Điều gì đang chờ Việt Nam hậu Brexit?

6/29/2016 9:33:32 AM
Các chuyên gia kinh tế cùng nhận định, việc Anh rời EU sẽ tác động tiêu cực đến Việt Nam ở khía cạnh thương mại, thị trường vàng, chứng khoán, và tỷ giá hối đoái.

 

Tại buổi tọa đàm trực tuyến “Thiên nga đen” Brexit và ứng xử của Việt Nam chiều 28/6, chuyên gia Võ Trí Thành cho rằng, Việt Nam không tránh khỏi tác động của Brexit. Và tác động tức thời, rõ nhất là sự sụt giảm chỉ số chứng khoán ngay sau thông tin công bố.

Nhưng tác động ra sao còn phụ thuộc vào ứng xử của chính Việt Nam. Chẳng hạn, liên quan đến thương mại, trước mắt có thể chịu ảnh hưởng bất lợi, vì không í‎t đồng tiền của các đối tác thương mại xuống giá.

Trong trường hợp này lại có một số đồng tiền lên giá, như Yên Nhật. Điều này cũng tạo ra cơ hội ít nhiều để nâng sức cạnh tranh cho hàng hoá Việt Nam.

“Mức độ tác động tiếp theo phụ thuộc vào cách nhìn nhận và kỳ vọng của thị trường, đối với sự vận động của nước Anh, cách thức 'chia tay' Anh - EU, cùng phản ứng chính sách của các nền kinh tế lớn trên thế giới”, ông Võ Trí Thành nói.

Tỷ giá sẽ chịu những tác động tiêu cực sau khi Anh rời khỏi EU.

Về đầu tư, ông Thành phân tích, đầu tư trực tiếp của Anh vào Việt Nam có thể không quá lớn, nhưng đầu tư của các dòng vốn “đi qua nước Anh” vào Việt Nam là không nhỏ. Trước mắt việc thu hút dòng vốn này có thể gặp khó khăn, chững lại.

TS.Huỳnh Thế Du, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cũng cho rằng, Brexit chắc chắn ảnh hưởng tiêu cực đến Việt Nam vì ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, Việt Nam có mối quan hệ kinh tế đa phương nên tác động không nghiêm trọng lắm.

“Còn vấn đề tỷ giá, tác động thương mại... cần phải thời gian quan sát. Giá cổ phiếu có thể nhảy cóc lên xuống do thông tin, do thị trường biến động, nhưng sẽ trở lại bình thường. Khả năng rớt sâu của thị trường chứng khoán Việt Nam là không cao”, ông Huỳnh Thế Du đánh giá.

Trong khi đó, TS.Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch LienVietPostBank lại cho rằng, Brexit sẽ ảnh hưởng đến thị trường tài chính, chứng khoán và cả dòng vốn chảy vào Việt Nam trong ngắn hạn. Vị này khuyên nhà đầu tư chứng khoán nên chờ bắt đáy, không vội vàng đầu tư khi nước rút tức thời.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực lại thấy một sự bi quan hơn đối với Việt Nam. Việc Anh rời EU, theo ông Lực sẽ ảnh hưởng đáng kể đến kinh tế Việt Nam trước mắt và lâu dài.

Ông Lực dẫn chứng, báo cáo phân tích gần đây cho thấy Việt Nam khó đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%, chỉ ở mức 6,3%. Trước mắt, chứng khoán và tỷ giá đều có những tác động nhất định. Còn lâu dài, việc Anh rời EU tác động đến nền kinh tế Việt Nam ở các mặt như thương mại, đầu tư. Một số nhà đầu tư Anh có dự định triển khai dự án trong năm nay, nhưng do tác động của Brexit nên có thể trì hoãn.

“Tôi lạc quan về dòng vốn đầu tư, nhưng quan ngại về vấn đề vốn thương mại. Liên quan đến tỷ giá, lãi suất, tôi đồng ý tác động chưa nhiều. Nhưng sẽ có những sự việc xảy ra: bảng Anh, euro mất giá, nhân dân tệ phá giá. Trong bối cảnh đó, đồng USD, yên Nhật tăng giá”, ông Lực nhấn mạnh.

Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cũng nhận định, việc Anh rời khỏi EU đem lại bất lợi cho Việt Nam nhiều hơn thuận lợi. Về thuận lợi, vị thế của Việt Nam với Anh sẽ tốt hơn, các đàm phán thương mại song phương sẽ tạo ra những thuận lợi mới.

“Nhưng khi kinh tế châu Âu bị ảnh hưởng, câu chuyện xuất khẩu lại diễn biến theo chiều hướng khác. Tôi cho rằng khi kinh tế châu Âu bị ảnh hưởng tiêu cực thì xuất khẩu của Việt Nam khó mà tích cực được, nhất là về trung hạn và dài hạn”, ông Hiếu nói.

Các chuyên gia khuyến cáo cần theo dõi chặt chẽ các diễn biến của Brexit để có các khuyến nghị kịp thời với Chính phủ.

Suckhoecuocsong.com.vn (Theo zing)

Các tin khác