Đôi điều cần biết về mâm cúng ông Công ông Táo

2/9/2015 4:26:15 PM
Theo tục lệ cổ truyền của người Việt hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch, Táo Quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo việc của năm cũ. Cho đến đêm Giao thừa, ngài mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc coi sóc bếp lửa của gia đình.

 

 

Do vậy, mâm cỗ cúng ông Công ông Táo đòi hỏi sự cầu kỳ, trang trọng và chu đáo, thể hiện được tấm lòng thành của gia chủ trước vị thần cai quản bếp núc này…

 

Lễ vật

 

 

Cỗ mũ là lễ vật không thể thiếu trên ban thờ cúng ông Công ông Táo.

 

Lễ vật cúng ông Công ông Táo thường bao gồm: Mũ ông Công ba lỗ hoặc ba chiếc: hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà. Mũ dành cho các ông Táo thì có cánh chuồn, mũ Táo bà không có. Những mũ này được trang trí với các gương nhỏ hình tròn lóng lánh và những dây kim tuyến màu sắc sặc sỡ. Để giản tiện, có khi người ta chỉ cúng tượng trưng một cỗ mũ ông Công có hai cánh chuồn, kèm với một chiếc áo và đôi hia giấy. Những đồ này sẽ được đốt sau khi lễ cúng ông Táo ngày 23 tháng Chạp kết thúc.

 

Theo tục xưa, với những nhà có trẻ con, người ta còn cúng Táo quân một con gà luộc. Gà luộc phải thuộc gà cồ mới tập gáy (gá mới lớn) để ngụ ý nhờ Táo quân xin với Ngọc Hoàng cho đứa trẻ sau này lớn lên có nhiều nghị lực và sinh khí hiên ngang như con gà cồ. Ngoài ra, ở miền Bắc còn có tục thả cá chép để các Táo quân có phương tiện về chầu trời. Ở miền Trung, mọi người lại cúng một con ngựa bằng giấy có yên cương đầy đủ. Ở miền Nam thì đơn giản hơn, chỉ cúng mũ, áo và đôi hia bằng giấy là đủ.

 

Mâm cúng

 

 

Một mâm cúng ông Công ông Táo đầy đủ sẽ khá phức tạp và tốn nhiều thời gian chuẩn bị. Do vậy, các bà các mẹ có thể thay đổi tùy theo điều kiện nhưng hãy luôn đảm bảo giữ được bản sắc của ngày này.

 

Tùy theo từng gia cảnh, ngoài các lễ vật, gia đình có thể làm lễ mặn với xôi gà, chân giò luộc, canh măng hoặc lễ chay với trầu cau, hoa quả cùng giấy vàng bạc…

 

* Các món cơ bản cúng ông Táo gồm:

 

-  1 đĩa gạo;

 

-  1 đĩa muối;

 

-  5 lạng thịt vai luộc;

 

-  1 bát canh măng;

 

-  1 đĩa xào thập cẩm;

 

-  1 đĩa giò;

 

-  1 đĩa xôi gấc,

 

-  1 con cá chép rán (hoặc cá chép sống);

 

-  1 đĩa hoa quả;

 

-  3 chén rượu;

 

-  1 quả cau, lá trầu;

 

-  1 lọ hoa cúc;

 

-  1 tập giấy tiền, vàng mã.

 

Ngày nay, các bà các mẹ thường không có đủ thời gian để chuẩn bị đầy đủ các món ăn trên. Vì thế, mọi người vẫn có thể chuẩn bị những món khác nhưng hãy đảm bảo luôn giữ được tính truyền thống và bản sắc của mâm cúng ông Công ông Táo.

 

 

Việc cúng ông Táo được thực hiện trước 12 giờ trưa.

 

* Lưu ý: Khi cúng ông Táo, mâm cỗ cúng phải đặt trong bếp hoặc cạnh bếp. Có gia đình còn làm hai mâm cỗ, một mâm đặt trong bếp và thêm một mâm khác cúng trên bàn thờ. Mâm cỗ đề huề sẽ tượng trưng cho sự no ấm quanh năm của cả gia đình. Việc cúng ông Táo sẽ được thực hiện trước 12 giờ trưa, sau đó thả cá chép ở nơi sông, hồ sạch sẽ để ông Táo cưỡi cá chép về chầu trời.

 

An Nguyên - Skcs.vn (Tổng hợp)

Các tin khác