Trăn trở cho kì thi 'vượt vũ môn' của… học sinh tiểu học

4/18/2015 2:52:41 PM
Những tưởng chỉ những kì thi tốt nghiệp THPT hay tuyển sinh ĐH làm đau đầu các bậc phụ huynh cho tương lai con em mình thì hiện nay ngay cả thi đầu vào lớp 6 cũng là cả một mối lo lắng, trăn trở.

 

 

Tại cuộc họp mới đây giữa Sở GD&ĐT Hà Nội với các trường THCS có phương án tuyển sinh riêng, các ý kiến đều thống nhất tuyển sinh lớp 6 sẽ xét tuyển hồ sơ và dựa vào bài kiểm tra năng lực hoặc đo chỉ số IQ, EQ.

 

Đánh giá ưu điểm của hình thức thi tuyển mới

 

ThS Lê Thị Lan Anh, Phó Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục và Trí Tuệ Việt đã chia sẻ ý kiến trước quyết định của sở GD&ĐT Hà Nội: “ Với những bài thi dạng này, có ưu điểm là học sinh tiểu học sẽ có nhiều thời gian trải nghiệm tuổi thơ là “cày mặt” đi ôn luyện từ năm lớp 3. Thứ 2, không thi các môn văn hóa thì con trẻ sẽ có cơ hội tiếp cận phạm vi kiến thức rộng hơn, đa lĩnh vực hơn, không cần quá chăm chăm “học gạo” môn Toán và Tiếng Việt nữa. Ngoài ra, các em không còn bị áp lực thi cử.”

 

Hạn chế của hình thức thi IQ, EQ

 

 

Trước hết là sự đột ngột trong việc công bố hình thức xét tuyển theo đề IQ, EQ. Học sinh chắc chắn sẽ ở trạng thái bị động, không có thời gian ôn luyện và kinh nghiệm làm bài. Thứ hai, cho đến thời điểm hiện tại vẫn chứ hề có một tài liệu chính thức hay các đề tham khảo để luyện đề thi IQ, EQ cho học sinh lớp 5 để học sinh chủ động ôn luyện. Các bậc phụ huynh bỗng trở nên “lạc hướng” trước việc lựa chọn trung tâm ôn luyện cho con em mình.

 

Mối lo ngại của các bậc phụ huynh

 

Tuy nhiên việc thay đổi hình thức thi tuyển trắc nghiệm kiểm tra chỉ số IQ, EQ để xét tuyển một cách đột ngột đã khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng. Trước đó họ đã đầu tư rất nhiều cho con ôn luyện các môn văn hóa theo dạng đề cũ. Anh Hải – phụ huynh trường TH Khương Thượng (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Tôi muốn cho cháu vào học trường THCS Cầu Giấy nhưng thấy phương án của trường chủ yếu xét học bạ và giải thưởng thấy rất buồn. Nhưng giờ không kịp thay đổi nữa và cũng không để con quá khổ sở nên cứ để cháu theo học ở trung tâm luyện thi đã học 2 năm nay”. Tương tự, chị Hương một phụ huynh khác chia sẻ: “Điều mà nhiều PHHS lo nhất hiện nay là nếu bỏ thi tuyển THCS bằng môn văn hóa thì các trường trên có đảm bảo chất lượng đầu vào”. “Tới đây, liệu có tình trạng PHHS chạy điểm đẹp từ bậc tiểu học để hy vọng lên cấp 2 con được vào học tại trường chuyên, lớp chọn không?” - chị Thư đặt câu hỏi.

 

Giải pháp “tình thế” cho vấn đề thi cử mang tính “tình thế”

 

ThS. Lê Thị Lan Anh chia sẻ phương án giải quyết vấn đề nan giải cho thực trạng thi tuyển lớp 6:” Theo tôi, cần phải công khai dạng đề mẫu cho học sinh làm quen trước. Từ đó, các phụ huynh sẽ căn cứ đề mẫu đó để chủ động tìm các bài tương tự cho con em làm. Đây cũng là cách cho học trò chủ động hơn, tự tin hơn khi bước vào phòng thi, tránh tâm lí căng thẳng không đáng có.

 

Tôi nghĩ nên lùi thời gian thi ít nhất 1 tháng so với thời gian cũ mọi năm, điều này để học sinh có thêm thời gian làm quen với dạng đề mới. Đây cũng chỉ là giải pháp tình thế để “ứng phó” với giải pháp cũng mang tính “tình thế” của các trường. Ngoài ra, các phụ huynh cũng nên trao đổi với con về việc thay đổi đề thi, giải thích cho con những khác biệt giữa hai dạng đề ở mức độ đơn giản nhất đề con hiểu, bước vào trường thi một cách thoải mái nhất, thư thái nhất. Như vậy, chúng ta sẽ giảm một phần áp lực bài thi cử cho các con.”

 

Trước mắt là kì thi tuyển sinh vào lớp 6, các phụ huynh không ngừng đưa con vào các lò luyện IQ và EQ để “chống trượt” cho kì thi khó khăn. Vấn đề nan giải đang chờ lời giải đáp từ sở GD&ĐT Hà Nội.

 

An Đào - Skcs.vn (tổng hợp)

Các tin khác