Đi tìm hiểu nguồn gốc ý nghĩa của ngày Tết Đoan ngọ

6/18/2015 4:18:14 PM
Ngày 5-5 Âm lịch hàng năm được gọi là ngày Tết Đoan ngọ hay với nhiều người nó mang cái tên thân thương hơn đó là ‘ngày diệt sâu bọ’. Vậy nguồn gốc ra đời của ngày này thế nào.

 

 

Ngày 5-5 Âm lịch hàng năm được gọi là ngày Tết Đoan ngọ hay với nhiều người nó mang cái tên thân thương hơn đó là ‘ngày diệt sâu bọ’. Vậy nguồn gốc ra đời của ngày này thế nào, nó mang ý nghĩa tinh thần to lớn đến đâu trong đời sống của người dân Việt Nam hãy cùng chúng tôi tìm hiểu.

 

Nguồn gốc của ngày Tết Đoan ngọ

 

Theo truyền thuyết, ngày xưa vào một vụ mùa bội thu, nhân dân chưa kịp ăn mừng thì sâu bọ năm ấy lại kéo dày ăn mất cây trái, thực phẩm đã thu hoạch. Trong lúc họ vẫn chưa biết phải làm sao đối phó với chúng thì bỗng nhiên có một ông lão từ xa đi tới tự xưng là Đôi Truân. Ông chỉ dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng gồm đơn giản có bánh tro, trái cây, sau đó ra trước nhà mình vận động thể dục. Nhân dân làm theo chỉ một lúc sau đó sâu bọ đàn lũ té ngã rã rượt. Lão ông còn bảo thêm: Sâu bọ hằng năm vào ngày này rất hung hăng, mỗi năm vào đúng ngày này cứ làm theo những gì ta đã dặn thì sẽ trị được chúng.

 

Sau đó để tưởng nhớ việc này, dân chúng đặt cho ngày này là ngày “Tết Đoan ngọ” hay còn gọi là “Tết diệt sâu bọ”.

 

 

Những tục lệ từ xa xưa diễn ra trong ngày Tết Đoan ngọ

 

Từ xa xưa, người dân ở các vùng thôn quê cứ đúng 12h trưa lại rủ nhau đi hái lá bởi đây là thời khắc có dương khí tốt nhất trong năm nên lá cây cỏ được hái lúc này có tác dụng chữa được nhiều bệnh

 

Không những thế, vào ngày này, người dân còn có tục nhuộm móng chân, móng tay, tục khảo cây lấy quả, tục treo ngải cứu để trừ tà... Những em bé chưa biết đi thì được lấy một ít vôi quyệt vào thóp, vào ngực và rốn để chúng không bị đau bụng, nhức đầu.

 

Tuy nhiên, cho đến ngày nay phần lớn các tục lệ này nay đã được bãi bỏ, chỉ còn giữ lại tục tắm nước lá và tục đi hái lá thuốc.

 

Còn ở thành phố, không có vườn tược, không nhiều cỏ cây, người dân sẽ đi mua lá thuốc bởi vào những ngày này những người buôn bán từ quê ra đều mang theo đủ thứ loại lá để bày bán.

 

Món ăn vào ngày Tết Đoan ngọ đặc trưng

 

Tại Hà Nội và một số vùng của miền Bắc ngày này, rượu nếp, đặc biệt là rượu nếp cẩm, là món không thể thiếu bởi người ta cho rằng ngày mồng 5/5 (âm lịch), các loại ký sinh này thường ngoi lên, con người có thể ăn thức ăn, hoa quả vị chua, chát và nhất là rượu nếp, có thể loại bỏ chúng.

 

Tại Đà Nẵng, món không thể thiếu trên mâm cơm cúng là bánh ú tro. Nhà nào cũng mua từ ba bốn chục bánh trở lên.

 

Tại TP. HCM, thịt vịt là một thứ không thể thiếu cho ngày Tết Đoan ngọ.

 

Ngoài những món ăn trên thì vải, mận, đào, chôm chôm, xoài, dưa hấu.. là những loại trái cây cũng đặc biệt không thể thiếu trong mỗi dịp tết “giết sâu bọ”.

 

Skcs.vn (tổng hợp)

Các tin khác