Vụ taxi gây tai nạn trên cầu vượt Thái Hà & trách nhiệm bồi thường

11/12/2015 11:42:23 PM
Vụ việc chiếc xe taxi của hãng Vinataxi gây tai nạn liên hoàn trên cầu vượt Thái Hà – Chùa Bộc (Hà Nội) đã trôi qua được 4 ngày (8/11) nhưng dư âm của nó vẫn còn đeo đuổi cả những người trong và ngoài cuộc. Bên cạnh việc xót thương người bị nạn, cảm thông với người lái taxi đang hôn mê thì câu hỏi đặt ra là trách nhiệm bồi thường cho những người bị tai nạn sẽ như thế nào....

 

 

Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

 

Trước câu hỏi trên, luật sư Trần Tuấn Anh - Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh cho biết  vụ taxi gây tai nạn trên cầu vượt Chùa Bộc đã gây nên hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khiến nhiều người bị thương, 1 người chết, tài sản bị thiệt hại nặng nề.

 

 

Dưới góc độ pháp luật, trường hợp này sẽ áp dụng các quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Nguyên tắc bồi thường đó là phải được bồi thường toàn bộ. Tuy nhiên, cần phải xác định thiệt hại đã xảy ra là bao nhiêu để buộc người gây thiệt hại phải bồi thường tương xứng.

 

Xác định cá nhân hay pháp nhân phải bồi thường thiệt hại

 

Đối với mức bồi thường thiệt hại, tùy từng vụ việc cụ thể, căn cứ trên thực tế thiệt hại xảy ra, các cơ quan chức năng sẽ xác định mức bồi thường cho từng trường hợp.

 

Tuy nhiên, chiếc xe gây tai nạn thuộc hãng Vinataxi, vì vậy ai sẽ là người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân trong vụ tai nạn?  Để trả lời câu hỏi này cần đối chiếu các quy định của pháp luật.

 

Giả định, trong trường hợp cơ quan điều tra xác định phương tiện gây tai nạn là chiếc xe ô tô mang thương hiệu hãng Vinataxi, lúc này cần phải xem nội dung hợp đồng giữa hãng Vinataxi và tài xế cụ thể như thế nào để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

 

Trường hợp thứ nhất, nếu trong hợp đồng có nội dung chiếc xe taxi thuộc sở hữu của người tài xế và hãng Vinataxi đồng ý cho anh tài xế sử dụng thương hiệu để đón chở khách thì khi gây tai nạn tài xế phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (trừ trường hợp hãng Vinataxi và anh tài xế có thỏa thuận khác).

 

Trường hợp thứ hai, chiếc ô tô gây tai nạn thuộc quyền sở hữu của hãng Vinataxi, còn anh tài xế chỉ là người được hãng này thuê lái xe và trả tiền công thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ thuộc về hãng. Sau đó, hãng Vinataxi có quyền yêu cầu lái xe taxi gây ra tai nạn hoàn trả lại số tiền hãng đã bỏ ra để bồi thường cho các nạn nhân.

 

Những nạn nhân mất khả năng lao độngthì bồi thường ra sao

 

Trong trường hợp nạn nhân sau khi gặp tai nạn giao thông không còn khả năng lao động, hoặc tổn hại một phần sức khỏe thì bên gây tai nạn phải bồi thường chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.

 

Chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại bao gồm: Chi phí hợp lý hằng tháng cho việc nuôi dưỡng, điều trị người bị thiệt hại và chi phí hợp lý cho người thường xuyên chăm sóc người bị thiệt hại.

 

Chi phí hợp lý cho người thường xuyên chăm sóc người bị thiệt hại được tính bằng mức tiền công trung bình trả cho người chăm sóc người tàn tật tại địa phương nơi người bị thiệt hại cư trú. Về nguyên tắc, chỉ tính bồi thường thiệt hại cho một người chăm sóc người bị thiệt hại do mất khả năng lao động.

 

Trở lại thực tế, hiện tại lái xe taxi đang hôn mê, khả năng sống được các bác sĩ tiên lượng rất thấp...Vì vậy, hãng Vinataxi cần có các động thái thăm hỏi, chia sẻ khó khăn với những người bị nạn. Đối với trường hợp một nạn nhân thiệt mạng, đại diện hãng Vinataxi đã đến chia buồn và phúng viếng vì vậy ngoài việc xét xử theo luật pháp thì tình người luôn là yếu tố nhân văn quyết định mọi giải pháp ngoài đời.

 

Vụ taxi gây tai nạn trên cầu vượt Thái Hà & trách nhiệm bồi thường.

 

Suckhoecuocsong.com.vn (Tổng hợp)

Các tin khác