Nga bán dầu khí mua vàng: Nước cờ cao tay của Tổng thống Putin?

12/31/2014 3:00:49 PM
Tổng thống Nga Putin nổi tiếng là người có khả năng suy nghĩ và phân tích nhanh nhạy cùng việc đưa ra các quyết định đạt đến độ cân băng hoàn hảo giữa chính trị và kinh tế…

 

 

Phương Tây từng cáo buộc Tổng thống Putin rất nhiều điều, cho rằng ông “độc ác” và “xấu xa” do ông vốn là người của KGB - Ủy ban An ninh Quốc gia Nga, cùng rất nhiều cáo buộc khác nữa. Thế nhưng, chưa có một ai nói ông là người thiếu khôn ngoan, đơn giản bởi ông có khả năng suy nghĩ phân tích rất nhanh cùng khả năng đưa ra các quyết định đạt đến độ cân bằng hoàn hảo giữa chính trị và kinh tế. Giới truyền thông phương Tây do đó, hay ví ông như một “kiện tướng cờ vua”.

 

Như ta đã biết, dựa vào cuộc khủng hoảng Ukraine, Mỹ và phương Tây đã chung tay tiến hành một cuộc chiến tiền tệ nhằm khuất phục Nga, với việc sử dụng đồng đôla, các lệnh trừng phạt cũng như các mánh lới từ “cá mập tài chính” làm mất giá dầu và giảm giá trị đồng rúp, qua đó đánh vào nguồn ngân sách chính của doanh thu xuất khẩu và bổ sung vàng dự trữ cho Nga.

 

Lần cuối cùng Mỹ và phương Tây giở chiêu trò này là dưới thời tổng thống Reagan. Khi đó, họ đã thành công trong việc giảm giá dầu và kết quả là sự sụp đổ của Liên Xô. Hiện tại, miếng đánh này có vẻ như vẫn đã và đang phát huy tác dụng khi giá rúp mất hơn nửa giá trị so với đôla chỉ trong vòng nửa năm mặc cho các biện pháp mạnh tay được Nga đưa ra. Bên cạnh đó, giá dầu cũng liên tục lao dốc. Nhưng sự thật có phải là như vậy?

 

Trong cuộc họp với hơn 1.200 phóng viên báo chí vào ngày 18/12, tổng thống Putin vẫn tươi cười và cho rằng: “Nền kinh tế Nga như hiện nay chỉ khoảng 25-30% do Mỹ - Eu cấm vận”. Vậy 70% còn lại ở đâu? Chúng ta cũng nên nhớ, các chính sách của ông Putin luôn tập trung vào tính hiệu quả chứ không chú trọng vào kết quả.

 

1. Thương vụ chưa từng có trong lịch sử kinh tế và tài chính thế giới

 

Trước đây, một phần cổ phiếu của các công ty năng lượng tại Nga thuộc về các nhà đầu tư nước ngoài (Mỹ và EU) - đồng nghĩa với một phần doanh thu không rơi vào ngân khố Nga mà vào các tài khoản của “cá mập tài chính” đến từ châu Âu và Mỹ.

 

Nga rất biết tận dụng những cơ hội của mình dù là nhỏ nhất, ngay cả khi bị đặt vào tình thế khó khăn.

 

Khi đồng rúp suy giảm và không có dấu hiệu hồi phục lại, giá cổ phần của các công ty năng lượng Nga suy giảm trầm trọng và đó là thời điểm “cá mập tài chính” nước ngoài tại đây bắt đầu bán tháo đi cổ phần của mình khi chúng chưa hoàn toàn mất hết giá trị. Đó chính là lúc chính quyền tổng thống Putin ra tay - họ lập tức mua sạch tất cả cổ phần của người Mỹ và châu Âu. Khi đám “cá mập tài chính” nhận ra thì đã quá muộn - Nga đã kiếm lại 30% cổ phần các công ty dầu khí của mình. Số đồng rúp thu được từ khí đốt sẽ không còn chạy ra nước ngoài như trước mà sẽ quay lại lưu hành trong nước, dẫn đến giá trị đồng rúp tự thân tăng lên và không cần chi dự trữ ngoại tệ để duy trì như trước đó nữa.

 

2. Dùng vàng để thay thế và triệt tiêu sự thống trị của đôla Mỹ

 

Trong thế giới tài chính, vàng được mệnh danh là “anti-dollar” (phản kháng đôla). Trong giao dịch hay dự trữ ngân khố, chỉ một mình vàng mới có giá trị thách thức được sức mạnh của đồng đôla. Vàng là “đơn vị tiền tệ” duy nhất hiện nay thay thế được đôla để trở thành phương tiện thay toán và tích lũy tài sản.

 

Mỹ là nước có nền kinh tế hàng đầu thế giới, và lẽ hiển nhiên là đồng tiền của họ là đồng tiền đáng giá nhất thế giới. Để duy trì thế mạnh đó, Mỹ đã có những chính sách “đàn áp” giá trị vàng, buộc chúng phải thay đổi phụ thuộc vào đồng đôla - hay nói cách khác là phụ thuộc vào sự điều chỉnh của Mỹ.

 

Năm 1971, tổng thống Mỹ R.Nixon ra lệnh đóng “cửa sổ vàng”, qua đó chấm dứt thời kỳ trao đổi tự do giữa vàng với đôla. Năm nay, khi nền kinh tế Nga đứng trước sức ép của các lệnh trừng phạt từ Mỹ và phương Tây, tổng thống Putin lập tức mở lại “cửa sổ vàng” và trao đổi ngay lập tức vàng với đôla mà không cần sự đồng ý của Mỹ.

 

Mục tiêu của Nga là khiến đồng đôla mất đi vị thế của mình.

 

Thứ nhất, về xuất khẩu, Nga không coi đôla là phương tiện, là đơn vị thanh toán cuối cùng và cũng không phải nguồn tích lũy chính, mà thay vào đó là vàng. Tất cả số đôla Nga thu được từ bán dầu khí đều được quy ra vàng ngay lập tức. Tất nhiên, Nga không công khai công bố mình chỉ nhận vàng, họ chấp nhận đôla nếu nó chỉ là một phần giao dịch, và sau đó ngay lập tức dùng số tiền đó quay lại mua… vàng.

 

Điều trớ trêu ở đây ở chỗ các giao dịch giữa Mỹ/phương Tây được thanh toán bằng đôla – đồng tiền đã được đẩy giá trị thực lên rất cao để giảm chính giá vàng và dầu khí. Nhận thấy điều đó, Nga lại lấy số đôla có giá trị cao đó để mua vàng, tự tích lũy thêm vàng cho chính bản thân mình. Rốt cuộc, gậy ông lại đập lưng ông, kế hoạch của Mỹ và phương Tây lại giúp Nga tích trữ thêm vàng cho bản thân mình.

 

Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF cho biết, dự trữ vàng của Nga trong tháng 11 năm nay được bổ sung thêm 19 tấn lên con số tổng 1.187,5 tấn - con số cao nhất của nước này trong 20 năm qua. Còn tính riêng trong quý 3/2014, một mình Nga chiếm 55/93 tấn trong tổng số vàng ngân hàng trung ương các nước mua vào.

 

Thứ hai, về thanh toán nhập khẩu, Nga tuyên bố thanh toán bằng vàng quy đổi theo đôla – một động thái được các nước BRICS cũng như Trung Quốc ủng hộ nhiệt liệt. Trung Quốc đã từng tuyên bố “dừng tăng dự trữ quốc gia bằng đồng đôla”, có nghĩa là cũng như Nga, cơ cấu dự trữ quốc gia của họ sẽ sử dụng một “đơn vị tiền tệ” khác chứ không phải đôla.

 

Như vậy, cả Nga và Trung Quốc đều có chung mục đích hạn chế rồi tiến đến loại bỏ sự bá chủ của đồng đôla và mở ra hướng đi khác cho chính mình cũng như các quốc gia khác. Không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc lại sẵn sàng “đẩy mạnh quan hệ kinh tế” với Nga trong giai đoạn hiện nay.

 

Trước đây, khi giá dầu giảm đến mức thê thảm, Liên Xô đã phải bán vàng trong kho của mình. Kết quả? Liên Xô tan rã, Mỹ - phương Tây lên ngôi, đồng đôla Mỹ trở thành đơn vị tiền tệ hàng đầu thế giới. Nga bây giờ đi theo hướng hoàn toàn ngược lại, giá dầu giảm, họ lại mua vàng vào, qua đó tăng tích trữ vàng của mình lên.

 

Dự trữ vàng châu Âu sẽ trụ được bao lâu?

 

Thêm nữa, ta nên chú ý đến vấn đề này. Số vàng Nga thu về là vàng thật, không phải vàng trên giấy tờ, và nguồn dự trữ vàng của Mỹ và châu Âu là có hạn. Nếu tình hình trên tiếp tục diễn ra, không sớm thì muộn nguồn dự trữ của họ sẽ cạn kiệt. Và Mỹ/phương Tây càng hạ giá dầu và vàng thế giới xuống nhiều, số vàng dự trữ họ có tụt càng nhanh.

 

Trong hệ thống tiền tệ quốc tế (GMS), đồng đôla Mỹ là phương tiện thanh toán cuối cùng và được dùng làm đơn vị thanh toán nhiều giao dịch mà không một đơn vị tiền tệ nào khác thay thế được. Việc Nga, Trung Quốc và các nước BRICS đang làm là dùng vàng để tiêu hủy sự thống trị của đồng đôla trong hệ thống tiền tệ. Ví dụ như trong giao dịch giữa Nga và Trung Quốc hiện nay, Nga mua hàng hóa Trung Quốc bằng vàng trong khi Trung Quốc mua dầu khí cùng uranium của Nga cũng bằng đơn vị thanh toán trên. Như vậy, đồng đôla không có đất “dụng võ” trong cả miếng bánh béo bở đó. Nếu ví dụ trên lan rộng ra các nước trên thế giới, đồng đôla sẽ dần mất đi chỗ đứng như hiện nay của mình và vị thế Mỹ/phương Tây trên trường quốc tế cũng sẽ sụt giảm đáng kể.

 

Vậy Mỹ và phương Tây phải làm thế nào để “phản đòn” lại Nga? Nếu tốc độ sụt giảm dự trữ vàng của họ tiếp tục như hiện nay, họ sẽ sớm không còn vàng để giao dịch với Nga và Trung Quốc nữa. Thông thường, có 2 cách các nước phương Tây thường áp dụng: lật đổ chính quyền Nga hoặc dùng sức mạnh quân sự. Nhưng cả 2 cách trên gần như là bất khả thi với Nga.

 

Tỉ lệ ủng hộ tổng thống Putin tại Nga luôn rất cao khi người dân hết mực ủng hộ ông, ngay cả các tổ chức đánh giá ở phương Tây cũng phải công nhận điều này. Việc tấn công quân sự phi hạt nhân vào Nga cũng là bất khả thi. Bài học của Napoleon vẫn còn đó, và các tướng lĩnh tại Nhà Trắng cũng như NATO thừa hiểu điều này. Tình hình cũng chẳng khác là bao khi xét về tấn công hạt nhân, Mỹ và phương Tây không thể nào triệt tiêu được hết các căn cứ hạt nhân của Nga, và đòn đáp trả của Nga sẽ mang lại hậu quả khủng khiếp và nặng nề cho toàn thế giới.

 

Mỹ - phương Tây chắc chắn đã nhận thức được mức độ nghiêm trọng của cái bẫy mà mình mắc vào, nhưng đến giờ này họ vẫn im lặng, đơn giản bởi họ không (hoặc chưa) có đường thoát ra.

 

Phương Tây và Mỹ còn mua dầu khí từ Nga bằng vàng dự trữ được bao lâu nữa? Điều gì sẽ xảy ra nếu họ không còn vàng để mua dầu khí, urani từ Nga và hàng hóa từ Trung Quốc? Không một ai từ phía phương Tây/ Mỹ có thể trả lời được 2 câu hỏi tưởng chừng rất đơn giản trên. Và như vậy, tổng thống Putin đã có một pha “chiếu tướng” ngoạn mục.

 

Quang Phong – Skcs.vn (Tổng hợp)

Các tin khác