Ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động

7/16/2016 9:16:38 AM
Với tình hình kinh tế như hiện nay, các ngân hàng thương mại đang thi nhau đưa ra chính sách nâng lãi suất huy động để hút vốn khách hàng đến gửi tiền.

 

Với tình hình kinh tế như hiện nay, các ngân hàng thương mại đang thi nhau đưa ra chính sách nâng lãi suất huy động để hút vốn khách hàng đến gửi tiền. Tuy nhiên những biến động lãi suất hiện tại chỉ là xáo trộn nhất thời, không ít doanh nghiệp đang lo ngại trước khả năng lãi suất cho vay cũng sẽ tăng trong thời gian tới.

Từ đầu tháng 7 đến nay, một loạt các ngân hàng thương mại đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động, với mức tăng từ 0,1 - 0,4%, chủ yếu là những kỳ hạn trên 1 năm.

Cụ thể, VPBank vừa điều chỉnh khung lãi suất huy động dành cho khách hàng cá nhân. Mặc dù các kỳ hạn ngắn dưới 3 tháng vẫn ở mức thấp, thậm chí giảm 0,1% tuy nhiên biểu lãi suất huy động mới áp dụng từ ngày 01/07/2016 của VPBank điều chỉnh tăng lãi suất ở hầu hết các kỳ hạn 5-12 tháng tăng 0,3% so với biểu lãi suất áp dụng từ cuối tháng 5.

Hiện lãi suất huy động kỳ hạn 5 tháng là 5,5%, kỳ hạn 6 tháng 6,5%, kỳ hạn 7 tháng 6,6%, kỳ hạn 8-11 tháng 6,7% và kỳ hạn 12 tháng 6,9%. Bên cạnh đó, VPBank cũng điều chỉnh tăng 0,2% và 0,1% lần lượt đối với các kỳ hạn 13 và 15 tháng, lên 6,9%.

Tuy nhiên đây là khung lãi suất áp dụng cho đối tượng khách hàng gửi trên 10 tỷ đồng trở lên.

Một trong những ngân hàng quốc doanh, Vietcombank cũng vừa áp mức lãi suất huy động mới tăng 0,1% đối với kỳ hạn 3 tháng tăng từ 5% lên 5,1%, kỳ hạn 6 và 9 tháng tăng từ 5,4% lên 5,5%.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng áp dụng biểu lãi suất huy động mới tăng 0,2%-0,3%/năm; kỳ hạn 1-2 tháng lên mức 4,8%/năm, các kỳ hạn từ 3, 4 và 5 tháng tăng lên mức từ 5,2%-5,3%/năm.

Điểm khác biệt trong lần điều chỉnh lãi suất huy động ở một số kỳ hạn lần này là sự tham gia của những “ông lớn” quốc doanh. Tại ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV), tiền gửi kỳ hạn 1 tháng được điều chỉnh lên 4,8%/năm, 2 tháng lên 5%/năm và 3 tháng là 5,2%/năm, tăng khoảng 0,3%/năm so với biểu lãi suất cũ.

Ngân hàng TMCP Công Thương (VietinBank) cũng không nằm ngoài xu hướng này khi áp dụng biểu lãi suất mới cho các kỳ hạn 1-3 tháng tăng tương đương với BIDV.

Ngân hàng Techcombank mới đây công bố biểu lãi suất mới áp dụng từ 01/07/2016, tuy nhiên chỉ điều chỉnh tăng lãi suất huy động tại một số kỳ hạn đối với khoản tiền gửi bằng JPY và SGD.

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cũng tăng nhẹ lãi suất với sản phẩm "Tiết kiệm tài lộc". Tại các kỳ hạn dài 15 tháng đến 36 tháng, nhà băng này áp dụng mức lãi suất cao hơn các kỳ hạn thường; trong đó mức lãi suất cao nhất là 8,4%/năm được áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng.

Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC), lãi suất huy động tăng chủ yếu do các ngân hàng thương mại đẩy mạnh huy động vốn trung và dài hạn nhằm cân đối nguồn vốn trước các quy định sửa đổi của Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước. Theo thông tư này, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm xuống 50% thay vì mức 60% kể từ 1/1/2017, và xuống 40% từ 1/1/2018, khiến nhu cầu vốn trung và dài hạn tăng lên đáng kể trong bối cảnh tín dụng trung dài hạn ngày càng chiếm tỷ trọng lớn.

Các ngân hàng lớn đang bị “dồn vào chân tường” bởi sự cạnh tranh của các ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ.

Các chuyên gia kinh tế, các ngân hàng thương mại đang cần nguồn vốn trung và dài hạn nên đã tăng lãi suất để thu hút nguồn tiền.

Mặt bằng lãi suất của Việt Nam dự kiến tiếp tục được giữ ổn định tới quý III/2017. Những biến động lãi suất hiện chỉ là xáo trộn nhất thời. Tuy nhiên không ít doanh nghiệp đang lo ngại trước khả năng lãi suất cho vay cũng sẽ tăng trong thời gian tới.

Hiện 70% nguồn vốn của doanh nghiệp Việt Nam là vốn vay, thay vì từ thị trường chứng động trực tiếp nếu lãi suất cho vay có biến động.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sự biến động lãi suất trong thời điểm này chỉ mang tính ngắn hạn và sẽ dần ổn định trong quý III năm nay.

Tổng hợp

Các tin khác