Những nghịch lý về xe cộ ở Việt Nam

3/10/2015 10:46:08 AM
Trong lĩnh vực giao thông và xe cộ ở Việt Nam tồn tại những “quy luật” khá ngược đời, đi ngược với xu hướng chung của thế giới.

 

 

Mua siêu xe về… đắp chiếu

 

Trong tình cảnh nhiều người “mò chẳng ra” thì nhiều đại gia “ăn không hết” lại tậu về những chiếc siêu xe trị giá hàng chục tỷ đồng mà chỉ sau một thời gian xuất hiện rình rang, chúng lại bị "đắp chiếu", gần như không được sử dụng.

 

Điển hình như chiếc siêu xe đắt nhất Việt Nam hiện tại – chiếc Bugatti Veyron của một đại gia ở TP.HCM. Là một trong những siêu xe đắt nhất, nhanh nhất tại Việt Nam, nên không có gì ngạc nhiên khi mỗi lần xuất hiện trên phố, Bugatti Veyron đều bị để ý và đưa vào “tầm ngắm”. Tuy vậy, kể từ năm 2012 đến nay, người ta mới chỉ chứng kiến chiếc xe này ra đường tổng cộng… 4 lần và giành hầu hết thời gian nằm “đắp chiếu” trong gara xe của đại gia này bên cạnh những siêu xe triệu đô khác. Chỉ đến gần đây khi chiếc Veyron xuất hiện trong một bộ phim về đề tài tốc độ tại Việt Nam, người ta mới được chứng kiến nó nhiều hơn.

 

 

Chiếc Bugatti Veyron nằm im lìm trong một góc gara xe triệu đô.

 

Lý giải cho điều ngược đời này, nhiều người cho biết phần lớn các đại gia không coi siêu xe là phương tiện di chuyển tại Việt Nam vì điều kiện giao thông, đường xá, nhiên liệu, dịch vụ sửa chữa tại Việt Nam không phù hợp. Đối với những người “không có gì, chỉ có… tiền” như họ, chiếc siêu xe có ý nghĩa về tinh thần, có ý nghĩa thể hiện đẳng cấp nhiều hơn.

 

Cũng cần lưu ý thêm, tuy nước ta được xếp vào diện nghèo trên thế giới nhưng số lượng siêu xe lại ngang bằng với lượng siêu xe tại các nước đã phát triển.

 

Mua xe để bán - không phải để đi

 

Các đại gia là vậy, còn người trẻ thì làm việc, phấn đấu, kiếm tiền để mua xe hơi với ý nghĩa… đúng là mua xe hơi – để tránh mưa nắng, an toàn cho gia đình, bản thân hơn khi đi xe máy. Xuất phát thì ai cũng nghĩ như thế, nhưng thực tế thì dường như ngược lại.

 

Trên các diễn đàn, trang báo có rất nhiều những câu hỏi dạng nên mua xe nào, và những câu trả lời tư vấn đều rất hợp lý, nhưng cuối cùng lại khác xa thực tế. Chẳng hạn chọn SUV giá trên một tỷ. Tư vấn trên mạng phần lớn bảo mua Mitsubishi Pajero Sport thay vì Toyota Fortuner. Nhưng khi mua thì đảo ngược, lấy Fortuner bởi lý do muôn thuở "mua xe Toyota sau này bán lại được giá hơn ông ạ". Khi đó, ý nghĩ đầu tiên trong đầu họ không phải “mua xe này thì thế nào” mà lại thành “mua xe này rồi bán lại sẽ thế nào, có được giá không?”.

 

 

Nhiều người chọn xe với tiêu chí “xe bán lại được giá nhất” chứ không phải vì độ hài lòng của bản thân.

 

Chỉ một số nhỏ người mua không quan tâm đến giá trị bán lại, mà thực sự quan tâm tới cảm giác của mình. Có thích thiết kế đó không, xe đó cảm giác lái có "sướng" không. Nếu cứ chạy theo thương hiệu và giá trị bán lại, có lẽ khó có hãng xe nào vượt mặt xe Nhật tại Việt Nam, đặc biệt là Toyota.

 

Cứ xe to phải đền xe bé

 

Xe càng hiện đại -văn minh càng phải tránh và nhường đường cho xe thô sơ. Thêm nữa, xe càng hiện đại - văn minh càng phải đền nhiều tiền cho xe thô sơ khi chẳng may bị va quệt - bất luận lỗi tại ai. Nghe có vẻ khó tin nhưng đó là luật bất thành văn ở giao thông Việt Nam. Các nhân chứng sau một hồi sẽ quay lý lẽ về xe bé. Người dân Việt Nam vẫn chưa thể xây dựng được thói quen đi đúng luật. Có tai nạn là xúm đông xúm đỏ, tin tức lan truyền chóng mặt. Vừa mới bảo "xe máy đi sai" nhưng lòng vòng thành ra xe máy đúng. Bởi thói quen bênh người yếu thế.

 

Ở nước ngoài, nếu đi bộ sang đường không đúng nơi, đúng luật, ôtô đâm thẳng mà không mắc tội hay đền bù.

 

Ý thức tùy phương tiện

 

Người không tuân thủ luật lệ đã đành, sợ nhất là những người lúc thế nọ, lúc thế kia. Khi lái ôtô thì giảng dạy không được lấn làn, tạt đầu, chạy quá tốc độ... Nhưng cũng chính người đó khi xuống đi xe máy thì nhảy vào làn ôtô, chạy xe không đội mũ bảo hiểm... Chẳng lẽ chỉ khi đi ôtô mới phải tuân thủ pháp luật?

 

Nước ta đã phải rất vất vả mới chuyển được nền “văn hóa giao thông xe đạp” sang “văn hóa giao thông xe máy”, nhưng để chuyển được sang nền “văn hóa giao thông ô tô” thì có lẽ… còn phải đợi dài.

 

 

Văn hóa giao thông là một vấn đề cần được quan tâm đúng đắn.

 

Bản thân tác giả đã từng gặp nhiều người, khi đi ô tô thì “xe này thế nọ, xe này thế kia”, rồi “xe máy Việt Nam chạy như chạy loạn, chẳng ra đâu vào đâu” nhưng chính những người đó khi đi xe máy thì chạy xe như những “yêng hùng”, vô lề vô thói. Cũng có nhiều người, khi biết đi ô tô bắt đầu nhận ra mình đi xe máy vô tổ chức như thế nào, sai ở đâu rồi có những động thái sửa đổi, nhưng đó chỉ là số nhỏ.

 

Hiện tại, rất nhiều nhà sản xuất ô tô, điển hình là Toyota Việt Nam, đang đẩy mạnh các phong trào tuyên truyền văn hóa giao thông, đặc biệt là trong lớp trẻ, để xây dựng một xã hội giao thông lành mạnh, lịch thiệp trong tương lai.

 

Muốn có ngành công nghiệp ô tô … nhưng không khuyến khích sử dụng ô tô

 

Trước kia có rất nhiều ý kiến tranh luận sôi nổi về việc có đường rồi mới khuyến khích sử dụng ô tô hay cứ khuyến khích sử dụng ô tô rồi làm đường rộng ra theo, kết quả cuối cùng là “chẳng đâu vào đâu”. Ta đã chi rất nhiều tiền thuê tư vấn, đầu tư mới và làm rộng rất nhiều con đường, nhưng thực sự chúng chỉ “rộng” với xe đạp, xe máy mà thôi, còn nếu thêm ô tô vào thì lại thành bất cập. Cơ sở hạ tầng đã vậy, người dân muốn kiếm một chiếc ô tô cũng không phải dễ. Trước đây, thuế nhập khẩu ô tô của chúng ta từng ở mức cao ngất ngưởng cùng với các loại thuế khác cộng vào khiến chiếc xe khi về đến Việt Nam đội giá lên 2 đến 3 lần giá trị tại thị trường xuất khẩu. Rất nhiều người khi được hỏi trả lời rằng muốn thì muốn mua, nhưng … giá nó không cho mình mua. Thêm vào đó, các dịch vụ bên ngoài liên quan đến ô tô cũng có giá không phải thấp và số lượng, chất lượng cũng chưa được nhiều, tốt. Đơn cử như chỗ đỗ xe, gửi xe ô tô, có nhiều nơi phải kiếm mòn con mắt mới ra.

 

 

Ngành công nghiệp ô tô nước ta rất được khuyến khích phát triển nhưng vẫn còn nhiều bất cập.

 

Thậm chí nói ngay đến ngành công nghiệp ô tô, đến các chính sách chúng ta đặt ra cũng có nhiều điểm không hợp lý lắm khi so với các nước trong khu vực. Chẳng hạn như Thái Lan, họ đưa ra chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô rất rõ ràng với các giải pháp hỗ trợ ổn định, lâu dài. Còn tại Việt Nam, các chính sách hỗ trợ cứ thay đổi qua từng văn bản được đưa ra, khiến các công ty, nhà sản xuất không biết đường nào mà lần, khiến cho họ không dám đầu tư mạnh mẽ, lâu dài.

 

Ngoài những nghịch lý trên, tại nước ta có lẽ còn tồn tại nhiều điểm nghịch lý khác nữa. Hy vọng rằng trong tương lai gần, văn hóa giao thông ở nước ta sẽ sớm được nhanh chóng phát triển tương xứng với sự phát triển của đất nước trong thời kỳ hội nhập và cũng hy vọng rằng loại phương tiện được coi là “xa xỉ” này sẽ được trợ giúp (bằng nhiều cách) để người dân có thể sở hữu một chiếc dễ dàng hơn mà không phải bận tâm quá nhiều điều.

 

Quang Phong - Skcs.vn (tổng hợp)

Các tin khác