Kỹ nghệ làm quỳ vàng làng Kiêu Kỵ

3/3/2015 3:06:51 PM
Làng Kiêu Kỵ nằm ở bờ Bắc sông Hồng, cách trung tâm Hà Nội khoảng 15km, là làng duy nhất ở Việt Nam chuyên làm vàng quỳ, bạc quỳ, có truyền thống trên 400 năm.

 

 

Trải qua bao nhiêu thăng trầm, nghề truyền thống “độc nhất vô nhị” này vẫn được con cháu gìn giữ và phát triển…

 

“Ai về Kiêu Kỵ quê ta

Có đức Thánh tổ dạy ra nghề quỳ

Kiêu Kỵ nghề bạc, nghề vàng

Làm ra đem bán cho người thợ sơn

Thếp tượng rồi lại thếp ngai

Hoành phi, câu đối, khắp nơi chùa chiền.”

 

Để làm ra vàng quỳ, bạc quỳ, phải trải qua nhiều công đoạn và đòi hỏi sự khéo léo của người thợ. Ban đầu, phải chuẩn bị giấy khấu có diện tích 7cm vuông, được lướt mực ba lần trước khi sử dụng. Tiếp đó, người thợ Kiêu Kỵ phải nấu vàng và đổ vàng đã tan chảy vào khuôn tráng thành từng miếng mỏng. Lá vàng được cắt thành những ô vuông khoảng 1cm vuông, đặt xen kẽ giữa những mảnh giấy khấu đã chuẩn bị rồi cho vào lò sấy qua một đêm.

 

 

Các diệp vàng, diệp bạc được dàn mỏng ở công đoạn đầu.

 

Khi những miếng diệp vàng, bạc đã mềm, đem đặt lên bàn đá để thực hiện quá trình đánh vỡ. Mỗi một xấp được gói cẩn thận bằng một lớp vải dày và người thợ phải đánh đều tay cho đến khi những diệp vàng, diệp bạc đó dàn mỏng, đều trên giấy khấu.

 

Sau khi đánh vỡ xong, đem gỡ miếng diệp vàng ra và dùng kéo cắt nhỏ thành 9 hoặc 12 miếng ròng đều nhau để chuẩn bị công đoạn đánh lần 2. Để thực hiện công đoạn quan trọng này, cần chuẩn bị giấy quỳ giống. Giấy nến dùng để làm quỳ giống phải được làm tỉ mỉ. Theo đó, giấy bản mua về  được cắt thành miếng nhỏ khoảng 5cm vuông, sau đó, xếp thành từng xấp dày 500 lá quỳ. Mỗi xấp giấy như vậy sẽ làm thành một quỳ vàng hay một quỳ bạc về sau.

 

 

Miếng diệp vàng được cắt nhỏ thành 9 hoặc 12 miếng.

 

Trước, làng nghề chỉ dùng giấy dó ở Bắc Ninh để làm quỳ. Nay, những nghệ nhân muốn cải tiến nên đã chuyển sang dùng giấy nến. Tiếp theo, tiến hành đưa các xấp giấy đó đi ngâm nước rồi ép khô, tách rời. Quá trình này được lặp đi lặp lại 5 lần trước khi đem lướt mực.

 

Giấy nến sau khi lướt mực được người làng Kiêu Kỵ phơi trên lá vả. Lá vả to bản, sau khi phơi khô có thể dùng được trong khoảng một năm. Theo kinh nghiệm của những người dân nơi đây, khi làm quỳ giống, nhất định phải phơi quỳ trên lá vả. Bởi lá vả có độ thấm hút rất cao, khi đặt lá quỳ trên đó, lá sẽ hút và giúp quỳ khô ngay mà không cần phải phơi ở ngoài nắng.

 

 

Công đoạn lướt mực trên giấy quỳ giống và phơi khô trên lá vả.

 

Để làm mực lướt quỳ, người ta lấy mùn cưa trộn với nhựa thông rồi đun trên bếp lửa để hứng lấy bồ hóng. Đốt hết 10kg nhựa thông mới được 1 lạng bồ hóng. Đem bồ hóng trộn lẫn với keo da trâu theo một tỉ lệ nhất định sẽ cho ra chất lỏng, gọi là mực lướt trên lá quỳ.

 

Sau khi lá quỳ đã được chuẩn bị xong, đặt các miếng ròng cắt ra từ quỳ vỡ vào giữa các giấy quỳ giống thành từng quỳ rồi tiếp tục xếp vào lò sấy nóng trong một đêm. Tiếp đó, lấy từng quỳ ra, buộc đai vào cho chặt rồi bắt đầu đập bằng búa. Kê quỳ trên bàn đá và đánh đều tay cho đến khi miếng quỳ mỏng dính, dàn đều ra bốn cạnh lá quỳ. Trung bình, mỗi quỳ vàng hay quỳ bạc phải được đánh liên tục trong khoảng một tiếng đồng hồ. Như vậy, theo ước tính, một chỉ vàng hay một chỉ bạc có thể dát mỏng ra được rộng đến gần 1m vuông.

 

 

Tách vàng ra khỏi giấy quỳ.

 

Cuối cùng là công đoạn tách vàng ra khỏi giấy quỳ giống. Công đoạn này đòi hỏi người thợ phải ngồi trong phòng kín gió bởi vàng bạc sau khi được dát mỏng tới độ tinh xảo, rất dễ bị tan vụn hoặc bay nếu như không khéo léo.

 

Ngày nay, Kiêu Kỵ vẫn là làng duy nhất trên cả nước làm nghề quỳ vàng. Hầu hết, các làng làm nghề tạc tượng, khắc hoành phi, câu đối, hoặc sơn mài… đều là những bạn hàng của làng Kiêu Kỵ.

 

Các họa sĩ trang trí những công trình kiến trúc lớn đã sử dụng vàng quỳ Kiêu Kỵ cho việc trang trí nội thất như: Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội, Bảo tàng Hồ Chí Minh, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều khách sạn lớn trên toàn quốc. Các di sản văn hóa, kiến trúc được UNESCO công nhận như Kinh đô Huế, di sản Hội An, Văn Miếu Quốc Tử Giám luôn phải dùng đến vàng quỳ, bạc quỳ để trang trí nội thất…

 

An Nguyên - Skcs.vn (Tổng hợp)

Các tin khác