Trồng rau bằng phương pháp thủy canh: Giải pháp bền vững rau an toàn

10/30/2018 10:42:40 AM
Rau là thực phẩm thiếu yếu trong các bữa ăn hàng ngày của mọi gia đình. Do môi trường ngày càng ô nhiễm, diện tich trồng bị thu hẹp cho sự phát triển của công nghiệp, thời tiết thất thường,... phương pháp trồng rau thủy canh nhận được sự chú ý, quan tâm của các tổ chức, hộ gia đình vừa đem lại hiệu quả kinh tế, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

 

Rau là thực phẩm thiếu yếu trong các bữa ăn hàng ngày của mọi gia đình. Do môi trường ngày càng ô nhiễm, diện tich trồng bị thu hẹp cho sự phát triển của công nghiệp, thời tiết thất thường,... Phương pháp trồng rau thủy canh nhận được sự chú ý, quan tâm của các tổ chức, hộ gia đình vừa đem lại hiệu quả kinh tế, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Rau là những sản phẩm gồm các loại rau ăn lá, củ, than, hoa, quả có chất lượng đúng với đặc tính giống của nó, hàm lượng các chất độc, mức độ nhiễm các vi sinh vật gây hại dưới mức tiêu chuẩn cho phép, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng và môi trường thì được gọi là rau đảm bảo an toàn và vệ sinh thực phẩm, gọi tắt là rau an toàn (theo WHO).

Nói cách khác, rau an toàn là rau không dập nát, hư hỏng, không có đất, bụi bám quanh, không chứa các sản phẩm hóa học độc hại, hàm lượng nitrat, kim loại nặng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cũng như các vi sinh vật gây hại phải được hạn chế theo tiêu chuẩn an toàn và được trồng trên vùng đất có nguồn nước tưới không ô nhiễm kim loại nặng, canh tác theo quy trình tổng hợp, hạn chế việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học ở mức độ tối thiểu cho phép.

Rau xanh là loại thực phẩm thiết yếu trong bữa ăn hàng ngày. Đứng trước thực trạng diện tích đất canh tác ngày càng bị thu hẹp, môi trường ngày càng ô nhiễm hiện nay, trồng rau bằng phương pháp thủy canh được đặc biệt chú ý và thu hút sự quan tâm của nhiều hộ gia đình cũng như các tổ chức trong những năm trở lại đây.

1. Ưu điểm và lợi ích của kỹ thuật trồng rau bằng phương pháp thủy canh

Có khả năng thích nghi dễ dàng với các điều kiện trồng khác nhau: Do đặc tính không cần đất, chỉ cần không gian để đặt hệ thống trồng. Do đó, có thể tiến hành trồng ở nhiều vị trí khác nhau; Góp phần giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất do quá trình đô thị hóa nhanh và sự tác động của biến đổi khí hậu; Giải phóng một lượng lớn sức lao động. Ưu điểm này có được do không phải làm đất, cày bừa, nhổ cỏ, tưới nước,…Việc chuẩn bị cho hệ thống trồng thủy canh không đòi hỏi lao động nặng nhọc; người già, trẻ em, người khuyết tật đều có thể tham gia hiệu quả.

Năng suất cao: Vì có thể trồng nhiều vụ trong năm, ít bị ảnh hưởng bởi hiện tượng trái mùa như phương pháp trồng thông thường, thủy canh còn cho phép trồng liên tục, trồng gối đầu (có thể chuẩn bị cây giống cho vụ trồng tiếp theo ngay từ khi đang trồng vụ hiện tại, rút ngắn chu kỳ sản xuất), nên năng suất tổng cộng trong năm cao gấp nhiều lần so với trồng ngoài đất.

Hạn chế sâu bệnh gây hại:Hệ thống nhà lưới giúp hạn chế gần như tối đa sâu bệnh gây hại thông thường trong mùa trái vụ.Sản phẩm hoàn toàn sạch, phẩm chất cao. Do chủ động hoàn toàn về chất dinh dưỡng cung cấp cho cây nên chất lượng rau đạt mức gần như tối ưu, cho phẩm chất rau tươi ngon, nhiều dinh dưỡng. Ngoài ra, phương pháp thủy canh được trồng chủ yếu trong hệ thống nhà lưới, nhà kính nên tránh được các tác nhân sâu bệnh, bởi côn trùng sâu bọ.

Vì vậy, ở đây, hầu như rất ít sử dụng thuốc trừ sâu và hóa chất độc hại khác, không tích lũy chất độc, không gây ô nhiễm môi trường.Một khuynh hướng khác trồng thủy canh rau được lựa chọn, là việc sử dụng các loại thuốc trừ bệnh cây có nguồn gốc thảo mộc, sinh học, vi sinh,… Đây là các loại thuốc có tính thân thiện với môi trường, ít gây độc với con người, đặc biệt là khả năng phân hủy khá nhanh, nên ít để lại dư lượng trong sản phẩm.

Ý nghĩa giáo dục: Có ý nghĩa về mặt giáo dục đối với con trẻ, tạo cho con người gần gũi với môi trường thiên nhiên, làm giảm stress cho người có cường độ làm việc cao, đây là cách thư giãn cũng rất thú vị.

So sánh giữa cây trồng cần đất và thủy canh

Trồng cây trên đất

Thủy canh

Trong đất trồng, các vi khuẩn phải phân cắt chất hữu cơ phức tạp thành các nguyên tố cơ bản như nitrogen, phosphor, potassium cũng như các nguyên tố vi lượng.

Thức ăn cho cây được cân bằng (dung dịch dinh dưỡng) được hòa tan thẳng vào nước nên thực vật có thể nhận chất dinh dưỡng rất dễ dàng mọi lúc.

Đất trồng không thể sản sinh nhiều chất dinh dưỡng trên mỗi diện tích đủ để hệ rễ có thể hấp thu.

Thủy canh mang lượng thức ăn được cần đi thẳng tới rễ hơn là bắt rễ thực vật tìm kiếm nó.

Đất trồng giảm sút giá trị dinh dưỡng và khó đo các mục pH và độ màu mỡ.

Giá trị pH và dinh dưỡng của nước được đo và duy trì dễ dàng, vì vậy thực vật luôn có đủ thức ăn.

Chỉ khi các cây trồng trên đất được tưới, các nguyên tố cơ bản mới có thể hòa tan vào nước.

Trong một hệ thống thủy canh, độ ẩm hiện diện trong các khoảng thời gian được kéo dài hay trong mọi lúc.

Đất trồng đóng vai trò vật chủ đối với nhiều vi sinh vật có hại.

Các môi trường trồng thủy canh là trơ, vô trùng, một môi trường rất vệ sinh cho thực vật và người trồng.

Đất trồng cần tưới nhiều, có nhiều vi sinh vật gây hại hơn, thực vật lớn chậm hơn, cần nhiều không gian và thời gian chăm sóc hơn.

Thủy canh làm tăng sự tăng trưởng và sản lượng trên mỗi diện tích thực vật, giảm các vi sinh vật gây hại, bệnh tật và nhu cầu tưới nước thực vật.

 2. Nguyên lý hoạt động của hệ thống trồng rau bằng phương pháp Thủy canh. 

Hệ thống hoạt động theo nguyên tắc TỰ ĐỘNG – TUẦN HOÀN – KHÉP KÍN, qúa trình chăm  sóc và sử dụng hết sức đơn giản. 

Nguyên lý hoạt động: Hệ thống công nghệ thủy canh bao gồm 5 hệ thống hộp có kích thước 40cm x 60cm và các hệ thống hộp được liên kết với nhau bằng hệ thống ống lối. Hệ thống ống lối đảm bảo sao cho dung dịch dinh dưỡng khi được cung cấp sẽ được tuần hoàn qua các Modul trước khi hồi lưu trở lại bình chứa.

Hệ thống đóng mở điện tự động (Timer): Có tác dụng điều chỉnh thời gian và số lần bơm dinh dưỡng trong ngày. Máy bơm hoạt động có tác dung cung cấp dinh dưỡng nuôi cây, bơm nước làm mát cho cây.

Máy bơm và hệ thống ống dẫn nước: Máy bơm được kết nối với hệ thống cài đặt giờ tự động đã được cài đặt sẵn thời gian bơm cần thiết cho hệ thống.

-  Thùng cấp - chứa dinh dưỡng: Thùng chứa dung dịch dinh dưỡng trong hệ thống có thể tích là 50 lít, có gắn 1 máy bơm để bơm dung dịch dinh dưỡng vào hệ thống.  

3. Nguyên nhân của việc sản xuất rau không an toàn.

Hiện nay trên cả nước đã có rất nhiều các vùng đất rộng lớn đã được quy hoạch để sản xuất rau an toàn cung cấp cho người dân. Nhưng trước thực tế lợi nhuận của việc sản xuất mang lại, nhiều người sản xuất đã bất chấp sự an nguy về sức khỏe của người tiêu dùng, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật và đặc biệt là các loại thuốc kích thích sinh trưởng không rõ nguồn gốc và liều lượng sử dụng cao hơn nhiều lần cho phép. Nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón ngoài danh mục cho phép sử dụng trên rau, dùng nồng độ cao, liều lượng và không có thời gian cách ly trước khi thu hoạch.

Nhiều khu sản xuất rau an toàn được trồng ở những vùng đất bị ô nhiễm các nguồn kim loại nặng, dư lượng thuốc bảo vệ cao. Trong quá trình chăm sóc, người canh tác sử dụng phân tươi, nước tiểu chưa qua xử lý bón cho rau dẫn đến nhiễm vi sinh vật, ký sinh trùng gây bệnh. Nguồn nước để tưới cho cây trồng không được sạch cũng dẫn đến việc rau bị nhiễm độc.

Thu hoạch chưa đúng kỹ thuật, chưa sơ chế đóng gói, vận chuyển và bảo quản không tốt dẫn đến dập nát, hư hỏng, lẫn tạp.

4. Kết luận

Hiện nay,có rất nhiều các dự án phát triển rau sạch, nhiều công nghệ và giải pháp kỹ thuật đã được áp dụng nhằm nâng cao chất lượng rau sạch, từng bước nâng cao chất lượng an toàn thực  phẩm cho người tiêu dùng. Nhiều quy định về an toàn thực phẩm cũng như về việc sản xuất rau sạch được đưa ra áp dụng trong cuộc sống. Nhưng vì lợi ích kinh tế trước mắt, nhiều người sản xuất rau không tuân thủ, đã không ý thức được các việc làm của mình và hậu quả của nó mang lại, trong khi thiếu sự giám sát của các cơ quan quản lý, dẫn đếnrau được sản xuất ra và bầy bán trên thị trường chưa thể kiểm soát hết được.

Từ năm 2013 đến nay, hệ thống trồng rau thủy canh đã được Phòng nghiên cứu triển khai - Trung tâm Đào tạo, Tư vấn và Chuyển giao công nghệ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam áp dụng và triển khai rộng rãi. Với kỹ thuật canh tác tự động, tuần hoàn và khép kín, cây rau được cung cấp đủ dinh dưỡng cần thiết, cách ly với nguồn sâu bệnh, nước ô nhiễm, tránh được các độc tố độc hại, đặc biệt là những kim loại nặng tồn dư trong đất. Sản phẩm là những cây rau, quả hoàn toàn sạch và an toàn.

Sản phẩm thủy canh mà Trung tâm đang triển khai đã có sự kiểm nghiệm và được cấp phép cho việc sản xuất rau an toàn. Các sản phẩm công nghệ trồng rau bằng phương pháp thủy canh mà Trung tâm thực hiện đã nhận được sự hưởng ứng và quan tâm rất lớn của người dân.

Thủy canh là một công nghệ sản xuất rau sạch rất thiết thực với các khu đô thị, nơi biển bảo xa xôi mà ở đó, quỹ đất và nguồn nước hết sức khan hiếm. Với quy trình chăm sóc hết sức đơn giản, đây sẽ là một giải pháp công nghệ hết sức ý nghĩa với người dân. Thủy canh sẽ góp phần phát triển bền vững việc sản xuất rau an toàn của các hộ gia đình cũng như của các vùng được quy hoạch sản xuất rau an toàn.

Suckhoecuocsong.com.vn/Theo Tạp chí thử nghiệm ngày nay

Các tin khác