NHNN áp dụng biện pháp chống gian lận sau sự cố rủi ro trong hoạt động thanh toán

8/31/2016 8:14:54 AM
Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng tăng cường các biện pháp phòng, chống rủi ro, gian lận trong hoạt động thanh toán.

 

Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng tăng cường các biện pháp phòng, chống rủi ro, gian lận trong hoạt động thanh toán.

Do trong thời gian qua, một số ngân hàng đã xảy ra một vài sự cố rủi ro, gian lận trong hoạt động thanh toán nói chung, cũng như thanh toán thẻ và thanh toán điện tử nên ngày 29/8/2016, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ra văn bản số 6466 yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh, thành phố tăng cường các biện pháp phòng, chống rủi ro, gian lận trong hoạt động thanh toán.

Theo đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán rà soát, đánh giá lại toàn bộ quy trình, thủ tục, hồ sơ và hợp đồng mở, sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức mình (bao gồm cả việc mở, sử dụng tài khoản thanh toán theo phương thức truyền thống và phương thức điện tử), đảm bảo tuân thủ đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nếu có vướng mắc cần phản ánh về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để phối hợp xử lý. Cụ thể:

Đối với các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán:

+Triển khai giải pháp phát hiện, giám sát, ngăn chặn các giao dịch gian lận, đáng ngờ về thời gian, vị trí địa lý, tần suất giao dịch, hạn mức thanh toán, số lần xác thực sai hoặc các dấu hiệu bất thường khác.

+Có giải pháp phát hiện sớm các trang web lừa đảo trực tuyến để khuyến cáo cho khách hàng. Tăng cường đào tạo nhận thức về an toàn, bảo mật cho cán bộ, nhân viên và khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử.

+Thường xuyên, kịp thời đưa ra những cảnh báo, hướng dẫn và thông tin đầy đủ đến khách hàng để khách hàng nắm rõ các rủi ro, các thủ đoạn gian lận trong hoạt động thanh toán và cách sử dụng các dịch vụ an toàn…

Đối với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam:

+Nghiên cứu, truyền thông thường xuyên về những phương thức, thủ đoạn gian lận trong hoạt động thanh toán nói chung, thanh toán thẻ, thanh toán điện tử để các ngân hàng và khách hàng chủ động có các biện pháp bảo đảm an toàn, nhằm hạn chế thấp nhất các rủi ro, gian lận có thể xảy ra.

+Tổ chức các hội thảo mời chuyên gia nước ngoài và trong nước giới thiệu về những thủ đoạn gian lận mới và giải pháp nâng cao an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán.

Đối với Cơ quan Thanh tra:

+Thống đốc yêu cầu đưa nội dung thanh tra về công nghệ thông tin trong hoạt động thanh toán vào chương trình thanh tra, kiểm tra định kỳ để tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động thanh toán nói chung, thanh toán thẻ, thanh toán điện tử của các ngân hàng.

+Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thường xuyên phối hợp với Vụ Thanh toán và Cục Công nghệ tin học nắm bắt thông tin về các thủ đoạn gian lận và kịp thời chỉ đạo các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán nâng cao cảnh giác, phối hợp chặt chẽ với cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc phòng, chống tội phạm trong hoạt động thanh toán nói chung, thanh toán thẻ, thanh toán điện tử.

+Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần báo cáo kịp thời Ngân hàng Nhà nước khi phát hiện các vụ việc liên quan đến an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán nói chung, thanh toán thẻ, thanh toán điện tử trên địa bàn.

Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh các khó khăn, vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Thanh toán, Cục Công nghệ tin học) để phối hợp xử lý.

Tổng hợp

Các tin khác