Tránh hạn hán học sinh bỏ học, người dân bỏ xứ

6/16/2015 3:55:14 PM
Tại nhiều xã miền núi của huyện Ninh Phước, Ninh Thuận, người dân đang phải sống những ngày vô cùng khó khăn do thiếu nước dẫn đến những hậu quả như học sinh bỏ học còn người dân thì bỏ xứ ra đi.

 

 

Nước ở đây hiện có giá khá cao, hầu hết đồng bào người dân tộc thiểu số phải ngược về đồng bằng, mua nước với giá 50.000 đồng/m3. Mỗi lần mua nước sinh hoạt cho khoảng 5 thành viên trong gia đình và nước cho cừu uống cũng phải mất tới cả triệu bạc.

 

Người dân lo lắng rằng với tình hình hạn hán nắng gắt như thế này họ khó mà trụ nổi trong vòng 2 - 3 tháng nữa.

 

"Trong thời gian tới, nếu không có mưa chắc đàn cừu của tôi cũng sẽ còn lèo tèo vài chục con thôi. Hiện tại được hơn trăm con nhưng không đủ nước để cho chúng uống. Nếu đi mua nước mà không có cỏ cho ăn thì cừu cũng chết. Thiệt hại về kinh tế của gia đình tôi đang ngày càng tăng lên khi thời tiết vẫn cứ tiếp tục khắc nghiệt như thế này" - Anh Đặng Thành Sỹ 36 tuổi trú tại xã An Hải, huyện Ninh Phước chia sẻ.

 

 

Đất đai khô cằn giữa nắng hạn.

 

Không những nước đắt đỏ, tốn kém mà quãng đường đi mua nước của họ cũng khá là gian nan. Do đường nhiều đất đá nên nước bị văng ra ngoài gây hao hụt khá nhiều khi về được đến nhà, chưa kể có những đoạn đường từ nhà đến nơi lấy nước do nhà máy cung cấp phải mất khoảng 1 giờ đồng hồ.

 

Nhiều nơi vì để tiết kiệm, người dân đành phải đào giếng, tìm nguồn nước ngầm ít ỏi còn đọng lại dưới lòng đất của con suối khô hạn. Tuy nhiên tìm được mạch nước ngầm đã khó khăn, nhưng khi tìm ra thì bơm tầm hơn 20 phút lại hết nước. Để có nước trở lại ở giếng bơm phải, chờ đợi hàng giờ. Khổ sở hơn, nguồn nước ngầm này thường có bùn kèm theo nhưng họ vẫn phải chấp nhận dùng nó cho sinh hoạt.

 

 

Các con suối nguồn nước tưới tiêu chính của người dân nay khô cạn, trơ trọi.

 

Những hệ lụy của nắng nóng hạn hán

 

Học sinh bỏ học

 

Sở GD - ĐT tỉnh Ninh Thuận cho biết, đã có hơn 200 học sinh ở các huyện chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do thiên tai hạn hán gây ra gồm Ninh Hải, Ninh Sơn, Bác Ái, Thuận Nam và Thuận Bắc bỏ học, hiện nay con số này vẫn tiếp tục tăng lên.

 

Anh Hớ Văn Mươi (35 tuổi, Ninh Cương, huyện Ninh Hải) ngậm ngùi tâm sự: "Tụi nhỏ vừa mới nghỉ hè, sẵn dịp này cũng phải ngậm ngùi cho các con nghỉ học, gia đình khó khăn lắm rồi. Tôi có 3 đứa con gái đang ở độ tuổi còn đi học, gia đình làm nông mà thời tiết hạn hán này thì lấy tiền đâu ra để cho đi học được nữa. Tôi đành chấp nhận để tụi nhỏ ở nhà phụ việc và giảm bớt gánh nặng gia đình". Theo anh Mười, cũng vì hạn hán quá khốc liệt, thời tiết cũng oi bức, nhà ở cách xa trường cả mấy km, nên gia đình anh sợ các con đi bộ đến trường sẽ không chịu nổi.

 

 

Để giảm bớt gánh nặng kinh tế nhiều gia đình phải cho con nghỉ học.

 

Hoàn cảnh gia đình người Chăm Trà Văn Ngoan ở xã An Hải (huyện Ninh Phước) cũng đang đứng trước khó khăn vì đàn cừu liên tục kiệt sức chết do thiếu nước.

 

"Phải chấp nhận để con nghỉ học phụ giúp gia đình chăn nuôi nhưng một số con cừu nhà tôi vẫn không vượt qua được "giặc hạn". Có con cừu tự nhiên đang đi trên đường ngã qụy xuống, không biết có phải ăn trúng gì không nữa. Từ khi bỏ học từ tháng 3 đến giờ, hàng ngày các con đều phụ tôi chăn cừu. Để 2 đứa nhỏ nghỉ học tôi nào muốn nhưng gia đình đang túng quá, vì cừu cứ hàng tháng chết vài con". - Anh Ngoan chia sẻ.

 

Người dân bỏ xứ

 

Tại Ninh Sơn, Bác Ái, Ninh Thuận, người dân ở vùng lân cận cho biết, những ngôi nhà bị bỏ hoang, cửa luôn đóng kín mít là những gia đình đã dọn đến nơi khác sống, bỏ xứ đi tránh hạn.

 

"Những hộ gia đình đó không chịu được cơn hạn hán kéo dài nên bỏ đi, để lại ngôi nhà trơ trọi. Có một số hộ chuyển đi nơi khác sống tạm thời, còn một số khác thì có lẽ bỏ xứ đi hẳn luôn. Ở đây, hàng năm đều có hạn nhưng năm nay được xem như hạn nặng nhất, người dân chịu không được phải đi thôi chứ biết làm sao, trụ gì nỗi nữa" - Một người dân chia sẻ.

 

Skcs.vn (theo trithuctre)

Các tin khác