Vẫn còn nhiều bất cập xung quanh tuyến phố đi bộ sau bốn ngày triển khai

9/5/2016 2:19:48 PM
Sau bốn ngày thử nghiệm phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), người dân đã có thêm không gian vui chơi giải trí ngày cuối tuần, nhưng thực tế cũng nảy sinh không ít bất cập.

 

Sau bốn ngày thử nghiệm phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), người dân đã có thêm không gian vui chơi giải trí ngày cuối tuần, nhưng thực tế cũng nảy sinh không ít bất cập.

Xuất hiện nhiều bãi xe tự phát, chặt chém khách

Đầu tiên là tại các tuyến phố đi bộ đã xuất hiện các bãi giữ xe tự phát, thu phí cao gấp 10 lần giá quy định (20.000-30.000 đồng/ xe). Dù mới chập tối nhưng một số bãi đỗ xe máy như: Bãi xe Cầu Gỗ (đoạn trước cổng số nhà 112 Cầu Gỗ), phố Hai Bà Trưng (đoạn số nhà 28 - 32), phố Hàng Gai đều kín xe.

Lực lượng trông xe đông đảo nhất “đóng quân” tại phố Hàng Bạc, từ số nhà 66, 68, 70, 72, 77, 79… với chật kín xe trên vỉa hè. Người trông xe đứng hai hàng dưới lòng đường ngã tư Hàng Bạc - Đinh Liệt để mời chào, chèo kéo khách gửi xe gây ùn ứ cả con phố nhưng lực lượng chức năng có mặt tại đây không có động thái nhắc nhở nào.

Bên cạnh đó nhiều bãi xe không phép ngang nhiên mọc lên. Các điểm trông giữ xe khá lộn xộn, đội giá gấp 3-5 lần.  Điển hình tại bãi xe đoạn từ 28 - 32 phố Hai Bà Trưng, có tới 3 bãi xe không phép. Mỗi xe máy ở đây bị thu 20.000 đồng/lượt (cao gấp 4 lần so với giá niêm yết)

Anh Nguyễn Chí Hiếu (trú tại Bùi Thị Xuân, quận Hai Bà Trưng) bức xúc: “Tôi lên đây đi bộ, ngồi uống cốc trà chanh chỉ 15 ngàn/cốc, ra đây thì bị hô giá gửi xe đến 30.000 đồng. Gửi rồi phải chịu, chẳng lẽ cãi nhau vì vài chục nghìn?”.

Hiện thành phố Hà Nội đã bố trí 78 điểm trông giữ ô tô, xe máy, xe đạp phục vụ không gian đi bộ Hồ Gươm và phụ cận tuy nhiên do lượng du khách đông, các điểm gửi xe đều bị quá tải, khách bị “chặt chém” bởi các điểm trông xe tự phát.

Phố đi bộ còn nhiều rác và hàng rong

Dù đã được lắp đặt thêm hơn 50 thùng rác đặt quanh hồ, nhưng nhiều người dân vẫn xả rác ra đường. Hiện tượng ngập rác diễn ra nhiều nhất là tại các điểm ăn uống: kem Tràng Tiền, kem Thủy Tạ, café phố Bảo Khánh, phố Hồ Hoàn Kiếm…

Chỉ trong 3 ngày thí điểm khối lượng rác thải trên các tuyến phố đi bộ đã lên đến 220 tấn/ ngày. Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội đã phải huy động hàng trăm nhân lực, máy móc, công nhân phải tăng gấp 4 lần cường độ làm việc, chia 5 ca làm việc liên tục mới có thể giữ các con phố sạch đẹp

Xảy ra tình trạng ùn tắc

Vào buổi tối, tuyến phố đi bộ tập trung nhiều người vãn cảnh hồ Hoàn Kiếm kết hợp sang dạo chơi phố đi bộ trong phố cổ mua hàng, vui chơi, do đó, các điểm ùn tắc thường xảy ra từ tầm cuối giờ chiều, tại các trục đường xung quanh phố đi bộ như Hai Bà Trưng, Lý Thái Tổ, Ngô Quyền, Hàng Trống…

Anh Nguyễn Lương (quận Long Biên) cho biết: Những ngày qua, khi có việc đi ngang qua tuyến đường Hai Bà Trưng giao cắt với phố Bà Triệu, Ngô Quyền, anh phải mất gần 30 phút mới “thoát” được do ùn tắc cục bộ.

Cùng với những bất cập này, việc tổ chức phố đi bộ cũng đang khiến cuộc sống của người dân trong khu vực bị đảo lộn. “Để về nhà, chúng tôi phải dắt bộ xe, hoặc gửi xe tại bãi xe miễn phí của quận cách đó khoảng 500m, rất vất vả”, một người dân phố cổ chia sẻ.

Nhiều cửa hàng kinh doanh trong khu vực bị ảnh hưởng

Một nhân viên bán hàng đầu phố Hàng Dầu (quận Hoàn Kiếm) cho biết: “Dãy phố chủ yếu bán ba lô, túi xách, giầy dép. Từ hôm thành phố đi bộ, do phải gửi xe mới vào mua được, nên lượng khách mua hàng giảm”.

Nhiều cửa hàng kinh doanh buôn bán đề nghị tuyến phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm chỉ nên cấm xe vào khoảng 17 giờ vào các ngày cuối tuần như khu phố đi bộ trong phố cổ, thay kéo dài cả 3 ngày như hiện nay.

Theo ý kiến của người dân, lượng khách đến phố đi bộ Hồ Gươm vào ban ngày không phải lúc nào cũng đông như dịp 2/9. “Việc cấm đường cả ngày và tối tôi cho là chưa phù hợp. Thực tế, chỉ buổi tối du khách mới đổ về nhiều. Mặt khác, việc cấm đường liên tục có thể gây lãng phí lớn về mặt nhân lực, khi phải duy trì lực lượng lớn tham gia bảo vệ...”, chị Dung, chủ cửa hàng kinh doanh trên phố Đinh Tiên Hoàng chia sẻ.

Ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết trước một số bất cập trong những ngày đầu tiên triển khai phố đi bộ, cảnh sát giao thông và lực lượng chức năng của phường tham gia điều tiết từ xa, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để người dân tránh các điểm giao cắt quanh khu vực phố đi bộ hay ùn tắc.

Ông Long cũng thừa nhận có xuất hiện các điểm trong xe tự phát thu giá cao quá quy định. “Lực lượng chức năng đã tiến hành xử lý một số điểm trong giữ xe tự phát, mức phạt lên tới chục triệu đồng. Do đó, du khách đến khu phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm nên gửi xe vào các điểm trông giữ xe do sở Giao thông Vận tải cấp phép, nhân viên có mặc đồng phục”, ông Long nói.

Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Anh Quân cho biết UBND quận Hoàn Kiếm đang xây dựng kế hoạch đấu tranh cụ thể, kiên quyết xử lý nghiêm.

Trong thời gian triển khai thí điểm phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, UBND quận đã thành lập tổ công tác lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân, chuyên gia, truyền thông để từ đó đánh giá mặt được và chưa được, qua đó có những điều chỉnh phù hợp, đồng thời xây dựng dự thảo Quy chế, nội quy quản lý hoạt động của không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận trình UBND thành phố phê duyệt.

Tổng hợp

Các tin khác