Hà Nội: Gấp rút chặt cây xanh là do… nhà tài trợ

3/21/2015 1:59:28 PM
Cuộc họp báo về thực hiện đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị trên địa bàn Hà Nội thu hút hàng trăm phóng viên. Số lượng người dự họp đông đến nỗi UBND Hà Nội đã phải chuyển địa điểm xuống Hội trường lớn của UBND-HĐND, nơi thường tổ chức các phiên họp HĐND với sức chứa khoảng 200 người. 

 

 

Phó chủ tịch Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho hay, việc chặt hạ cây xanh vừa qua tiến hành nhanh do có sự nôn nóng của một số nhà tài trợ.

 

Cuộc họp báo về thực hiện đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị trên địa bàn Hà Nội thu hút hàng trăm phóng viên. Số lượng người dự họp đông đến nỗi UBND Hà Nội đã phải chuyển địa điểm xuống Hội trường lớn của UBND-HĐND, nơi thường tổ chức các phiên họp HĐND với sức chứa khoảng 200 người. Cuộc họp do phó chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng chủ trì, các Sở Xây dựng, Giao thông cùng một số đơn vị liên quan cũng có mặt.

 

Ông Hùng khẳng định thành phố vẫn tiếp thu mọi ý kiến đóng góp của người dân bằng cách nêu lại nhiều ví dụ “Hà Nội từng có những quyết định rất khó khăn nhưng đem lại sự hưởng ứng của người dân như quyết định không xây khách sạn SAS tại công viên Thống Nhất, không xây dựng trung tâm thương mại trên đất chợ 19/12…” và “tiếp thu ý kiến công luận, Chủ tịch thành phố đã có quyết định dừng việc chặt hạ, thay thế cây”. Thêm vào đó, ông khẳng định lại trong việc chặt cây "hoàn toàn không có lợi ích nhóm, tiêu cực".

 

 

Ông Hùng kết thúc cuộc họp báo mà không đưa ra bất cứ câu trả lời nào cho câu hỏi của phóng viên.

 

Tuy nhiên, khi trao đổi về việc tiến hành một cách chóng vánh trên hàng loạt tuyến phố như Nguyễn Chí Thanh, Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Phố Huế, Hàng Bài, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, chặt cây nhanh "vì sự nôn nóng của một số nhà tài trợ". Phó chủ tịch Hà Nội thông tin, kinh phí thực hiện đề án được là từ nguồn xã hội hóa. Trong đó, một ngân hàng đã huy động 30.000 đồng mỗi nhân viên, Công an TP Hà Nội vận động mỗi cán bộ đóng 15.000-20.000 đồng...

 

“Tuy nhiên, sự nôn nóng của các nhà tài trợ, thông tin thiếu minh bạch của các đơn vị triển khai khiến dư luận chưa đồng tình. Thành phố nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Từ nay trở đi, những công việc liên quan đến người dân, xã hội thành phố sẽ thận trọng hơn”, ông Hùng nói.

 

Đúng 15h, vị Phó chủ tịch Hà Nội tuyên bố kết thúc họp báo trong khi chưa trả lời bất cứ câu hỏi nào của các phóng viên mà chỉ “tiếp thu, cầu thị, lắng nghe và gửi lời cám ơn đến các cơ quan báo chí”.

 

Một số câu hỏi chưa được trả lời tại cuộc họp:

 

- Ai thẩm định cây sâu mọt để chặt, đã tiến hành như thế nào mà xác định được cây sâu mọt trong thời gian ngắn?

 

- Cho tới ngày 20/3, Hà Nội đã chặt hạ, thay thế bao nhiêu cây xanh? Việc dừng chặt hạ theo quyết định của Chủ tịch UBND TP là tạm dừng và tạm dừng trong bao lâu? Kinh phí chặt hạ 6.700 lấy từ ngân sách của TP hay xã hội hóa? Việc xã hội hóa có khiến đề án bị chi phối bởi các doanh nghiệp, đơn vị tài trợ?

 

- Báo cáo của UBND TP Hà Nội nêu hầu hết nhân dân ủng hộ, đã điều tra xã hội học cụ thể chưa, số liệu cụ thể như thế nào? Việc xin ý kiến của người dân mặt phố có đúng luật hay không, mà cây xanh thuộc toàn thành phố?

 

- Hàng nghìn m3 gỗ bị chặt hạ đã được bán đấu giá chưa? Số tiền là bao nhiêu và sử dụng vào mục đích gì? Nguồn cây thay thế, chặt hạ từ đâu, giá thành? Những doanh nghiệp nào đứng đằng sau việc chặt cây?

 

- Quyết định việc chặt cây ông Phó chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng ký, vậy ông Hùng có chịu trách nhiệm hay không?..

 

Quang Phong - Skcs.vn (tổng hợp)

Các tin khác