Phòng và điều trị bệnh thủy đậu

3/5/2015 2:45:00 PM
Thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm do virút Varicella zoster gây ra. Bệnh lây qua đường hô hấp nên khả năng lây truyền bệnh là rất nhanh. Nếu không cẩn trọng khi bị thủy đậu có thể gây ra những biến chứng vô cùng nguy hiểm.

 

Biểu hiện của bệnh này cũng rất dễ nhận ra: bệnh nhân bị sốt vài ba ngày và nổi nốt sần đỏ khắp cơ thể… Mặc dù là bệnh lành tính nhưng nếu không cẩn trọng, người bệnh rất có thể gặp biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là trẻ em. Chính vì vậy, hiểu được bản chất của bệnh để tìm ra cách phòng ngừa cũng như điều trị là hết sức cần thiết.

Tiêm phòng là biện pháp tốt nhất để phòng tránh bệnh thủy đậu.

Cách đề phòng

Nên tránh xa người bệnh đang bị thủy đậu để tránh sự lây truyền. Tuy nhiên, điều này cũng không tuyệt đối tránh được bệnh vì người bị nhiễm bệnh ngay từ trước khi có các triệu chứng của bệnh khoảng 24 giờ đã có thể truyền bệnh cho người khác rồi.

Do đó, điều tốt nhất là hãy đi tiêm phòng, nhất là trẻ em. Thuốc tiêm phòng thủy đậu Varilrix đã được nhập vào nước ta. Tất cả trẻ em từ 9 tháng tuổi trở lên và người lớn đều có thể chích ngừa với loại thuốc này. Song song với các biện pháp phòng bệnh, cần có chế độ dinh dưỡng thật tốt để nâng cao sức đề kháng.

Cách điều trị

Trước hết, phải cách ly người bệnh để phòng lây lan cho đến khi tất cả các mụn nước đã đóng vảy. Khi người bệnh sốt cao, cần dùng thuốc hạ nhiệt như paracetamol, uống thuốc an thần chống co giật như gardenal, canxibromua 3%... và chống ngứa bằng các thuốc kháng histamin như dimedrol 1%. Khi có bội nhiễm thì phải dùng kháng sinh thích hợp kèm các loại vitamin bổ sung.

 

Ở người khỏe mạnh, có thể dùng các thuốc kháng virút như acyclovir, valacyclovir, famcyclovir… có tác dụng trong vòng 24 giờ sau khi bệnh khởi phát. Để có tác dụng tối ưu trên những bệnh nhân suy giảm miễn dịch, các thuốc kháng virút cần phải sử dụng trong vòng 24 - 72 giờ sau khi xuất hiện triệu chứng. Khi nốt phỏng vỡ, chỉ nên bôi thuốc xanh metilen; tuyệt đối không được bôi mỡ Tetraxiclin, mỡ Penixilin hay thuốc đỏ và không được tự ý dùng thuốc kháng sinh.

Hãy cho người bệnh đi khám ngay nếu thấy đột nhiên sốt cao và có một số biểu hiện lạ khác.

Mọi trường hợp nhất thiết phải được bác sĩ thăm khám chỉ định và hướng dẫn cụ thể. Khi thấy người bệnh đột nhiên sốt cao hoặc nốt phỏng mọc dày chi chít, chảy nước mắt tự nhiên, sợ ánh sáng, cần cho người bệnh đi khám bệnh ngay.

Bên cạnh đó, cần lưu ý một số vấn đề khi chăm sóc bệnh nhân như sau:

-  Cho bệnh nhân nằm buồng thoáng, tránh gió lùa, đề phòng biến chứng;

-  Vệ sinh răng miệng bằng nước muối sinh lý, dung dịch acid boric 1%;

-  Vệ sinh da: giữ cho da khô sạch, hạn chế gãi, tránh gây nhiễm trùng tại những nốt đậu. Các nốt loét phải chấm dung dịch xanh metylen hoặc thuốc tím 0,25%;

-  Mặc quần áo mềm, sạch; bảo đảm dinh dưỡng và chỉ sử dụng thức ăn lỏng, ấm, đủ chất, đủ calo.

An Nguyên - suckhoecuocsong.vn

Các tin liên quan

Các tin khác