Lý Gia Thành: con đường rèn luyện bản thân và bí quyết nhìn người đáng học hỏi

12/12/2023 4:52:00 PM
Lý Gia Thành, tỷ phú, nhà từ thiện người Hồng Kông, được mệnh danh là siêu nhân hay Warran Buffett của Châu Á, cuộc đời ông là những bài học sâu sắc nhưng cũng thấm đẫm tính nhân văn.

 

Lý Gia Thành: con đường rèn luyện bản thân và bí quyết nhìn người đáng học hỏi

Lý Gia Thành, tỷ phú, nhà từ thiện người Hồng Kông, được mệnh danh là siêu nhân hay Warran Buffett của Châu Á, cuộc đời ông là những bài học sâu sắc nhưng cũng thấm đẫm tính nhân văn. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về con đường rèn luyện bản thân và bí quyết nhìn người đáng học hỏi của ông để có thể mở mang tầm mắt về một con người vĩ đại như thế.

Tuổi thơ nghèo khó và sự ham học hỏi của ông

Trong chiến tranh, ông cùng gia đình chuyển từ quê nhà ở đại lục đến Hong Kong khi còn tiểu học. Cha ông vốn là hiệu trưởng một trường học địa phương, nhưng khi vừa chuyển đến nơi ở mới đã mắc bệnh lao phổi khiến kinh tế gia đình kiệt quệ và mất không lâu sau đó.

Lý Gia Thành khi đó mới 14 tuổi đã sớm nếm trải sự mất mát và cô độc khi cũng nhiễm lao phổi, bị cách ly trong quá trình điều trị. Gia đình rơi vào cảnh túng quẫn cùng cảm giác không được ai giúp đỡ đã khắc sâu vào tâm trí ông. “Ký ức khủng khiếp nhất cuộc đời tôi là chứng kiến cha mình vật lộn trên giường bệnh”, vị tỷ phú nhớ lại.

Gánh nặng nghèo đói và vị đắng của sự cô độc làm dấy lên những câu hỏi, giúp định hình nên con người ông sau này: Việc thay đổi số phận có là điều khả thi? Có thể đơn giản hóa mọi việc để ít rắc rối hơn không? Liệu con đường dẫn đến thành công có thể bằng việc lên kế hoạch thật cụ thể, tỉ mỉ?

May mắn khỏi bệnh, nhưng ông buộc phải nghỉ học để đi làm nuôi gia đình ở tuổi 15. Kinh tế kiệt quệ đến mức ông phải bán đi quần áo của người cha vừa mất để lấy tiền mua thức ăn. Mỗi ngày, ông làm việc quần quật trong nhà máy nhựa 16 giờ đồng hồ, liên tục 7 ngày trong tuần và gửi 90% số tiền mình kiếm được về cho mẹ.

Nhờ thông minh và làm việc chăm chỉ mà ở tuổi 18, ông đã là nhân viên xuất sắc của nhà máy và được cất nhắc làm quản lý. Ông bắt đầu giành dụm tiền. Năm 1950, chàng thanh niên 22 tuổi quyết định mở doanh nghiệp nhỏ đầu tiên của mình. Công ty được lấy tên là Cheung Kong theo tên con sông Dương Tử, nơi hội tụ của muôn vàn dòng chảy, thể hiện sự tin tưởng của người sáng lập về sức mạnh của sự nỗ lực và kết nối.

Lúc đầu công ty chỉ sản xuất đồ chơi bằng nhựa, nhưng Lý Gia Thành sớm nhận thấy tiềm năng của thị trường hoa nhựa, bởi đây là mặt hàng đang được ưa chuộng tại Italy. Với số vốn ban đầu 50.000 USD, ông đưa công ty ngày một phát triển về doanh thu lẫn quy mô, nhờ vào sự ham học hỏi và bắt kịp xu thế thị trường.

Vị tỷ phú phân tích: “Mối quan hệ giữa kiến thức và kinh doanh là chìa khóa để đến gần hơn với thành công”. Hoàn cảnh đã đưa đẩy ông phải bỏ học từ nhỏ, và ông cũng chưa hề nhận tấm bằng đại học nào trong suốt quãng đời của mình. Hầu hết những kiến thức Lý Gia Thành có được đều đến từ sự tự học.

Ông say mê đọc sách từ nhỏ và luôn cho rằng phần lớn thành công của ông đến từ khả năng tự học.

Câu chuyện về chiếc đồng hồ trên tay Lý Gia Thành

Thuở nhỏ, vì gia cảnh khó khăn, Lý Gia Thành đã phải lăn lộn kiếm sống từ rất sớm. Khi mới là một cậu bé 14 tuổi, ông đã bắt đầu hình thành ý thức quan sát và thể nghiệm thứ gọi là "nhân tình thế thái".

Đây chính là điểm mà đại gia họ Lý vượt xa những người bình thường, đồng thời cũng là bước chuẩn bị quan trọng nhất cho công cuộc xây dựng sự nghiệp của ông.

Công việc bồi bàn quán trà của Lý Gia Thành năm xưa vô cùng khổ cực, thời gian làm việc lên tới 15 tiếng/ngày. Ông phải thức dậy từ 5h sáng, sau đó làm việc cật lực tới nửa đêm mới tan ca.

Khi đã ở đỉnh cao sự nghiệp, Lý Gia Thành từng ôn lại đoạn hồi ức cơ cực thời thiếu niên với con trai mình. Nhớ lại khoảng thời gian ấy, ông nói: "Hy vọng lớn nhất của cha lúc bấy giờ chính là được thoải mái ngủ 3 ngày 3 đêm".

Dù luôn ước ao như vậy, nhưng Lý Gia Thành chưa bao giờ lơ là trong công việc.

Mỗi ngày, ông đều cố ý đặt đồng hồ báo thức sớm hơn 10 phút. Chỉ cần tiếng chuông vừa reo lên, thanh niên họ Lý ngày ấy lại vội vàng chuẩn bị để nhanh chóng tới chỗ làm việc.

Cũng nhờ vậy mà suốt những năm tháng đi làm ở đó, Lý Gia Thành luôn là nhân viên tới cửa hàng sớm nhất.

Sau này, thói quen để đồng hồ nhanh hơn bình thường vẫn được vị đại gia họ Lý duy trì tới hơn nửa thế kỷ.

Ngày nay, ai biết tới sự thành công của Lý Gia Thành cũng đều biết đến câu chuyện chiếc đồng hồ trên tay ông luôn nhanh hơn người khác.

Thói quen này của đại gia họ Lý luôn được giới doanh nhân ca tụng hết lời, cũng trở thành câu chuyện được rất nhiều người truyền lưu.

Biến công việc lương thấp trở thành môi trường học tập miễn phí

Đối với công việc vất vả ở quán trà, Lý Gia Thành luôn vô cùng quý trọng. Ông làm việc cần cù, chuyên nghiệp, chẳng mấy chốc đã được ông chủ tín nhiệm và tăng lương.

Dù số tiền ít ỏi ấy chẳng đủ để Lý Gia Thành lo chuyện cơm áo, nhưng ông coi đó là một cơ hội để thể nghiệm đời người, tích lũy cơ hội cũng như kinh nghiệm.

Trong mắt của chàng trai họ Lý năm xưa, quán trà vốn là một xã hội thu nhỏ. Ông coi đó là môi trường để mình học cách đối nhân xử thế.

Hằng ngày, Lý Gia Thành đều âm thầm quan sát mỗi vị khách tới quán, sau đó không ngừng tổng kết quy luật để tìm ra đặc điểm và sở thích của từng người.

Đầu tiên, ông sẽ căn cứ vào đặc điểm nổi bật của khách, tiếp đó vận dụng tư duy để suy đoán các thông tin về họ như quê quán, tuổi tác, nghề nghiệp, tài sản, tính cách…

Dần dần, Lý Gia Thành đã học cách nhìn thấu  người khác. Thậm chí, ông còn nắm rõ việc người nào uống trà gì, dùng điểm tâm nào, thưởng trà vào thời điểm nào…

Ngay cả khi quán trà phải tiếp đón một vị khách xa lạ, Lý Gia Thành rất nhanh đã có thể nhìn ra thân phận, địa vị, sở thích và tính cách của đối phương.

Nhờ sự tinh tế và chân thành của Lý Gia Thành, khách hàng cảm thấy đặc biệt được tôn trọng, cũng rất cao hứng mà chi tiền cho các dịch vụ của quán. Giành được nhiều khách hàng về quán trà, Lý Gia Thành đương nhiên sẽ khiến ông chủ vui vẻ.

Kể từ đó, Lý Gia Thành càng tự giác rèn luyện năng lực quan sát, luyện thành công bản lĩnh ứng biến trước mọi tình huống. Chẳng mấy chốc, ông đã trở nên vô cùng thông thạo những nguyên tắc đối nhân xử thế.

Sau này, bản lĩnh ấy được Lý Gia Thành rất mực trọng dụng. Nhờ có năng lực quan sát được rèn luyện không ngừng qua năm tháng, ông hiểu được những nhu cầu thiết thực từ phía khách hàng.

Chưa dừng lại ở đó, sự thấu hiểu tâm lý người dùng cùng khả năng ứng biến ở trình độ thượng thừa còn giúp vị đại gia họ Lý có được khả năng điều khiển tâm lý khách hàng.

Nếu không sở hữu bản lĩnh này, sự nghiệp của Lý Gia Thành khó có thể huy hoàng tới vậy.

Đó cũng là bài học để ông có cách nhìn người thấu đáo.Với ông, nếu muốn nhìn thấu đối phương, chỉ cần nhìn cách họ xử lý sự việc là đủ!

Câu chuyện thứ nhất về cách nhìn người

Trong cuộc sống này, ai cũng có suy nghĩ tính toán vì lợi ích cá nhân, ai cũng mong mình đạt được lợi ích lớn nhất, đó là lẽ thường tình.

Nhưng đứng trước lợi ích vẫn giữ bản thân không lung lay, giữ vững phẩm đức làm người, duy trì giới hạn của đạo đức, đó mới là điểm sáng thực sự của nhân phẩm .

Tôi vẫn còn nhớ mẹ tôi và một cô chơi với nhau rất thân. Cô ấy rất khéo, mỗi lời cô nói ra đều khiến người khác cảm thấy dễ chịu. Tôi và mẹ đều rất thích cô nhưng về sau, họ không qua lại nữa.

Tôi hỏi mẹ sao cô ấy không đến chơi nữa, mẹ kể cho tôi nghe một chuyện nhỏ.

Trong một lần đi mua sắm, cả hai mua một túi hoa quả lớn đem về nhà rồi mới chia. Về sau, mẹ tôi đến nhà cô lấy, mới phát hiện cô giữ lại tất cả những quả to, đẹp cho mình và gói cho mẹ tôi tất cả những quả xấu, nhỏ.

Cô cho rằng mẹ tôi sẽ không biết song thực ra người tinh mắt chỉ cần nhìn là biết. Sau lần đó, mẹ tôi còn phát hiện thêm một vài việc nữa mà qua đó, bà nhận thấy chỉ cần có xung đột lợi ích với ai, cô đều phải giành phần hơn bằng mọi giá.

Mẹ tôi không nói ra, nhưng bà cho rằng kết giao với người như vậy không có ý nghĩa gì nên cả hai không qua lại như trước nữa.

Khi đó, mẹ có nói với tôi một câu mà cho đến giờ tôi vẫn nhớ: Muốn nhìn thấu nhân phẩm của một người, chỉ cần quan sát thời điểm họ và con có xung đột về lợi ích là đủ.

Khi bạn và người khác đang đứng trước sự xung đột về lợi ích, đặc biệt là khi lợi ích bị hao tổn, phản ứng của họ sẽ thể hiện rõ nhất nhân phẩm trong con người đó.

Câu chuyện thứ hai

Cuối tuần, tôi đang ngồi đọc sách trong thư phòng thì đột nhiên nhận được điện thoại của chị họ.

Trong điện thoại, giọng chị hốt hoảng: "Mau đến đây đi, xảy ra chuyện chết người rồi!".

Gác điện thoại, tôi không lập tức lao đi mà uống một ngụm trà, bất lực thở một tiếng dài thườn thượt.

Từ cách đây 2 năm, khi chị họ thuê một cửa hàng ngay ngoài cổng khu dân cư nhà tôi làm ăn buôn bán, cái gọi là tình huống khẩn cấp cứ liên tiếp xảy ra. Thế nhưng lần nào cũng chỉ là giúp chị giải quyết vài chuyện vặt vãnh.

Mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ cửa hàng đó là do chị họ tôi và một người đồng hương hùn vốn vào mở chung.

Ban đầu, hai người hợp tác khá ăn ý, việc gì cũng thương lượng bàn bạc thấu tình đạt lý.

Thế nhưng thời gian lâu dần, mâu thuẫn bắt đầu xuất hiện. Phàm là có liên quan đến một chút ít lợi ích, hai người lập tức phát sinh cãi vã, chẳng ai chịu nhường ai, không ai chấp nhận thua thiệt về mình.

Khi cả hai bên đã rơi vào trạng thái chẳng thể nói thêm gì với nhau, họ lại gọi tôi ra phân giải, hết lần này đến lần khác. Và lần này cũng không ngoại lệ.

Nguyên nhân sự tình là bởi buổi trưa đông khách, mỗi người phải tiếp đón hơn chục khách hàng, doanh thu không ít.

Vốn dĩ cả hai đều rất hào hứng nhưng đến lúc rảnh tay, kiểm tra lại hóa đơn thấy thiếu mất 50 NDT (khoảng 160 nghìn đồng).

Chỉ có vậy, trong tích tắc cả hai đã rối cả lên, người này nói người kia tính nhầm 50 NDT cho khách.

Họ cứ thế chẳng ai nhường ai, tranh cãi ầm ĩ. Lời qua tiếng lại, những lời nói khó nghe mỗi lúc một nhiều. Cuối cùng, không kiềm chế được, hai bên còn thượng cẳng tay, hạ cẳng chân. Chị họ tôi xé rách quần áo của đối phương. Người đồng hương cũng chẳng vừa, túm tóc chị tôi giật mạnh…

Lần này, tôi chẳng nói gì ngoài việc đề nghị cả hai giải tán!

Trên thực tế, khi xảy ra tranh chấp lợi ích, nếu cả hai đều là người hẹp hòi ích kỷ cá nhân, chỉ biết nghĩ từ góc độ của bản thân, lo mình bị thiệt mà không nghĩ tới cảm xúc của người khác, một đối tác như vậy sớm muộn cũng giải tán, giải tán sớm thực sự là lựa chọn tốt nhất.

Câu chuyện của chính tỷ phú Lý Gia Thành

Tờ "Tin nhanh tài chính" của Trung Quốc đã từng giới thiệu đặc điểm kinh doanh của tỷ phú Hong Kong Lý Gia Thành, trong đó có một đặc điểm khiến người người ấn tượng: 7 phần hợp lý, 8 phần cũng được, vậy tôi chỉ lấy 6 phần.

Bài báo đã lấy một câu chuyện, có người muốn tìm Lý Gia Thành hợp tác phát triển thị trường nhà đất, ông Lý hỏi đối phương chia lợi nhuận trong hạng mục này như thế nào. Người kia đưa ra con số 5%.

Trước đề nghị này, Lý Gia Thành đã chủ động đưa ra con số 10% lợi nhuận dành cho đối tác, cao gấp 2 lần con số ban đầu mà người kia đưa ra.

Tại sao lại như vậy? Đó chính là điểm cao minh, hơn người của vị tỷ phú người Hong Kong.

Ông đã để đối tác nhận được lợi ích cao gấp đôi dự tính ban đầu. Hành động nằm ngoài dự tính này sẽ khiến cho đối phương tâm phục, trong quá trình quản lý công trình không những không ăn bớt mà còn tận tâm tận lực quản lý tốt công trình đó.

Bằng cách này, ông Lý không chỉ đạt được mục đích của mình mà con xây dựng được tiếng tốt để đời.

Làm kinh doanh hay làm người, Lý Gia Thành hiểu sâu sắc một điều: Đứng trước sự cám dỗ, ông không để mình bị lợi ích thao túng. Đó chính là bí quyết của một thương nhân thành công.

Có người từng hỏi Lý Trạch Giai – con trai Lý Gia Thành: "Bố anh đã dạy cho anh những bí quyết kiếm tiền thành công gì?"

Trạch Giai đã trả lời rằng: "Thực ra bố tôi không dạy cho tôi bất cứ phương pháp kiếm tiền nào cả. Ông chỉ dạy tôi các đạo lý làm người mà thôi".

Lý Gia Thành luôn kết hợp triết lý của Đạo Nho, Đạo Phật và triết lý làm người làm nền tảng trong kinh doanh,

Ông sử dụng 4 tư tưởng chính:

• Lấy tư tưởng của người theo đạo Nho để quản lý doanh nghiệp

• Lấy lòng từ thiện của người theo đạo Phật để đối xử với nhân tài

• Lấy trạng thái tâm lý ổn định để phát triển sự nghiệp

• Lấy tâm hồn gần gũi đối xử với đối thủ.

Ông đã có những câu nói truyền cảm hứng:

1. Khi hiểu rõ một vấn đề hãy mạnh dạn từ bỏ.

2. Nhất định phải là người phụ nữ có giáo dục.

3. Có thể không đồng thuận, nhưng cần có sự tôn trọng.

4.Nếu thích một thứ gì đó, hãy tự nỗ lực kiếm tiền mà mua.

5. Tiền rất quan trọng, nhưng không được phép dựa vào đàn ông hoặc bố mẹ.

6. Hãy nghĩ ra cách kiếm tiền như thế nào chứ không phải tiết kiệm tiền như thế nào.

7. Cho dù mất đi tất cả cũng không được để mất đi nụ cười. Tâm thái quyết định tất cả.

8. Có buồn chán đến mấy cũng không được lớn tiếng kêu than, phải giữ được bình tĩnh.

9. Nếu không thích công việc hiện tại hãy thay đổi nó, còn không hãy im lặng mà làm, đừng phàn nàn.

10. Người chân thành, nói ít, nhưng làm đúng, đã đi là đi vào lòng người. Người xảo trá, đã đi là đi khuất mắt luôn.

11. Không nên quá đề cao bản thân mình trong một tập thể. Bởi khi đi xa, bạn sẽ thấy được, không có mình, mặt trời vẫn chiếu sáng.

12. Đừng gây thù chuốc oán. Nếu có thể không gây tổn thương cho ai thì đừng gây. Không ai ở với ai một đời cả, có những chuyện nên giữ trong lòng.

13. Danh tiếng là chìa khóa của thành công. Vì vậy hãy trung thành với khách hàng của bạn. Nên nhớ, danh tiếng trong kinh doanh là tài sản vô giá.

14. Khi bạn còn ở đó uống rượu, bốc phét, chẳng hiểu biết gì nhưng cố tỏ ra vẻ hiểu biết, chỉ yêu cái gọi là thể diện, điều đó cho thấy kiếp này của bạn chỉ có vậy.

15. Khi chưa đưa ra được quyết định, hãy để thời gian giúp bạn, nếu không có cách nào quyết định, hãy làm rồi mới nói, bằng lòng với sai lầm, không được oán hận.

16. Mong rằng mọi người quanh tôi đừng bao giờ dẫm đạp lên hai chữ “thành tín”. Thất tín chính là phá sản lớn nhất của đời người. Hãy nhớ lấy. Sống trung thực, thành tín là tài phúc của kiếp này.

17. Khi bạn chưa giàu, hãy ra ngoài xã hội để học hỏi nhiều hơn. Khi đã có tiền, hãy ở nhà nhiều hơn. Nếu là người nghèo, bạn nên chi tiền cho người khác, khi đã là người giàu bạn mới chi tiền cho chính mình.

18. Người làm việc chủ động làm phần nhiều, không phải người ta dại, mà vì người ta ý thức được hai chữ trách nhiệm. Người khi cãi nhau luôn chủ động xin lỗi trước, không phải vì người ta sai, mà do hiểu được thứ gì mới đáng để trân trọng.

19. Khi bạn bỏ qua thể diện để kiểm tiền, điều đó cho thấy bạn đã hiểu biết. Khi bạn dùng tiền để lấy lại thể diện, điều đó cho thấy bạn đã thành công. Khi bạn có thể dùng thể diện của mình để kiếm tiền, điều đó cho thấy bạn đã là một nhân vật tầm cỡ.

20. Cân bằng cuộc sống và công việc là tốt nhưng không thể thực hiện được trong giai đoạn tập trung cho sự nghiệp. Quỹ thời gian 24h/ngày không cho phép vừa khởi nghiệp vừa dành quá nhiều thời gian cho người yêu, cho gia đình, cho những dự định ăn chơi, hưởng thụ,...

Suckhoecuocsong.vn

Các tin khác