Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và công tác bảo hộ nạn nhân chiến tranh

11/22/2014 1:29:02 PM
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam được thành lập ngày 23/11/1946 với tên gọi đầu tiên là Hội Hồng thập tự Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm chủ tịch danh dự. Đến nay, Hội đã hoạt động được 68 năm và vẫn tiếp tục tích cực mang đến những hỗ trợ nhân đạo, giúp đỡ người khó khăn, hoạn nạn.

 

 

Hội hoạt động trên phạm vi cả nước với 7 lĩnh vực trọng tâm đã được quy định trong Luật hoạt động Chữ thập đỏ, bao gồm: Cứu trợ khẩn cấp và trợ giúp nhân đạo; Chăm sóc sức khoẻ; Sơ cấp cứu ban đầu; Hiến máu nhân đạo, hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác; Tìm kiếm tin tức thân nhân thất lạc do chiến tranh, thiên tai, thảm họa; Tuyên truyền các giá trị nhân đạo; Tham gia phòng ngừa ứng phó thảm hoạ. Theo đó, công tác cứu trợ cứu nạn là quan trọng nhất và rất được quan tâm, đặc biệt là các hoạt động bảo hộ nạn nhân trong chiến tranh.

 

 

Trước sự chứng kiến hàng ngàn nạn nhân không một ai chăm sóc hay thậm chí đã chết trong cuộc chiến với Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định vận động thành lập Hội Hồng Thập tự Việt Nam nhằm mục đích cứu trợ các thương binh và bảo vệ những binh lính bị thương. Để làm được điều đó là nhờ 4 công ước Giơnevơ năm 1949 và các Nghị định thư bổ sung năm 1977 đã cung cấp sự bảo hộ về pháp lý đối với những người không trực tiếp tham gia chiến tranh hoặc không còn tham gia chiến tranh (người bị thương, bị bệnh, bị đắm tàu, bị mất quyền tự do vì những lý do liên quan đến xung đột vũ trang và dân thường).

 

Trong đó, quá trình pháp điển hóa luật pháp quốc tế liên quan tới việc bảo hộ các nạn nhân chiến tranh được thể hiện rõ qua việc Hội nghị Ngoại giao thiết lập các công ước quốc tế để bảo vệ nạn nhân chiến tranh do Hội đồng Liên bang Thụy Sỹ triệu tập và được tổ chức trong 4 tháng làm việc từ ngày 21/4 đến 8/12/1949. Hội nghị đã thông qua 4 công ước quốc tế quan trọng liên quan tới việc bảo hộ các nạn nhân chiến tranh gồm:

 

-  Công ước Giơnevơ về việc cải thiện tình cảnh của những người bị thương và bị bệnh thuộc các lực lượng vũ trang trên chiến trường.

 

-  Công ước Giơnevơ về việc cải thiện tình cảnh của những người bị thương, bị bệnh và bị đắm tàu trong các lực lượng vũ trang trên mặt biển.

 

-  Công ước Giơnevơ về việc đối xử với các tù binh chiến tranh.

 

-  Công ước Giơnevơ liên quan đến việc bảo hộ thường dân trong thời kỳ chiến tranh.

 

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng áp dụng triển khai Luật Nhân đạo quốc tế nhằm bao quát nhiều khía cạnh của chiến tranh, cho phép bảo vệ một số thành phần con người trong thời gian chiến tranh và hạn chế các phương tiện và phương thức chiến tranh được phép sử dụng. Dưới đây là một số nguyên tắc trong hoạt động bảo hộ và cứu trợ nhân đạo đến các nạn nhân tham gia chiến tranh hoặc có liên quan trong chiến tranh mà Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã áp dụng:

 

Nạn đói và việc tiếp cận cứu trợ nhân đạo

 

-  Nghiêm cấm tấn công, phá hủy, lấy đi hoặc khiến trở nên vô dụng những vật thiết yếu cho sự sống còn của dân chúng.

 

-  Các bên trong cuộc xung đột phải cho phép và tạo sự dễ dàng cho việc vận chuyển hàng cứu trợ nhân đạo nhanh chóng và thông suốt đến dân thường gặp khó khăn. Việc cứu trợ này là vô tư, được tiến hành không có sự phân biệt bất lợi nào và các bên có quyền kiểm soát.

 

-  Các bên trong cuộc xung đột phải đảm bảo cho nhân viên cứu trợ nhân đạo đã được cấp phép việc tự do đi lại cần thiết để họ thực hiện chức trách. Việc tự do đi lại của họ chỉ có thể bị giới hạn tạm thời khi có yêu cầu bức thiết về quân sự.

 

Đối xử với dân thường và những người ở ngoài vòng chiến đấu

 

-  Dân thường và những người ở ngoài vòng chiến đấu phải được đối xử nhân đạo.

 

-  Nghiêm cấm việc tra tấn, đối xử vô nhân đạo hoặc tàn ác và xúc phạm đến nhân phẩm, nhất là làm nhục và đối xử tàn tệ.

 

-  Nghiêm cấm việc gây tổn thương bộ phận cơ thể, các thí nghiệm y học hoặc khoa học hoặc bất kì hành vi y học nào khác không xuất phát từ chính tình trạng sức khoẻ của đương sự và không phù hợp với những chuẩn mực y học đã được chấp nhận phổ biến.

 

Chiến binh và tù binh chiến tranh

 

 

Các chiến binh bị bắt khi đang thực hiện hoạt động gián điệp không được hưởng quy chế tù binh chiến tranh. Họ không thể bị kết tội hoặc tuyên án mà không qua xét xử.

 

Người bị thương, bị bệnh

 

-  Bất cứ khi nào tình hình cho phép, và đặc biệt sau mỗi lần giao chiến, mỗi bên trong cuộc xung đột phải có mọi biện pháp có thể và không chậm trễ để tìm kiếm, thu nhặt và sơ tán người bị thương, bị bệnh mà không có sự bất lợi nào.

 

-  Người bị thương, bị bệnh phải nhận được trong chừng mực đầy đủ nhất và trong thời gian sớm nhất có thể các chăm sóc y tế theo tình trạng sức khoẻ của họ đòi hỏi. Không được có sự phân biệt nào khác ngoài lý do sức khỏe.

 

Người chết

 

-  Mỗi bên trong cuộc xung đột phải có mọi biện pháp có thể để ngăn ngừa không để người chết bị bóc lột. Nghiêm cấm việc gây tổn thương đến bộ phận cơ thể người chết.

 

-  Các bên trong cuộc xung đột phải nỗ lực tạo sự dễ dàng cho việc trao trả hài cốt người chết theo yêu cầu của bên có người chết hoặc theo yêu cầu của người thân. Tư trang của người chết phải được các bên trao trả.

 

-  Nhằm mục đích nhận diện người chết, mỗi bên trong cuộc xung đột phải ghi chép mọi thông tin có được trước khi an táng và đánh dấu lại vị trí an tang.

 

Người mất tích

 

Mỗi bên trong cuộc xung đột phải có mọi biện pháp có thể thực hiện để làm rõ số phận của những người được cho là mất tích và phải báo cho gia đình họ biết bất kỳ thông tin nào có được…

 

Trải qua nhiều cuộc đấu tranh chống đế quốc và thực dân xâm lược, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã tiến hành hỗ trợ và cứu giúp nhiều nạn nhân trong chiến tranh và có liên quan đến chiến tranh, góp phần chăm sóc sức khỏe và đời sống nhân dân đồng thời phục vụ kịp thời cho công cuộc kháng chiến toàn quốc.

 

An Nguyên – Skcs.vn (Tổng hợp)

Các tin khác