Kỷ niệm ngày Phòng, chống hàng giả, hàng nhái Việt Nam 29/11

11/29/2014 12:36:38 AM
Hiện nay, do sự buông lỏng quản lý của các đơn vị chức năng tại các cửa khẩu nên hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng dễ dàng xâm nhập nội địa.

 

 

Điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đối với nền kinh tế, người tiêu dùng cũng phải chịu thiệt khi hàng ngày phải đối mặt với hàng kém chất lượng, thậm chí nguy hại tới sức khỏe con người.

 

Thực trạng tình hình buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tại Việt Nam

 

Một thực tế là nhiều vụ buôn lậu, trong đó có hàng giả, hàng kém chất lượng, thậm chí không an toàn đã được phát hiện khi đã vào sâu trong thị trường nội địa. Điều này cho thấy còn có những sơ hở trong công tác quản lý ở biên giới và cửa khẩu. Gần đây còn nổi lên vấn đề là hoạt động kinh doanh hàng "xách tay” có nhiều diễn biến phức tạp và tinh vi hơn. Đặc biệt, tình trạng kinh doanh hàng Trung Quốc "đội lốt” hàng Việt Nam diễn ra với các hành vi nghiêm trọng tại một số tỉnh, thành phố, các hàng hóa này chủ yếu là hàng tiêu dùng, nhiều loại có chất lượng thấp, giả  các thương hiệu uy tín trong nội địa, ngoài tiêu thụ tại các chợ truyền thống, các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, những mặt hàng này còn được phân phối, tiêu thụ với số lượng lớn tại các hội chợ thương mại, triển lãm...

 

 

 

Phần lớn hàng lậu, hàng giả giá thấp, phù hợp với túi tiền nên nhiều người vẫn mua. Đây chính là mảnh đất cho hàng lậu, hàng giả tồn tại. Do vậy, ở nhiều nước, người sử dụng hàng giả cũng là vi phạm pháp luật và bị xử lý nghiêm. Còn ở nước ta, nhiều trường hợp người tiêu dùng là nạn nhân chứ không phải là người tiếp tay nên pháp luật chưa cấm mà cần phải tăng cường tuyên truyền, tư vấn nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng để họ "nói không” với hàng kém chất lượng, hàng không rõ xuất xứ.

 

Hàng lậu, hàng giả chính là nguyên nhân gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế do Nhà nước bị thất thu thuế, ảnh hưởng đến sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp do cạnh tranh không bình đẳng và bao giờ người tiêu dùng cũng là người phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất.

 

Mục đích, ý nghĩa của công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái

 

Trước tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái hiện nay đang diễn ra hết sức nghiêm trọng trên cả nước, nhất là tại các thành phố lớn, việc tổ chức kỷ niệm ngày phòng, chống hàng giả, hàng nhái là vô cùng cần thiết. Ngày Phòng, chống hàng giả, hàng nhái 29/11 hàng năm nhằm mục đích tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống hàng giả, hàng nhái; đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm của doanh nghiệp, người tiêu dùng trong việc đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái.

 

Theo đó, các Bộ, ngành địa phương cần đẩy mạnh công tác truyền thông, phát động các đợt cao điểm phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái để nâng cao ý thức của nhân dân, để người dân không bao che, tiếp tay, sử dụng hàng giả, hàng nhái. Đặc biệt, phải làm thường xuyên, liên tục, bền bỉ; nơi nào để xảy ra buôn lậu, hàng giả hàng nhái người đứng đầu nơi đó phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Bên cạnh đó, cần củng cố lực lượng chủ công chống hàng giả hàng nhái, có “sức đề kháng” tốt trước sự mua chuộc của kẻ xấu, tăng cường trang bị phương tiện và đào tạo, nâng cao năng lực phẩm chất đạo đức của lực lượng này.

 

Ngoài ra, lực lượng công an, quản lý thị trường cũng cần đẩy mạnh điều tra, giám sát các cơ sở sản xuất hàng giả, hàng nhái kết hợp với việc “mua tin” và sử dụng nguồn tin có hiệu quả từ các tầng lớp nhân dân. Cùng với đó, lên án các hành vi bao che cho buôn lậu và biểu dương, động viên kịp thời các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái.

 

Để người tiêu dùng không còn bị thiệt hại do nạn hàng giả, hàng nhái, hàng không bảo đảm an toàn gây ra, tất cả các cơ quan chức năng, kể cả các doanh nghiệp và chính bản thân người tiêu dùng phải đồng lòng, chung tay "tuyên chiến” với vấn nạn này. Đối với hàng buôn lậu, chúng ta cần phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ ngay từ cửa khẩu, biên giới. Còn đối với hàng giả, hàng nhái sản xuất ngay ở trong nước cần phải quản lý theo địa bàn. Không thể vì lợi ích địa phương mà xem nhẹ lợi ích quốc gia, đi ngược lại chủ trương, chính sách chung của Nhà nước. Nếu còn tồn tại thực trạng này thì thực sự rất nguy hiểm cho nền kinh tế. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan như hiện nay. Bản thân doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng có vai trò rất lớn trong việc phát hiện và tố giác các hành vi vi phạm và "nói không” với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng…

 

Skcs.vn (Tổng hợp)

Các tin khác