Dấu hiệu cho thấy sức khỏe bạn đang bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí

11/5/2019 8:15:00 AM
Nếu như bạn thường xuyên cảm thấy chóng mặt, khó thở, đau đầu, tức ngực thì sức khỏe của bạn đang bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí. Vậy phải làm gì để bảo vệ sức khỏe trong tình trạng ô nhiễm hiện nay.

 

Những dấu hiệu sức khỏe bạn đang bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí

Đau, mỏi mắt

Bộ Y tế Singapore nhấn mạnh, ngay cả những người khỏe mạnh khi tiếp xúc với ô nhiễm không khí trong thời gian ngắn cũng có những dấu hiệu như đau, mỏi mắt, dị ứng, chảy nước mũi, ngứa cổ. Trong không khí chứa các hạt vật chất siêu mịn (PM), sulfur dioxide, ozone, nito dioxide và carbon monoxide bám vào các thành tế bào, gây nên hiện tượng kích ứng. Thông thường, các triệu chứng này sẽ kéo dài từ 1-3 ngày nếu tiếp xúc lâu có thể dẫn tới suy tim, phổi tắc nghẽn mạn tính.

Chóng mặt, đau đầu

Nếu bạn xuất hiện triệu chứng đau đầu, chóng mặt thì đây chính là dấu hiệu sức khỏe của bạn đang bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí. Do lượng lớn CO2 gây cản trở việc nuôi dưỡng oxy khắp cơ thể. Nhóm người đầu tiên gặp phải tình trạng này chính là nhân viên văn phòng rồi đến nhóm người làm việc ngoài trời, sinh sống gần nhà máy,…Theo Tạp chí Scientific American kết luận, những người làm việc trong nhà có nguy cơ tiếp xúc với ô nhiễm không khí nhiều gấp 10 lần bên ngoài. Bởi theo các nhà nghiên cứu cho biến các phân tử ozone di chuyển và phản ứng hóa học với các vật liệu trong văn phòng, tạo ra các hóa chất độc hại như formaldehyd và các chất kích thích khác. Theo con số thống kê được đăng tải trên tạp chí The Lancet, mỗi năm có tới 800.000 người chết do chất lượng không khí kém ở nơi làm việc.

Khó thở, tức ngực

Nếu tiếp xúc trực tiếp với ô nhiễm không khí hay tiếp xúc ô nhiễm không khí trong thời gian dài người bệnh sẽ cảm thấy khó thở, kèm theo tức nặng ngực.

Nguyên nhân các triệu chứng này xuất hiện là vì các hạt bụi mịn xâm nhập và nằm bên trong phổi. Sau đó chúng xuyên qua hàng rào hô hấp, tấn công hệ thống máu gây gia tăng nguy cơ mắc bệnh về tim mạch, hô hấp và ung thư phổi. PGS.TS.BS Vũ Văn Giáp - Tổng thư ký Hội Hô hấp Việt Nam, Phó giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo khoảng 30% bệnh nhân tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí. Con số này chiếm khoảng 25% với bệnh lý về tim mạch và đột quỵ.

Ho và hen suyễn

Theo London Air đưa ra kết luận, khi hít phải không khí bị ô nhiễm, cơ thể sẽ xuất hiện những cơn ho kéo dài vì tế bào phổi bị bao quanh bởi những hạt bụi mịn, vật chất ô nhiễm. Những người đang gặp phải vấn đề về phổi và hô hấp, người bệnh sẽ tiết ra chất nhầy nhiều hơn, gây nên hiện tượng viêm xoang, hen suyễn.

Rụng tóc, hói đầu

Việc tiếp xúc với các chất ô nhiễm phổ biến khiến lượng protein giúp tóc phát triển giảm đi đáng kể.Theo đó, các hạt bụi mịn PM10 và diesel khiến hàm lượng beta-catenin trong cơ thể bị triệt tiêu. Đây là một loại protein thúc đẩy, duy trì sự mọc tóc.

Làm gì để bảo vệ sức khỏe trong tình trạng ô nhiễm hiện nay?

+ Luôn đeo khẩu trang, kính mắt, áo chống nắng, mũ nón khi ra khỏi nhà

+ Vệ sinh mũi, mắt vào mỗi tối, sau khi đi ngoài đường về

+ Những ngày mức ô nhiễm cao, nên hạn chế các hoạt động ngoài trời của trẻ nhỏ, bà bầu.

+ Bổ sung các thực phẩm, rau xanh, trái cây trong thực đơn hàng ngày

+ Sử dụng máy lọc không khí trong nhà để lọc bỏ bụi bẩn, bụi mịn.

+ Tập thể dục thường xuyên

+ Cập nhật thông tin chất lượng không khí từ các nguồn tin cậy

+ Tránh đi vào giờ cao điểm nơi tập trung nhiều xe cộ, công trình đang xây dựng dở dang. Những khu vực ô nhiễm không khí cao nên hạn chế đi lại di chuyển đến gần nơi đang bị ô nhiễm.

+ Những bệnh nhân đang gặp vấn đề về hô hấp hạn chế ra vào vào thời điểm cao điểm, nơi bị ô nhiễm không khí nặng, tuân thủ uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu có dấu hiệu khó chịu hãy đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

+ Từ bỏ thói quen hút thuốc lá, các chất kích thích, rượu bia

+ Dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, nơi làm việc

+ Đeo khẩu trang đạt tiêu chuẩn chất lượng cản bụi mịn

+ Chuyển sang sử dụng nhiên liệu sạch (bếp điện, bếp từ) để đun nấu, thay thế bếp than tổ ong

+ Tắt máy xe khi dừng đèn đỏ;

+ Trồng thêm cây xanh góp phần bảo vệ môi trường trong lành

+ Hạn chế đốt vàng mã, đốt nhang quá nhiều vào các dịp lễ, ngày rằm.

Suckhoecuocsong.vn (Trích lược theo Zing)

Các tin khác