Giá dầu tiếp tục trượt dài, Nga tiếp tục chìm sâu vào khủng hoảng

12/17/2014 4:53:11 PM
Thị trường dầu châu Á tiếp tục trượt giảm trong phiên giao dịch ngày 16/12 sau khi các số liệu về hoạt động chế tạo tại Trung Quốc được công bố cũng như giá trị đồng nội tệ của các nước đang phát triển mất giá.

 

 

Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ trên sàn giao dịch điện tử Singapore chiều 16/12 tiếp tục giảm 1.06 đôla xuống mức 54.85 đôla/thùng. Giá dầu Brent cũng giảm 1.31 đôla xuống còn 59.75 đôla/thùng – mức giá thấp nhất kể từ tháng 7/2009.

 

 

Giá dầu tiếp tục trượt dốc.

 

Vì sao giá dầu trên thế giới liên tục giảm mạnh?

 

Giá dầu được quyết định một phần bởi mối quan hệ cung – cầu trên thực tế, phần còn lại đến từ sự kỳ vọng. Cuộc họp ngày 27/11 tại Vienna của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC (tổ chức đang nắm giữ gần 40% thị trường dầu mỏ thế giới) đã không đạt được thỏa thuận nào về việc cắt giảm sản lượng. Ả Rập Xê-út cùng các đồng minh vùng Vịnh của mình đã quyết định không hy sinh thị phần riêng của mình để khôi phục giá dầu. Họ có thể cắt giảm sản lượng để đẩy giá dầu lên nhưng thực hiện điều đó sẽ mang lại những lợi ích không nhỏ cho những quốc gia họ “ghét cay ghét đắng” như Iran và Nga. Như vậy có nghĩa dù giá dầu có xuống đến sâu bao nhiêu thì nguồn cung dầu mỏ từ OPEC cũng không suy giảm.

 

 

OPEC quyết định không giảm nguồn cung dầu.

 

Hơn thế nữa, nhu cầu dầu hiện đang ở mức thấp do các hoạt động kinh tế yếu kém cùng với việc gia tăng hiệu suất và xu hướng chuyển đổi từ dầu sang các loại nhiên liệu khác.

 

Nga chìm sâu trong khủng hoảng

 

Vậy ai là những người chịu thiệt hại nhiều nhất từ việc giá dầu “xuống dốc không phanh” như vậy? Câu trả lời là Nga.

 

Cho đến thời điểm này nền kinh tế xoay quanh dầu khí của Nga (dầu khí đóng góp ba phần tư xuất khẩu của Nga và hơn nửa ngân sách nước này) đã hoàn toàn sụp đổ trước việc giá dầu liên tục chạm đáy cũng như bởi các lệnh trừng phạt của châu Âu vào Mỹ lên quốc gia này do “nhúng tay” vào Ukraine. Kết quả là đồng rúp liên tục mất giá từ tháng 6 tới nay và vừa đạt một “kỷ lục” buồn vào thứ 3 (16/12) vừa rồi khi “đạt” tỷ lệ chuyển đổi 70 rúp lấy 1 đôla Mỹ. Tỷ lệ này vẫn đang tiến dần lên con số 75/1 và chưa có dấu hiện dừng lại. Dù chính phủ Nga đã đưa ra nhiều biện pháp rất kiên quyết và cứng rắn như sử dụng dự trữ ngoại tệ hay tăng lãi suất cơ bản lên 17% nhưng nhìn chung tất cả đều chưa có tác dụng.

 

 

Chính quyền của tổng thống Putin đã đưa ra nhiều biện pháp quyết liệt nhưng chưa có hiệu quả.

 

Chứng khoán và trái phiếu Nga cũng tiếp tục lao dốc khi các nhà đầu tư lo ngại biến động kinh tế sẽ khiến người dân đổ xô đến ngân hàng rút tiền cũng như làm tăng chi phí của các hãng nhập khẩu. Lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Nga cũng tăng hơn 2% lên 15.4% - mốc cao nhất từ đầu năm 2007.

 

Kết quả tất yếu là lạm phát tại Nga đã lên 9.1% trong tháng 11. Tuy vậy với đà giảm của đồng rúp hiện tại, giá nhập khẩu sẽ còn cao nữa khiến nhiều nhà kinh tế học nhận định lạm phát Nga sẽ ở mức 2 chữ số đầu năm tới. Việc này sẽ khiến túi tiền của người dân co lại, đặt gánh nặng lên tiêu dùng. Nó cũng sẽ khiến công việc của Ngân hàng trung ương Nga khó khăn hơn. Cơ quan này đặt mục tiêu 4% trong dài hạn nhưng việc này sẽ bất khả thi nếu đồng rúp cứ biến động như bây giờ.

 

Chính phủ Nga từng tuyên bố giá dầu có giảm xuống 60 đôla/thùng cũng không ảnh hưởng gì tới họ nhưng người dân Nga đã và đang phải chịu ảnh hưởng rất nhiều vì những biến động kinh tế vừa diễn ra. Nhiều người dân phải ra phố bán hàng dù nhiệt độ ngoài trời ở mức -10oC. Họ đang phải vật lộn để kiếm sống qua ngày. Những đôi dép lê cũ, khăn trải bàn, lọ sơn móng tay hay chiếc bàn là hơi, tất cả những gì có thể kiếm thêm thu nhập cho họ đều được bày trên nền tuyết. Người dân chi tiêu gì cũng phải đếm từng đồng từng xu.

 

 

Người dân Nga phải tính toán từng đồng, phải bày bán mọi thứ để kiếm sống

 

Không chỉ mình Nga ảnh hưởng

 

Công ty nghiên cứu và tư vấn về kinh tế Capital Economics (Anh) nhận định mặc dù Mỹ và thế giới nói chung có thể hưởng lợi từ việc giá dầu sụt giảm, tuy nhiên những tác hại mà nó gây ra có thể vượt quá những lợi ích này. Việc giá “vàng đen” liên tục đi xuống có thể khiến các nước sản xuất dầu thu hẹp chi tiêu và đầu tư, từ đó tác động đến nhu cầu trên toàn cầu. Tiêu biểu nhất trong số các quốc gia chịu ảnh hưởng từ giá dầu (ngoài Nga) là Venezuela và Iran – 2 quốc gia phụ thuộc rất lớn vào nguồn thu từ dầu mỏ để tài trợ cho các chương trình của chính phủ - đặc biệt là các chương trình chuyển giao lớn. Ngay ở mức giá 75 – 80 đôla/thùng, chính phủ các nước này cũng đã phải rất khó khăn để cân đối tài chính cho các chương trình an sinh quốc gia, chưa kể đến mức giá dưới 60 đôla/thùng như hiện nay.

 

Quang Phong - Skcs.vn (tổng hợp)

Các tin khác