Nghiện game online vấn nạn xã hội nghiêm trọng

11/21/2015 8:33:49 AM
Nghiện game online đang có khuynh hướng tăng nhanh chóng mặt trên thế giới. Ngày càng có nhiều số phận đã bị game nuốt chửng cả cuộc đời. 

 

Nghiện game online đang có khuynh hướng tăng nhanh chóng mặt trên thế giới. Ngày càng có nhiều số phận đã bị game nuốt chửng cả cuộc đời. Nhiều gia đình giấu nhẹm chuyện người thân hoặc con cái nghiện game, cố tảng lờ, giảm nhẹ mức độ ảnh hưởng. Nhưng hậu quả để lại cho xã hội do chứng nghiện game và internet lại quá nghiêm trọng, không còn là vấn đề cá nhân nữa.

 

Theo thống kê của Công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường game Newzoo tại VN cho thấy VN đứng đầu Đông Nam Á, thứ sáu châu Á trong năm 2014 về doanh thu ngành game online. Năm 2015, doanh thu dự báo đạt 4.200 tỉ đồng. Song song với con số doanh thu cao ngất thì mặt trái nằm ở bài toán khó về chuyện nghiện game trong thanh thiếu niên, từ các thành phố cả lớn và nhỏ, từ nông thôn đến miền núi. “Các tiệm game online đông khách từ sáng đến tối là bức tranh phản chiếu con số thống kê kia” - một chuyên gia xã hội học nhận định.

 

Hơn nửa đêm nhưng nhiều học sinh, sinh viên vẫn không chịu rời khỏi tiệm game ở Thủ Đức, TP.HCM

 

22g đêm 16-11, P. (9 tuổi) và B. (8 tuổi) vẫn đang đánh game Liên minh huyền thoại với nhau tại một quán net ở Q.4, TP.HCM. Quen nhau từ trước nhưng khi chia phe ra đánh, P. “diệt sạch” và cười nhạo khiến B. đập bàn phím lớn tiếng với bạn. Lấy tên nhân vật là pdeptrai, P. thoăn thoắt lướt ngón tay, nhấp chuột liên tục, “phá trụ”, “triệt hạ” hết kẻ địch trong tiếng cười thích thú. Gần 23g, mẹ B. đến gọi về nhưng B. dùng dằng, tiếp tục chơi hơn tiếng nữa mới rời khỏi ghế.

 

23g10 trên đường số 41 (Q.4), ông Nguyễn Văn Bé (68 tuổi, ngụ Q.4) đi tìm cháu ngoại 16 tuổi ở tiệm net X. “Nó nghiện game từ nhỏ tới lớn rồi. Giờ lớn hơn trước thì chuyển qua nghiện Facebook nặng. Về đến nhà, nó không ăn không ngủ chỉ cắm mặt vào màn hình” - ông Nguyễn Văn Bé nghẹn ngào. Ông chia sẻ bố cháu bỏ đi từ khi cháu còn bé, mẹ cháu ở Q.7 giờ cũng xem cháu như người dưng. "Làm ông bà, chúng tôi khuyên nhủ, la mắng nó nhiều nhưng nó cứ nhất quyết không nghe".

 

Vào thời điểm cùng ngày ở làng ĐH Thủ Đức cũng có hơn mười mấy tiệm game hoạt động suốt đêm. Theo ghi nhận của chúng tôi lúc quá nửa đêm, tiệm Hero Game gần khu vực chợ đêm vẫn còn gần 30 game thủ mải mê “chiến đấu”. Các game thủ luôn dán mắt vào màn hình, đắm chìm vào các nhân vật ảo. Thỉnh thoảng lại có những tiếng chửi thề mỗi khi một game thủ bại trận hoặc đồng đội kết hợp không ăn ý. Ở quán game Ngọc Tú (khu phố 6, P.Linh Trung, Q.Thủ Đức), âm thanh của trò game chém giết vang lên đều đặn, hòa cùng lời văng tục của ai đó vừa bị “tử nạn”. Một game thủ tầm 15 tuổi nằm gục xuống bàn phím ngủ ngon lành. Đặc biệt, có xuất hiện hai game thủ nữ vẫn say sưa nhấp chuột và bấm phím, mắt nhìn lia lịa nhiều điểm trên màn hình, miệng luôn... chửi thề. Balô, cặp sách để sát bên, N.N.K., sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết: “Vừa mới thi giữa kỳ xong nên rảnh rỗi, mình tranh thủ chơi. Buổi tối chơi tới sáng rồi về phòng ngủ. Chơi nguyên đêm vậy mới phê. Nếu mệt quá thì... cúp học luôn”.

 

Nhiều số phận đã bị game online cướp mất tương lai

 

Cài đặt game chơi ở chế độ tự động, một số game thủ xếp các ghế còn trống tranh thủ chợp mắt. Một số khác không còn chỗ, đành gục mặt xuống bàn hoặc vật vờ ngủ ngửa đầu ra sau ghế. Nhắm mắt lại là hình ảnh trong game lại hiện lên. Hồi trước mình có chơi trò chơi giết người, tối ngủ nằm mơ thấy mình đang giết người. Một vài game thủ “xả” như thế nào trong game thì muốn “xả” y chang như vậy ngoài đời thực. Hậu quả có khi là tính mạng

 

Theo một điều tra viên của Công an tỉnh Đồng Nai, gần đây công an đã phải điều tra nhiều vụ trọng án giết người có liên quan đến game. Như ngày 5-11, phòng cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã bắt khẩn cấp Lê Đức Quyền (25 tuổi, quê Thanh Hóa) ngay tại phòng trọ để điều tra về các hành vi giết người và cướp tài sản với nạn nhân Nguyễn Duy Tiến (30 tuổi, ngụ huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai). Qua xác minh, người nhà nạn nhân cho biết tháng 3-2015 Tiến đi bán thẻ game nhưng không thấy về nhà. Khi liên lạc có một người đàn ông nghe điện thoại rồi tắt máy. Lần theo dấu vết và sàng lọc những người chơi game, công an khoanh vùng Lê Đức Quyền và cử trinh sát theo dõi. Hầu như giờ rỗi trinh sát đều thấy Quyền thường vào tiệm Internet chơi game, có các dấu vết của Quyền để lại trùng khớp với dấu vết ở hiện trường của nạn nhân Tiến. Tại cơ quan điều tra, Quyền khai đem xe Air Blade cướp được đến một tiệm cầm đồ cầm lấy 19 triệu đồng, còn hai chiếc điện thoại của nạn nhân Quyền cầm được 4 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này Quyền dùng để trả nợ và... chơi game!

 

Tương tự về chuyện nghiện game, công an cũng cho hay vào tháng 7-2015 đã bắt một trường hợp cướp tài sản của người đi đường, đó là Võ Nhật Nam (19 tuổi, ngụ huyện Cẩm Mỹ). Sáng 19-7, Nam đi bộ tại khu vực P.Tân Biên (TP Biên Hòa), thấy cháu V.M.N. đang đi chiếc xe đạp điện trị giá 1 triệu đồng thì Nam chặn đầu xe rồi giật lấy và đạp bỏ chạy. Sau đó Nam bán được 200.000 đồng. Khi bị bắt, Nam khai với cơ quan điều tra sử dụng số tiền bán xe đạp để... chơi game.

 

Một trường hợp ở P.An Bình, TP Biên Hòa xảy ra vào khuya 31-5, anh Phạm Xuân Trung (38 tuổi, ngụ TP Biên Hòa) đang trông coi một tiệm game thì xảy ra mâu thuẫn với nhóm thanh niên đang chơi game bắn cá tại đây. Sau lời qua tiếng lại, nhóm này rượt đánh anh Trung, một nam thanh niên dùng chai bia vỡ đâm vào cổ khiến anh Trung gục xuống đường và tử vong sau đó ở bệnh viện.

 

Tại Đồng Nai hiện thanh thiếu niên vẫn còn tụ tập ở các phòng game thâu đêm. Anh T. (nhà ở P.Hòa Bình, TP Biên Hòa) kể anh có con trai cũng nghiện game thâu đêm. Anh và gia đình khuyên đủ cách, mở mạng ở nhà để con chơi cho khỏi ra đường.“Tôi không rành về mạng nên sau này mới biết mở mạng cho nó mà không quản được là sai lầm. Nó không chỉ chơi game mà chuyển sang cá độ bóng đá trên mạng nên nhiều người đến đòi nợ. Tôi quá đau khổ và đã từng đến vài tờ báo để xin đăng quảng cáo từ con rồi nhưng họ đã từ chối” - anh T. đau khổ nói.

 

Thạc sĩ Lê Minh Công - phó trưởng khoa tâm lý học (Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP.HCM), một người từng nghiên cứu về tình trạng nghiện game ở Đồng Nai - cho biết: “Tôi gặp những trường hợp bệnh lý ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của trẻ và gia đình. Một em học sinh lớp 7 ở Trảng Bom chỉ vì mê game online mà bỏ nhà đi bụi, lang thang theo bang hội mãi gần một tháng người nhà mới phát hiện và tìm ra. Em bỏ học, ăn cắp tiền của gia đình, lang thang và ăn trộm ăn cắp để có tiền xài. Hay trường hợp một sinh viên tại Sài Gòn được học bổng ở Úc, nhưng sang đó chỉ một năm là bị trả về do nghiện game, bỏ sự nghiệp học hành đang rất rộng mở. Khi về, bố mẹ cho đi học ĐH RMIT nhưng cũng chỉ một học kỳ là phải nghỉ học, ở nhà không chịu làm gì, không chịu giao tiếp với ai. Chỉ vì không kiểm soát được mình do nghiện game mà bạn sinh viên đó đã mất đi tương lai và sự nghiệp phía trước”.

 

Một hiện trạng đáng lo ngại cho tương lai của đất nước và an ninh của xã hội. Ai cũng hiểu nhưng để đưa ra giải pháp thì quá khó khăn vì nguồn lợi kinh doanh trước mắt không ai dễ dàng bỏ qua.

 

Nghiện game online vấn nạn xã hội nghiêm trọng

Suckhoecuocsong.com.vn

Các tin khác