Những con người vẫn còng lưng chịu rét để kiếm sống

1/27/2016 9:49:12 AM
Hà Nội vẫn lạnh 6-7 độ C, cộng với mưa to, ẩm ướt khiến cái rét buốt ngấm thêm vào da thịt. Nhưng tại các bệnh viện, trên đường phố, nhiều người vẫn còng lưng chịu rét để chăm người ốm hoặc cần mẫn kiếm sống.

 

Quan trọng là người nhà bình an

 “Mình là đàn ông nên vất vả, rét buốt đến đâu cũng chịu được. Quan trọng là hai mẹ con ấm áp, được mọi sự bình an”. Đó là chia sẻ của anh Nguyễn Văn Thành (xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) khi đưa vợ đi thăm khám thai bị dị tật tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư ngày 26.1. Dù lạnh nhưng anh chỉ mặc phong phanh áo khoác mỏng. Anh bảo để tiện chạy qua chạy lại, còn phải dìu vợ đi cho an toàn, chứ hai vợ chồng đều dày cộp quần áo, di chuyển khó khăn.

Không quản ngại thời tiết rét đậm rét hại kèm theo mưa rào, nhiệt độ Hà Nội thấp nhất vào khoảng 6-7 độ C, nhiều bệnh nhân và người nhà đã rời quê ra thành phố từ 3 - 4 giờ sáng để  kịp khám bệnh. Để có mặt làm thủ tục lấy máu làm xét nghiệm điều trị căn bệnh ung thư vú, tại Bệnh viện K (43 Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm) vào lúc 7 giờ sáng, cô Bùi Thúy Liễu (50 tuổi, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hồng Bàng, Hải Phòng) phải dậy từ 4 giờ. “Công việc cuối năm bận rộn, tôi phải tranh thủ khám trong ngày để kịp giờ ra bến xe về Hải Phòng ngay. Bị bệnh vẫn phải thu xếp làm việc chuẩn bị đón tết. Dù đã mặc 2 chiếc áo khoác, 3 cái áo len, đến nơi vẫn rét run bần bật”  - cô Liễu cho hay.

Những chiếc ghế dài, chiếc áo khoác trở thành chăn, giường cho những người chăm bệnh. Trên hàng ghế ngoài hành lang của Bệnh viện K, anh Nguyễn Văn Hùng (quận Hoàng Mai, Hà Nội) tranh thủ ngả lưng vì hơn một tháng nay ngày nào anh cũng phải dậy từ 5 giờ để đi chăm mẹ điều trị bệnh ung thư cổ tử cung. Anh Hùng bảo: “Chưa năm nào thời tiết khắc nghiệt như năm nay. Mình đi xe mà buốt tay không đi nổi. Vào đến bệnh viện kín đáo, đỡ gió lạnh mới ngủ được một lúc. Sau khi mẹ truyền hóa chất xong, mình sẽ về qua nhà và tối tiếp tục vào với mẹ. Dù vất vả, rét mướt đến mấy cũng không cực bằng mẹ mình đang phải chịu đựng bệnh tật”.

Cũng vì thời tiết rét buốt, những bệnh nhân được mổ và điều trị bị ảnh hưởng khiến vết thương trở nên khó chịu, đau nhức. Việc chăm sóc, động viên của người nhà bệnh nhân càng phải kỹ lưỡng và chu đáo hơn. Có mặt tại Bệnh viện Việt Đức lúc 7 giờ sáng để làm thủ tục cho con trai đi mổ khối u não, ông Nguyễn Văn Nhã (54 tuổi, thị trấn Việt Yên, Bắc Giang) thấp thỏm không yên. “Lạnh giá thế này người bình thường còn không chịu được nữa là người bệnh. Tôi lo lắng sợ con mổ xong, trời vẫn rét sẽ ảnh hưởng nhiều đến vết thương” – ông Nhã bày tỏ.

Sợ hỏng hàng hơn sợ ốm

Ngồi thu lu trên vỉa hè phố Kim Mã, bà Trần Thị Thảo (51 tuổi, quê huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên) lạnh cóng bên đống hàng mã phục vụ tết. Nhìn trời mưa rả rích, không giấu được vẻ lo lắng, bà Thảo nói: “Tôi buôn bán hàng mã nhiều năm rồi, trời có rét thế nào cũng được, nhưng mưa thế này thì sợ lắm. Cả cái tết, tôi chỉ trông vào mấy bộ hàng mã này. Gặp mưa thì hỏng hết”.

Bà Thảo cho biết, bình thường bà bán hàng rất chạy nhưng mấy hôm nay mưa rét, ai cũng vội, chẳng ngó ngàng gì đến hàng của bà. Để ra đường đi bán hàng, bà Thảo phải mặc thêm mấy cái áo gió chống rét, còn khoác thêm một cái áo mưa vào để chắn gió, bà cho biết: “Có mặc áo dầy bao nhiêu lúc gánh hàng cũng nóng, nhưng ngồi vỉa hè, chỉ cần 2 cơn gió thốc tới là lạnh thấu xương, nên cứ phải khoác áo mưa vào, vừa ấm, vừa gặp mưa thì chạy luôn cho tiện” – bà giãi bày. Nhưng ngoài trời lạnh không bằng nỗi lo trong lòng bà, cứ rét thêm vài ngày nữa, gánh hàng mã rong của bà chắc ế. Đồ ông Công ông Táo một năm chỉ bán được một lần, nên bà lo lắm. Đi chợ cả ngày không kiếm đủ 100.000 đồng để trả tiền nhà trọ và ăn cơm, tết này chắc gia đình bà không có tết.

 Mặc dù trời vẫn đang mưa lạnh cắt da cắt thịt nhưng chị Nguyễn Thùy Dung (43 tuổi), nhân viên Công ty Môi trường Hà Nội vẫn miệt mài phơi mặt ngoài đường. Chị cần mẫn gom những đống rác trên đường Tây Sơn vào thùng chứa để đợi xe chở rác tới.

Chị Dung cho biết, trời rét người dân ngại đi nên vứt rác lung tung. Mấy ngày này lại đúng những ngày thi đua cao điểm chào mừng Đại hội Đảng XII và sắp đến Tết Nguyên đán nên nhân viên vệ sinh môi trường như chị càng phải hoạt động nhiều để đảm bảo không có rác trên đường.

“Nếu như thợ xây, thợ trồng hoa, chặt cây mưa có thể nghỉ, thì những người làm công tác vệ sinh thu gom rác chúng tôi không bao giờ được nghỉ. Chỉ cần chúng tôi không làm việc một ngày, thành phố sẽ gập trong rác. Do vậy dù trời mưa rét, bản thân tôi và nhiều chị em khác vẫn phải khoác áo mưa, đi ủng, đeo găng tay vào làm việc bình thường. Kể cả những hôm trực đêm nhiệt độ 4-5 độ C cũng vậy” – chị Dung chia sẻ.

Suckhoecuocsong.com.vn (Theo Dân Việt)

Các tin khác