Sự tích Tết ông Công ông Táo 23 tháng Chạp

2/11/2015 11:32:53 AM
Hãy chúng tôi tìm hiểu sự tích ông Công ông Táo được bắt đầu ra sao và ý nghĩa của ngày Tết ông Công ông Táo theo phong tục truyền thống của người Việt là như thế nào trong bài viết dưới đây.

 

 

Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam và Trung Quốc, ông Công ông Táo được xem là vị Thần cai quản việc bếp núc trong mỗi gia đình. Hàng năm, mỗi khi năm hết Tết đến, vào ngày 23 tháng chạp Âm lịch, các gia đình thường làm cơm cúng, dâng lễ vật tiễn đưa ông Táo về trời. Sự tích này bắt nguồn từ thời xa xưa, từ những câu chuyện mà dân gian lưu truyền từ đời này qua đời khác…

 

Sự tích ông Công ông Táo

 

 

Theo tín ngưỡng dân gian Việt Nam thì Táo Quân có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc nhưng được Việt hóa thành huyền tích “2 ông 1 bà” - vị thần Đất, vị thần Nhà và vị thần Bếp núc. Tuy vậy, người dân vẫn quen gọi chung là Táo Quân hoặc Ông Táo do kết quả của thuyết tam vị thất thế (thuyết Ba ngôi) khá phổ biến trong các tín ngưỡng, tôn giáo. Bếp là bản nguyên của nhà khi người nguyên thủy có lửa và đều dựa trên nền móng là đất. Ở Việt Nam, sự tích Táo Quân được truyền khẩu, rồi ghi chép lại như sau:

 

Ngày xưa có hai vợ chồng nhà nọ rất nghèo khổ. Chồng tên là Trọng Cao, vợ là Thị Nhi. Họ lấy nhau đã lâu mà không có con nên thường buồn phiền cãi lẫy với nhau. Một hôm, Trọng Cao quá tức giận mà đánh vợ. Tức mình, Thị Nhi bỏ nhà ra đi rồi gặp một chàng trai là Phạm Lang, anh này đã dùng lời ngon ngọt và khéo léo quyến rũ được Thị Nhi. Hai người ăn ở với nhau thành vợ chồng. Khi Trọng Cao hết giận, thấy vợ bỏ đi mất, liền đi tìm kiếm khắp nơi nhưng không thấy tăm hơi, buồn rầu bỏ công ăn chuyện làm, ra đi làm người hành khất để đi tìm vợ.

 

Một hôm, Trọng Cao đến một nhà khá giả xin ăn, bà chủ nhà đem cơm ra cho. Thì ra đó là Thị Nhi. Hai người nhận ra nhau, tình xưa nghĩa cũ dễ nào quên. Thị Nhi hối hận vì đã lấy Phạm Lang. Họ đang hàn huyên thì bất ngờ người chồng mới là Phạm Lang từ ngoài đồng đi làm về, Thị Nhi mới bảo Trọng Cao vào ẩn trong đống rơm. Phạm Lang về nhà cốt để lấy tro bón ruộng nên đã đốt đống rơm lấy tro. Trọng Cao đang say ngủ trong đống rơm vì đường xa mỏi mệt nên bị chết cháy. Người vợ cũ là Thị Nhi thấy vậy cũng lao vào lửa chết theo. Phạm Lang thấy vợ chết cũng lao mình vào đống rơm đang cháy ấy mà chết.

 

 

Cũng có tích khác: Sau khi Thị Nhi lấy Phạm Lang, một hôm trong nhà cúng đốt mã ngoài sân, có một hành khất vào ăn xin. Thị Nhi nhận ra người chồng cũ của mình, động lòng thương đem gạo ra cho. Bị Phạm Lang nghi ngờ, Thị Nhi lấy làm xấu hổ đâm đầu vào đống lửa đang đốt mã mà tự tử. Trọng Cao cảm tình ân nghĩa cũng lao vào lửa mà chết theo, Phạm Lang vì mối tình thương vợ, cũng nhảy vào cùng chết.

 

Thượng đế thấy ba người có nghĩa mới phong cho làm Táo Quân và phân chia mỗi người một việc:

 

-  Phạm Lang là Thổ Công trông lo việc bếp.

 

-  Trọng Cao là Thổ Địa trông nom việc nhà.

 

-  Thị Nhi là Thổ Kỳ trong nom việc chợ búa.

 

Ngoài ra còn có tích: Hai vợ chồng nghèo, chồng đi buôn, vợ làm ruộng nên chồng thường xa nhà thỉnh thoảng mới về, đôi khi đi suốt năm mới về. Rồi một chuyến đi biền biệt không tin tức, không tiền bạc gửi về. Người vợ chờ cả 10 năm vẫn biệt tích. Sau đó, người vợ lấy một người chồng khác làm nghề săn bắn, người này có nuôi một đầy tớ.

 

Một hôm, chồng mới và đầy tớ đi săn vắng nhà, đột nhiên người chồng cũ trở về và cho biết sở dĩ đi biền biệt là vì gặp giặc bắt lưu lạc trong rừng nay mới trốn thoát về được. Người vợ chỉ còn biết ôm chồng cũ khóc than và dọn cơm rượu mời ăn. Khi chồng mới sắp về, người vợ đưa chồng cũ ra đống rơm ẩn tạm. Chủ và tớ đi săn về được một con cầy. Chồng giục vợ đi sắm mọi thứ để làm một bữa.

 

Trong khi người vợ đi vắng, người chồng và đầy tớ đốt đống rơm để thui cầy. Lửa vô tình đốt cháy người chồng cũ đang ngủ say. Giữa lúc đó, người vợ về thấy thế, rất đau đớn, tự cảm thấy như thể vì mình mà chồng cũ chết nên nhảy vào đống lửa chết theo. Người chồng mới thương tiếc vợ, cũng đâm đầu vào lừa. Người đầy tớ vừa thương chủ vừa hối hận vì chính tay mình đã châm lửa thiêu chết người cũng nhảy nốt vào lửa chết theo.

 

Ba vợ chồng sau đó được Diêm Vương cho hóa làm ba ông đầu rau. Còn người đầy tớ được hóa làm đồ dùng chặn đống nhấm. Trong tranh vẽ Táo quân, ta cũng thường thấy vẽ người đầy tớ có nghĩa đứng cạnh ba người.

 

Ý nghĩa Tết ông Công, ông Táo

 

 

Cả ba tích truyện tuy có nhân vật hoàn cảnh khác nhau nhưng đều có một điểm chung là những nhân vật đều sống có tình có nghĩa. Người Việt xưa không bao giờ có thể chấp nhận việc đa phu, một bà hai ông. Người ta thường chỉ trích “Thế gian một vợ một chồng, không như vua bếp hai ông một bà”. Như vậy, điều mà tích truyện nhắc tới, đó không phải là cái lý mà là tình nghĩa phu thê, sống chết cùng nhau.

 

Người Việt quan niệm rằng, ba vị Thần Táo định đoạt phúc đức cho gia đình. Phúc đức này được tạo nên từ những việc làm đúng đạo lý của gia chủ và người trong nhà. Ngoài ra, các vị Táo còn ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ vào thổ cư, giữ bình yên cho mọi người trong nhà.

 

Hàng năm, đúng vào ngày 23 tháng Chạp, Táo quân sẽ lên thiên đình để báo cáo mọi việc lớn nhỏ trong nhà của gia chủ với Thượng Đế hay Ông Trời. Đây được gọi là phong tục thờ cúng ông Công, ông Táo.

 

Vì Táo quân quanh năm chỉ ở trong bếp, biết hết mọi chuyện trong nhà cho nên để Vua Bếp phù trợ cho gia đình được nhiều điều may mắn trong năm mới, mọi người thường làm lễ tiễn đưa ông Táo về chầu Trời rất trọng thể. Đến trưa 30 Tết, ông Táo lại có mặt ở hạ giới để tiếp tục công việc.

 

An Nguyên - Skcs.vn (Tổng hợp)

Các tin khác