Ý nghĩa sâu xa bữa cơm tất niên ngày 30 tết

2/6/2016 10:20:55 PM
Theo phong tục, cúng tất niên vào chiều 30 tết là dịp con cháu tri ân tổ tiên đã phù hộ cho gia đình trong năm qua làm ăn thuận lợi, học hành tấn tới.... Ngoài ra, bữa cơm tất niên còn là dịp toàn gia tề tựu đông đủ, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc.

 

Theo phong tục, cúng tất niên vào chiều 30 tết là dịp con cháu tri ân tổ tiên đã phù hộ cho gia đình trong năm qua làm ăn thuận lợi, học hành tấn tới.... Ngoài ra, bữa cơm tất niên còn là dịp toàn gia tề tựu đông đủ, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc.

Bữa cơm tất niên chiều 30 Tết là khoảnh khắc thiêng liêng của mọi gia đình, mọi người cùng ôn lại những kỷ niệm vui buồn của năm cũ để chuẩn bị bước sang năm mới tràn đầy hy vọng mọi sự sẽ hanh thông tốt đẹp. Vì vậy, cứ chiều 30 Tết là nhà nhà đều chuẩn bị chu đáo để tiễn năm cũ, đón xuân mới.

Theo quan niệm, gia đình nào càng đông đủ các thế hệ cùng dự bữa tất niên chứng tỏ gia đình đó “phúc lộc đề đa”, càng có nhiều may mắn. Thường mỗi nhà đều có đôi câu đối viết bằng giấy hồng điều, treo trang trọng hai bên bàn thờ gia tiên, năm nào cũng được viết lại cho mới.

Cỗ cúng tất niên tùy theo vùng miền, mỗi nơi mỗi khác, nhưng nhất thiết phải có đủ bánh chưng, dưa hành, giò lụa, nem rán, thịt đông…. Trên bàn thờ tổ tiên không thể thiếu ngũ quả, các đồ lễ đều phải tươi tốt. Một số vùng có thêm câu đối đỏ, “gậy ông vải” (là 2 đôi mía còn đủ cả ngọn, lá tươi tốt, buộc khum vào nhau ở hai bên bàn thờ). Đặc biệt, trước khi cúng tất niên, cả gia đình đều phải có mặt, thành tâm kính lễ.

Ngoài ra, từ ngày 30 Tết và các ngày đầu năm, người ta kiêng không cãi nhau, không nói những lời xui xẻo, không đổ nước ra sàn, tránh làm đổ vỡ. Trong bữa ăn, người già hỏi con cháu tình hình năm vừa qua, hỏi xem các cháu học hành ra sao, quần áo đã đủ chưa? Năm vừa rồi làm ăn tốt không? Vì vậy, bên cạnh ý nghĩa gia đình đoàn tụ sum vầy, bữa cơm tất niên còn là nghi thức tiễn biệt năm cũ, sửa soạn đón năm mới, mời Ông Công Ông Táo về trần thế tiếp tục cai quản việc bếp núc.

Cúng tất niên là dịp để con cháu tri ân tổ tiên đã phù hộ cho mình trong năm qua làm ăn gặp gỡ, học hành tấn tới... và thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Vì vậy, bữa cơm tất niên tuy không phải là một nghi lễ bắt buộc trong ngày Tết, nhưng từ lâu đã trở thành phong tục đẹp trong đời sống tâm linh của người Việt Nam.

Tổng hợp

Các tin khác