Kinh tế Nga suy thoái ảnh hưởng thế nào tới Việt Nam?

12/20/2014 9:52:04 AM
Chắc chắn việc kinh tế Nga đứng trên bờ vực khủng hoảng sẽ có tác động đến kinh tế Việt Nam. Câu hỏi đặt ra ở đây là: sự tác động đó lớn đến đâu?

 

 

Đầu tiên, hãy nói về xuất khẩu của Việt Nam vào Nga. Người Việt kinh doanh ở Nga đang gặp rất nhiều khó khăn khi hàng hóa nhập về từ Việt Nam được tính bằng đôla trong khi hàng hóa đó bán ra ở Nga chỉ thu được đồng rúp. Do rúp liên tục mất giá nên các chủ cửa hàng phải liên tục tăng giá để bù lỗ, khiến giá cả hàng hóa trở nên quá tầm với người tiêu dùng Nga. Kết quả? Người kinh doanh Việt Nam không bán được nhiều hàng, do đó họ cũng sẽ nhập hàng ít hơn hay thậm chí ngừng nhập đến khi đồng rúp ổn định. Đây là một minh họa thực tế và sống động cho tình cảnh mà các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có khách hàng nhập khẩu từ Nga gặp phải.

 

Hiện tại kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đang đạt ngót nghét 2 tỉ đôla (1.44 tỉ trong 10 tháng đầu năm nay, giảm 10.6% so với cùng kỳ năm 2013), trong đó các mặt hàng chính là điện thoại và linh kiện (chiếm hơn 1/3 tổng kim ngạch). Khi đồng rúp mất giá, trở nên rẻ hơn so với đôla (và cả với VNĐ), 2 mặt hàng xuất khẩu chính này lập tức trở thành những mặt hàng xa xỉ đối với người tiêu dùng Nga.

 

 

Xuất khẩu sang Nga được dự đoán sẽ giảm trong tương lai gần.

 

Chưa hết, với những mặt hàng Việt Nam xuất khẩu vào Nga khác như dệt may, café, thủy sản, máy vi tính, giày dép… người tiêu dùng Nga hoàn toàn có thể bỏ mặc hàng Việt Nam để tập trung với những sản phẩm nội địa phù hợp với túi tiền của mình hơn. Như vậy, Nga buồn, kinh tế Việt Nam cũng không vui hơn là bao.

 

Về mặt nhập khẩu, Việt Nam nhập khẩu từ Nga ít hơn là xuất khẩu sang thị trường này (10 tháng đầu năm nay nhập khẩu 768 triệu đôla). Nhưng với việc đồng rúp mất giá, con số này có thể tăng lên rất nhanh và mạnh bởi hàng hóa Nga xuất khẩu khi đó sẽ trở nên rẻ một cách bất ngờ, “chấp” tất cả các loại hàng rào thuế quan bảo hộ mậu dịch mà Việt Nam đã dựng lên. 

 

Như vậy, những ngành sản xuất trong nước như xăng dầu, phân bón, sắt thép, khoáng sản… có thể sẽ chịu ảnh hưởng rất nặng nề do đây là những mặt hàng xuất khẩu chính của Nga vào Việt Nam. Riêng ngành thép, ngay từ thời đồng rúp còn ổn định đã than trời vì sự canh tranh đến từ các doanh nghiệp sắt thép của Nga. Với tỉ giá đồng rúp như hiện giờ, có lẽ ngành công nghiệp này không còn cơ hội.

 

Bên trên là những tác động trực tiếp từ kinh tế Nga đến kinh tế Việt Nam qua con đường xuất/nhập khẩu. Trên thực tế còn có tác động tiêu cực khác mà Việt Nam phải gánh chịu từ vụ việc này.

 

Việc đồng rúp mất giá kéo theo sự mất giá của các quốc gia lân cận và có quan hệ liên minh với Nga như Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan, Turkmenistan, Kazakhstan, Armenia và Belarus. Trong đó Nga, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Armenia là thành viên của một khối Liên minh hải quan sẽ có hiệu lực từ 1/1/2015. Vấn đề ở đây là chúng ta vừa hoàn tất ký hiệp định mậu dịch tự do (FTA) với chính Liên minh này và cũng sẽ có hiệu lực từ tháng 1 năm sau. Với việc đồng tiền của những quốc gia trong khối Liên minh này mất giá, hàng hóa của họ chắc chắn sẽ tràn ngập thị trường Việt Nam và làm “nản lòng” doanh nghiệp nội địa.

 

Đồng rúp mất giá cũng khiến lượng người du lịch từ Nga đến Việt Nam giảm đáng kể trong thời gian gần đây và dự đoán trong cả những tháng sắp tới. Theo thông tin từ một số công ty du lịch, có những nơi lượng khách đặt chỗ giảm đến hơn 50%. Một công ty khác thì cho biết tại rất nhiều thời điểm họ đã phải giảm giá tour đến 50% nhưng vẫn không tìm đủ khách để lấp đầy các chuyến bay thuê bao, do đó dẫn đến chuyến bay bị hủy.

 

 

Số du khách Nga đến Việt Nam sẽ giảm mạnh trong thời gian sắp tới.

 

Thực tế cả kinh tế Việt Nam và Nga hiện này đều đang phải “đau đầu” vì giá dầu giảm dẫn đến lỗ hụt nguồn thu từ nguồn tài nguyên “vàng đen” này. Có lẽ chỉ đến khi nào đồng rúp ổn định và giá dầu tăng trở lại, chúng ta mới có được một cái kết thực sự có hậu.

 

Quang Phong - Skcs.vn (tổng hợp)

Các tin khác