa động cơ không mở và tài xế chỉ còn cách nằm chờ cho đến khi tỉnh rượu.

Để hiện thực hóa và nhận được sự hưởng ứng của người tiêu dùng thì các nhà sản xuất ô tô  mong muốn nó phải được quy định thành luật, tuy nhiên sau đó luật này lại không được thông qua và các nhà sản xuất ô tô cũng không còn mấy mặn mà đến nó nữa. Tuy nhiên, bất chấp tỷ lệ tử vong xe hơi ở Mỹ đã giảm trong vài thập kỷ qua, nhưng nó vẫn cướp đi sinh mạng của hơn 33.000 người/năm với chi phí ước tính 827 tỷ USD/năm, do đó vẫn đề này lại nhận được sự quan tâm từ phía chính phủ Mỹ.

Theo ông Nat Beuse, người điều hành nhóm nghiên cứu an toàn xe hơi của NHTSA (Cơ quan quản lý an toàn giao thông Hoa kỳ) cho biết, công nghệ phát hiện lái xe say xỉn là một trong số tính năng mà cơ quan này đang nghiên cứu để hạn chế các vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu và các chất kích thích có cồn. Mặc dù, không tiết lộ thông tin cụ thể về công nghệ này, song ông Beuse cho biết trong tương lai gần, nhiều dòng xe tại Mỹ sẽ được trang bị hệ thống đo chính xác nồng độ cồn của các lái xe nhằm tăng cường mức độ an toàn cho những người tham gia giao thông ở quốc gia này.

Ngoài ra, ông Beuse cũng cho biết thêm trong những năm gần đây, NHTSA đã tăng cường hợp tác với các nhà cung cấp để phát triển công nghệ quan trọng này. Cụ thể, hồi tháng 10/2011, NHTSA đã ký hợp đồng trị giá 2,2 triệu USD với nhà cung cấp các sản phẩm an toàn cho xe hơi của Nhật Bản Takata để phát triển một thiết bị đo độ tỉnh táo của các lái xe. Bên cạnh đó, một hãng chuyên cung cấp các sản phẩm an toàn khác, Autoliv, cũng đang hợp tác với NHTSA để nghiên cứu và phát triển hệ thống đo lường độ tỉnh táo của tài xế.

Mặc dù vẫn còn đang trong giai đoạn phát triển và thử nghiệm, song NHTSA tin rằng công nghệ phát hiện lái xe say xỉn có thể sẵn sàng được trang bị cho các mẫu xe hơi bắt đầu từ năm 2018. Khi đó, bên cạnh một loạt những công nghệ hiện đại như hệ thống phanh khẩn cấp, công nghệ cảnh báo va chạm… tính năng cảnh báo tài xế say xỉn hứa hẹn sẽ góp phần làm phong phú thêm bộ sưu tập những công nghệ hình thành dòng xe thông minh: xe tự lái.

Việt Lê

Các tin khác