Dầu xuống dưới 45 đôla/thùng, Nga, Mỹ đối diện nguy cơ phá sản hàng loạt

1/15/2015 12:16:50 AM
Dầu WTI trên sàn NYMEX đã xuống 44.98 đôla/thùng sau dự đoán nguồn cung tại Mỹ tiếp tục tăng, dẫn đến việc công ty dầu đá phiến đầu tiên tại Mỹ phải nộp đơn phá sản. Các doanh nghiệp tại Nga cũng không khá khẩm hơn.

 

 

Trong ngày hôm qua, giá dầu Brent trên sàn ICE London cũng mất hơn 3% xuống 46 USD một thùng. Đây đã là ngày thứ 3 liên tiếp giá dầu đi xuống.

 

Theo khảo sát của Bloomberg, tồn kho dầu thô Mỹ tuần trước đã tăng thêm 1,75 triệu thùng. Chính phủ Mỹ sẽ công bố số liệu chính thức ngày mai. Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) - thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sẽ vẫn thực hiện kế hoạch mở rộng sản xuất, kể cả khi "giá dầu bất ổn", theo Bộ trưởng Năng lượng - Suhail Al Mazrouei.

 

 

Giá dầu đã xuống dưới mức 45 đôla/thùng

 

"Nguồn cung đang quá dư thừa. Một bên cung cấp cần phải nhượng bộ và giảm sản lượng. Tổ chức duy nhất có thể gây ảnh hưởng lớn nếu làm việc này chính là OPEC. Tôi cũng không nhận thấy Mỹ có ý định giảm sản xuất", David Lennox - nhà phân tích tại Fat Prophets cho biết.

 

Hệ quả của việc giá dầu giảm đã có thể thấy rõ tại Mỹ, khi một công ty khai thác dầu mỏ đá phiến và khí đốt WBH Energy đã phải nộp đơn phá sản và có thể trở thành doanh nghiệp dầu mỏ đầu tiên của Mỹ rơi vào tình trạng này từ khi giá dầu sụt giảm 60% cách đây 6 tháng.

 

WBH Energy có quy mô khá nhỏ và đã không thể chống chịu được giá dầu lao dốc khi buộc phải niêm yết tài sản và món nợ trị giá chục triệu USD trong đơn xin bảo hộ phá sản tại Tòa án Phá sản bang miền Tây Texas vào Chủ Nhật tuần trước. Đây được xem là bước đường cùng đối với một doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực dầu khí đá phiến.

 

Với các công ty lớn, đương nhiên khả năng chịu đựng của họ tốt hơn. Tuy nhiên, WBH Energy phá sản đã dấy lên mối lo ngại về việc các hãng khác, nếu không rời bỏ cuộc chơi cũng phải chịu lỗ nặng do giá dầu sụt giảm trên toàn thế giới.

 

Để rót vào khai thác dầu khí đá phiến, các công ty của Mỹ đã vay hơn 200 tỷ USD từ nhà băng và trái phiếu trên các thị trường tài chính như Wall Street và London.

 

 

Một công ty khai thác dầu đá phiến của Mỹ đã phải nộp đơn xin phá sản

 

Theo Wall Street Journal, nợ của các doanh nghiệp này tăng lên thêm hơn 55% kể từ năm 2010 nhưng doanh thu tăng rất chậm. Một điều chắc chắn là, doanh thu sẽ còn giảm trong năm 2014 và có thể cả 2015, khi giá dầu đã xuống mức thấp nhất trong 6 năm qua.

 

Trong khi đó, tại các quốc gia khác, kể cả một số nước thuộc OPEC, Nga cũng kiệt quệ vì giá dầu giảm.

 

Nga trong giai đoạn vừa qua đã chứng kiến đồng rúp tụt giá không phanh, mất 45% trong năm 2014 do giá mặt hàng xuất khẩu chủ lực dầu mỏ liên tục lao dốc. Nền kinh tế đứng trước nguy cơ suy thoái mạnh trong năm 2015 với dòng vốn vẫn liên tục chảy ra khỏi đất nước này.

 

Anatoly Aksakov - Chủ tịch Hiệp hội ngân hàng Nga và Phó chủ tịch Ủy ban thị trường tài chính quốc hội cho biết các công ty nước này đang cạn tiền. "Các ngân hàng cho rằng nếu cứ duy trì tình hình hiện nay, làn sóng phá sản sẽ xảy ra, không chỉ với các tổ chức tín dụng, mà còn với các doanh nghiệp", Aksakov cho biết trong một bức thư gửi Ngân hàng trung ương Nga.

 

 

Các nước OPEC sẽ thiệt hại khoảng 257 tỉ đôla thu ngân sách trong năm 2015

 

Theo ước tính của Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA), giá dầu giảm xuống mức thấp như hiện nay sẽ khiến 12 nước thành viên OPEC thiệt hại khoảng 257 tỷ USD thu ngân sách trong năm 2015.

 

Với 4 nước Trung Đông chủ chốt của OPEC (Arab Saudi, Iran, Iraq, Kuwait), dự trữ ngoại hối lên tới gần nghìn tỷ USD có thể giúp họ chống lại cơn bão giá dầu giảm. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhiều quốc gia khác cũng thuộc tổ chức này cũng lao đao như Lybia (vốn lún sâu vào chiến sự), hay Venezuela (chìm trong khủng khoảng kinh tế)...

 

Hãng tin Bloomberg nhận định, khả năng phá sản của Venezuela đã lên mức cao nhất thế giới, 93%, khi mà trái phiếu nước này xuống mức thấp nhất 16 năm qua. Với tình hình này, Venezuela có thể vỡ nợ trong vòng 5 năm tới. Người dân Venezuela điêu đứng và vẫn chịu cảnh xếp hàng nhận trợ cấp từ nhiều tháng nay.

 

Quang Phong - Skcs.vn (tổng hợp)

Các tin khác