Hà Nội xây dựng phương án đổ rác theo giờ và đỗ xe theo ngày

8/17/2016 8:43:01 AM
Mới đây Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết thành phố đã giao Sở GTVT nghiên cứu, xây dựng phương án cho phép đỗ xe một bên đường thay vì đỗ hai bên như lâu nay.

 

Mới đây Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết thành phố đã giao Sở GTVT nghiên cứu, xây dựng phương án cho phép đỗ xe một bên đường thay vì đỗ hai bên như lâu nay. Theo đó một số tuyến phố sẽ quy định đỗ ôtô “ngày chẵn đỗ bên chẵn, ngày lẻ đỗ bên lẻ” đồng thời thành phố cũng dự kiến đưa ra quy định về khung giờ đổ rác mỗi ngày chongười dân từ 20-22h hàng ngày.

Xây dựng phương án đỗ xe theo ngày

Để xử lý tình trạng thiếu bãi đỗ xe công cộng như hiện nay, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết ngày 16-8, Thường trực Thành ủy sẽ họp cho ý kiến đề án hạn chế phương tiện cá nhân và xây dựng hệ điều hành giao thông thông minh.Trong đó có các nội dung về xây dựng bãi đỗ xe tĩnh, hạn chế phương tiện cá nhân vào trung tâm thành phố, hệ thống đèn tín hiệu giao thông…Lãnh đạo thành phố cho biết Hà Nội đã thuê một đơn vị của Nhật thiết kế, quy hoạch không gian ngầm tại 5 địa điểm dự kiến làm bãi xe, gồm: quảng trường Cách mạng tháng 8, công viên Thống Nhất, Thủ Lệ, Thanh Nhàn, cung thể thao Quần Ngựa.

Ngoài ra thành phố đã giao Sở GTVT nghiên cứu, xây dựng phương án cho phép đỗ xe một bên đường thay vì đỗ hai bên như lâu nay.“Có thể nghiên cứu ngày chẵn thì đỗ bên lề đường số chẵn, ngày lẻ đỗ bên số lẻ để đảm bảo công bằng. Biện pháp đỗ luân phiên này được nhiều nước áp dụng. Hiện nay đang thí điểm đỗ xe theo ngày chẵn, lẻ trên phố Dã Tượng” - ông Chung cho biết.Hà Nội cũng sẽ quy hoạch lại các điểm đỗ xe công cộng và công bố để nhân dân biết, giám sát.

Đổ rác theo giờ

Về việc thực hiện giờ đổ rác, theo Chủ tịch Hà Nội, mỗi năm thành phố chi khoảng 3.000 tỷ đồng cho việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải. Để hạn chế và tránh lãng phí, “tới đây thành phố sẽ đẩy mạnh cơ giới hóa để nâng năng suất và giảm chi phí. Thành phố  cũng đang cân nhắc việc quy định người dân bỏ rác ra điểm tập kết từ 17h đến 19h hay từ 20h đến 22h. Qua khảo sát thực tế cho thấy ở khung giờ thứ nhất có hiện tượng người dân bỏ rác xong thì người khác đến bới nhặt nhựa, nylon làm mất vệ sinh. Vì vậy, Hà Nội dự kiến đưa ra quy định theo hướng mỗi ngày người dân bỏ rác một lần vào khung giờ 20-22h” ông Chung cho biết

Thành phố đã thiết kế xong mẫu thùng rác đặt nơi công cộng, có che chắn để đảm bảo vệ sinh và mỹ quan đô thị. Công tác vệ sinh đô thị sẽ được tập trung theo hướng mỗi đơn vị chịu trách nhiệm một hoặc một số quận, tránh tình trạng nhiều đơn vị thực hiện ở một quận dẫn đến đùn đẩy trách nhiệm như lâu nay.

Nhắc đến chuyện đổ rác ở Hà Nộichúng ta nên học cách kiểm soát rác thải ở Nhật Bản. Đã từ lâu, ở Nhật đã hình thành một "quy tắc" đổ rác rất bài bản mà đặc biệt, người dân rất có ý thức trong việc thực hiện nghiêm túc công việc này.

Ở Nhật Bản, việc đổ rác rất quy củ và đi vào khuôn phép. Người Nhật đều có ý thức phân loại và xử lý các loại. Rác đốt được bao gồm chai nhựa, giấy vụn, rác sinh hoạt; Rác không đốt được bao gồm Chai thủy tinh, lon nhôm, sắt, sứ; Rác tái sinh bao gồm các loại vỉ xốp; Rác độc hại bao gồm pin, bóng đèn; Rác lớn như bàn ghế giường tủ, ván gỗ, thùng caton.

Không những thế, ở đây người dân bố trí các nhà chứa rác tại các khu dân cư sao cho mật độ đủ, nhà chứa rác có mái che có then cài, kín đáo để chó mèo không vào xé rác bới thức ăn. Rác vứt không đúng cách, phân loại không đúng cách họ không lấy và mang trả lại hoặc để nguyên ở đó với dòng nhắn "rác không phân loại đúng quy định" và cụm dân cư tự xử lí lại số rác đó.

Thiết nghĩ người Việt nên tham khảo cách thức của người Nhật để áp dụng cho thật hợp lý. Ngoài ra từng người dân cần có ý thức thực hiện nghiêm túc thì thành phố mới văn minh, sạch đẹp.

Tổng hợp

Các tin khác