Món ăn đặc sản Hà Giang

21/01/2015 01:06

Thưởng thức những món đặc sản của Hà Giang như trâu gác bếp, thắng cố, rượu ngô....sẽ góp phần cho chuyến đi trở nên hoàn hảo hơn.

 

Đến với Hà Giang du khách không chỉ được thăm quan nhiều danh lam thắng cảnh đẹp như: phố cổ Đồng Văn, núi đôi Quản Bạ, cột cờ Lũng Cú... Một cảm giác bồng bềnh giữa đất trời, mạo hiểm với những con đường khiến cho du khách không thể nào quên chuyến du lịch tuyệt với này.

 

Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu tới bạn đọc những món ăn là đặc sản nổi tiếng nếu đến Hà Giang nhất định bạn không nên bỏ qua.

 

Thịt trâu gác bếp

 

Món thịt trâu gác bếp không giống như thịt trâu, bò khô được làm ở miền xuôi, khô trâu miền đá Hà Giang được chế biến theo cách làm truyền thống, thành món ăn độc đáo.

 

Khi làm, Người ta thường chọn những phần thịt trâu ngon rồi xẻ dọc theo thớ thịt thành những miếng dài kiểu con chì. Thịt được ướp muối, gừng, ớt, tiêu rừng, hun bằng khói của than củi từ các núi đá và được mắc trên giàn bếp suốt hai tháng liền. Theo thời gian khối thịt trâu ám khói đen và khô lại, thấm hết mọi gia vị vào trong. Trên bề mặt vẫn còn những hạt tiêu rừng, miếng ớt, miếng gừng…Miếng thịt trâu thành phẩm, mùi khói gần như vẫn còn nguyên, song lại không gây khó chịu.

 

 

Món thịt trâu gác bếp không giống như thịt trâu, bò khô được làm ở miền xuôi, khô trâu miền đá Hà Giang được chế biến theo cách làm truyền thống, là món ăn vô cùng độc đáo.

 

Cách làm chỉ đơn giản như thế nhưng khô trâu là món đặc sản của nhiều tộc người ở vùng đất này. Trâu miền đá rất khỏe. Chúng ăn nhiều, di chuyển nhiều nên rất vạm vỡ, thịt dai nên làm khô trâu rất ngon.

 

Các tộc người bản địa dùng khô trâu trong các bữa ăn hàng ngày hoặc các chuyến đi rừng dài ngày. Vào mùa mưa lũ, món ăn này phát huy tác dụng bởi đảm bảo chất dinh dưỡng cho bà con dân tộc trong lúc làng bản bị cách ly với bên ngoài. Ăn chưa quen, người miền xuôi sẽ phải nhăn mặt với vị cay của gia vị và vị mặn của khô nên chỉ có thể nhấm từng chút một. Tuyệt nhất là nhấm khô trâu với rượu ngô. Cảm giác mặn, cay sẽ không còn nữa mà chỉ còn hương vị hài hòa của ẩm thực đặc trưng miền đá Hà Giang.

 

Lạp Xường Hà Giang

 

Mỗi dịp tết đến, đã thành lệ, cứ đến khoảng 27, 28 tháng Chạp, người dân khắp các bản làng lại nô nức rủ nhau mổ lợn. Cứ hai, ba nhà chung nhau đụng một con. Thịt để làm nhân bánh chưng, làm các món kho, nướng, quay, luộc… ăn trong mấy ngày tết. Và bao giờ người ta cũng dành ra một ít lòng non, một phần thịt để làm lấy một vài cân lạp xường có nơi còn gọi là lạp xưởng hay lạp sườn.

 

Để làm nhân lạp xường người ta chọn loại thịt nửa nạc nửa mỡ. Bởi nạc nhiều, lạp xường sẽ khô, sác; mỡ nhiều, lạp xường sẽ nhão, ăn mau ngấy nên loại thịt thích hợp nhất để làm lạp xường là thịt vai. Thịt được lạng bỏ lớp bì, thái miếng vừa phải, ướp muối, đường, bột ngọt, một ít rượu trắng, một ít nước gừng và một ít quả mắc mật khô xay nhỏ ướp cùng. Theo kinh nghiệm của đồng bào nơi đây ướp thịt với rượu trắng và nước gừng như vậy khiến cho lạp xường sẽ có mùi thơm rất đặc trưng, để được lâu mà không bị hỏng.

 

 

Lạp xường có mùi của nắng vùng cao, mùi của khói bếp, thoảng mùi gừng, mùi rượu, mùi mắc mật thơm một cách đặc biệt.

 

Với một chiếc phễu và một chiếc đũa, từ từ dồn thịt vào cho đầy phần lòng non đã chuẩn bị. Để dễ làm, cứ nhồi được chừng hai ba mươi phân thì buộc lại thành khúc. Thỉnh thoảng lại lấy kim châm vài chỗ cho khí thoát ra để lạp xường khỏi nứt. Nhồi xong thì đem lạp xường đi phơi nắng cho khô dần. Hoặc đem hong trên gác bếp. Hơi ấm của bếp lửa sẽ làm lạp xường se lại, săn chắc. Lạp xường được nắng, được hơi lửa, cứ ánh lên màu đỏ hồng của thịt nạc xen những đường vân trắng ngà của thịt mỡ trông thật hấp dẫn. Ngày 27, 28 làm lạp xường thì khoảng mồng 2, mồng 3 tết là ăn được.

 

Lạp xường khi đã khô thì để nguyên cả khúc đem chiên cho chín sau đó mới thái lát, khi ăn chấm với mắm gừng. Hoặc thái lạp xường thành các khoanh dầy vừa phải, chờ cho mỡ trong chảo thật nóng già thì cho lạp xường vào, đảo lên, rưới thêm ít nước mắm, rắc thêm chút hành tươi. Đĩa lạp xường thơm phức, mới trông đã thấy thèm. Cho nên ngày tết, dù có bao món ngon, lạp xường vẫn là món được mọi người đụng đũa nhiều hơn cả.

 

Lạp xường có mùi của nắng vùng cao, mùi của khói bếp, thoảng mùi gừng, mùi rượu, mùi mắc mật thơm một cách đặc biệt. Vị dai của lòng, vị ngọt của thịt nạc, vị béo của mỡ hòa quyện với nhau, ăn thật ngon miệng.

 

Cháo Ấu Tẩu Hà Giang

 

 

Cháo ấu tẩu có màu nâu sậm, vị đắng như tam thất

 

Nấu được bát cháo Ấu Tẩu cầu kỳ và nhiều công đoạn. Củ ấu tẩu được ngâm kỹ trong nước vo gạo đặc một đêm, sau đó rửa sạch và đem ninh hơn 4 giờ cho tới khi củ mềm, bở tơi. Gạo tẻ thơm, trộn ít nếp cái hoa vàng cho cháo đặc sánh.

 

Bột củ ấu tẩu được nấu lẫn gạo và nước dùng ninh từ chân giò lợn. Cuối cùng khi bắc ra đập trứng gà, cho thêm ớt, tiêu, hành, rau mùi dậy lên mùi thơm ngọt ngào. Thêm chút tía tô tăng thêm tác dụng giải cảm của bát cháo. Vị ngon của cháo còn phụ thuộc bí quyết của từng nhà hàng.

 

Cháo Ấu tẩu có cả bốn mùa và chỉ bán vào buổi tối. Theo kinh nghiệm lâu năm của những người dân ở đây cháo có tác dụng tốt nhất qua giấc ngủ đêm. Bát cháo Ấu tẩu  cũng như vị thuốc thần giúp xoa tan mệt nhọc của một ngày để có một giấc ngủ sâu và khoan khoái hơn.

 

Thắng cố Đồng Văn

 

Chợ phiên Đồng Văn mỗi tuần duy nhất họp một phiên vào ngày chủ nhật, cảnh tượng người người tấp nập xuống núi đi “chơi chợ” khiến khu chợ nhỏ bé, tĩnh lặng bỗng nhiên đông vui và náo nhiệt khác hẳn ngày thường.

 

Đồng bào đến chợ không chỉ để mua bán, trao đổi hàng hoá thông thường mà chợ phiên còn để mọi người gặp nhau, giao lưu trò chuyện, phụ nữ thì khoe sắc trong những bộ váy áo thổ cẩm sặc sỡ, nam giới thì khoe tài trong tiếng sáo, tiếng khèn gọi bạn tình....và hơn tất cả mọi người không quên ăn một tô thắng cố nóng hổi, nghi ngút khói và uống chén rượu ngô mềm môi thơm lừng.

 

 

Nguyên liệu chính cho chảo thắng cố là toàn bộ phần nội tạng (lục phủ, ngũ tạng), xương của trâu, bò, ngựa hay dê.

 

Vào ngày chợ phiên hàng quán bán thắng cố bao giờ cũng được đồng bào tập trung đông đúc và náo nhiệt nhất, từng tốp nam nữ quây quần bên bàn gỗ đơn sơ, trò chuyện hàn huyên, khi men rượu đã đủ làm người ta say men nồng thì cũng là lúc khu chợ nhỏ bé vui và hay nhất, các đấng tu mi nam nhi bắt đầu gửi tâm tình trong tiếng sáo, tiếng khèn làm ngây ngất bao tâm hồn các thiếu nữ miền sơn cước, chén rượu ngô cũng đủ để làm cho đôi má thiếu nữ ửng hồng... đã có những đôi nam nữ nên vợ thành chồng chính từ phiên chợ như thế này.

 

Thắng cố là món ăn phổ biến của nhiều đồng bào dân tộc ở các tỉnh miền núi cao phía Bắc, mỗi vùng, mỗi dân tộc có cách chế biến và những gia vị khác nhau cho chảo thắng cố truyền thống của dân tộc mình, tuy nhiên về cơ bản đều có những nét chung.

 

Nguyên liệu chính cho chảo thắng cố là toàn bộ phần nội tạng (lục phủ, ngũ tạng), xương của trâu, bò, ngựa hay dê đem cho tất cả vào chảo xào qua lửa rồi đổ nước vào ninh kỹ trong nhiều giờ, đến khi các thứ chín nhừ thì điều chỉnh nhỏ lửa hơn.

 

Điều đặc biệt là đồng bào rất ít khi làm thắng cố lợn mà chỉ có thắng cố trâu, bò, ngựa, dê. Các loại gia vị cho chảo thắng cố cũng là những sản vật tự nhiên trong vùng như thảo quả, củ sả, hạt dổi, địa liền, khi ăn thì cho thêm ớt, hạt tiêu và đương nhiên là không thể thiếu rượu ngô.

 

Lên vùng cao nguyên cực Bắc mà chưa thưởng thức món thắng cố và uống chén rượu ngô thì coi như vẫn chưa thấy được nét văn hóa đặc trưng của đất và tình người cao nguyên đá.

 

 Rượu ngô chợ Đồng Văn

 

Mới nhìn qua thì có vẻ chảo thắng cố không mấy hấp dẫn và lôi cuốn bởi đồng bào bầy biện không được đẹp mắt lắm nhưng khi đã nhấp đôi ba chén rượu ngô ăn một tô thắng cố nóng nghi ngút khói giữa cái giá rét như cắt da cắt thịt, cảm nhận lòng mình như ấm lên nhiều. Vị béo ngậy cộng chút bùi bùi độc đáo khác lạ, bát thắng cố dậy mùi thơm từ các loại gia vị đã để lại nhiều ấn tượng với nhiều lữ khách khi đến với miền cực Bắc này.

 

Rêu nướng

 

 

Rêu nướng không chỉ là món ăn được nhiều đồng bào dân tộc ưa thích, mà còn có khả năng chữa nhiều bệnh, giúp lưu thông khí huyết, giải độc...

 

Rêu nướng là một món ăn lạ lùng nhưng rất độc đáo của người dân tộc Tày ở xã Xuân Giang tỉnh Hà Giang. Lâu nay, rêu đá chỉ được coi là một loại thủy sinh không nhiều tác dụng nhưng các món ăn được chế biến từ rêu đá này được người dân tộc Tày cho là rất bổ, nó có hương vị rất riêng.

 

Theo người dân ở đây rêu chỉ sống trong 7 ngày, khi nó mọc lên 3 - 4 ngày là phải vớt vì quá 7 ngày nó trở thành màu trắng bệch và không ăn được.

 

Rêu suối tuy nhiều, nhưng những loại rêu ngon rất ít và rêu ăn được có theo mùa, bởi vậy đối với bà con nơi đây rêu cũng là một món ăn quý. Rêu có thể được chế biến thành nhiều món như rêu rán, rêu khô nhưng độc đáo nhất vẫn là món trộn với các loại gia vị rồi đem nướng.

 

Sau khi xé tơi rêu thì trộn các gia vị như xả, lá mùi tàu, lá dăm, lá hẹ và có thể cho 1-2 hạt dổi vào để cho thơm cùng với muối, mì chính, cần cái gì thì mình cho vào tuỳ theo khẩu vị của từng gia đình, sau khi trộn xong gói lá rồi nướng trên than bếp.

 

Khi nướng, người ta không phải xoay nhiều lần mà nướng chín một bên, sau đó nướng tiếp bên còn lại. Khi dùng hai ngón tay bấm thấy mềm là quẹ đã chín. Vì rêu ăn được theo mùa nên ngoài việc chế biến rêu tươi, người ta còn phơi khô rêu, cất lên gác bếp để làm món ăn dự trữ. Chỉ có khách quý mới được đãi món rêu khô trên gác bếp. Rêu nướng không chỉ là món ăn được nhiều đồng bào dân tộc ưa thích, mà còn có khả năng chữa nhiều bệnh, giúp lưu thông khí huyết, giải độc, giải nhiệt, ổn định huyết áp và tăng cường sức đề kháng. 

 

Thắng dền

 

 

Thắng dền trông giống bánh trôi tàu ở Hà Nội, giống bánh cống phù ở Lạng Sơn, được làm từ bột gạo nếp, có thể làm chay hoặc bọc nhân đậu đỗ.

 

Ai lên Đồng Văn Hà Giang cũng muốn một lần thưởng thức thắng cố. Thắng cố chỉ ăn trong những phiên chợ. Còn thắng dền, giữa thị trấn hun hút gió mùa đông mà được ngồi bên bếp lửa ăn bát thắng dền, thật không có gì ấm áp và thú vị bằng.

 

Thắng dền là một món ăn chơi của người Hà Giang nói chung và là món ăn “gọi bạn” quây quầy bên nhau nói riêng ở thị trấn Đồng Văn những đêm đông giá rét. Sau bữa tối với nhiều đặc sản Đồng Văn từ thịt gác bếp đến xúc xích lợn, thưởng thức một bát thắng dền ấm bụng quả là một lựa chọn thanh tao, hợp lý.

 

Thắng dền trông giống bánh trôi tàu ở Hà Nội, giống bánh cống phù ở Lạng Sơn, được làm từ bột gạo nếp, có thể làm chay hoặc bọc nhân đậu đỗ. Mỗi viên bột được nặn to hơn đầu ngón tay cái chút xíu, cho vào nồi nước dùng luộc, đến khi nổi lên chủ quán sẽ dùng muôi vớt ra. Thắng dền thơm ngon hay không là ở bát nước dùng, được pha bởi hỗn hợp ngọt ngào của đường, béo ngậy của nước cốt dừa và cay cay của gừng đun nóng. Có thể rắc thêm vừng hoặc lạc cho món ăn thêm bùi. Khách ăn thường bỏ một hai viên thắng dền vào ngậm trong miệng một lúc, ngấm cái vị ngọt béo của nước đường, vị cay se se của gừng tươi, vị bùi ngậy của vừng lạc.

 

Ngồi chuyện phiếm bên bát thắng dền cùng bạn bè, hỏi chuyện vợ chồng chủ quán và cánh thanh niên đi chơi tối, để hiểu thêm cuộc sống đồng bào nơi địa đầu cực Bắc, các bạn còn mang nước cốt táo mèo, rượu vodka ra pha với tabasco cay xè để thưởng thức cùng món quà dân dã. Đêm như dài ra với bao câu chuyện về Phó Bảng, Sủng Là, Mã Pì Lèng, Săm Pun vời vợi...

 

Phở Chua Hà Giang

 

Phở chua cũng là một nét khác biệt về ẩm thực Hà Giang. Phở chua có nguồn gốc từ Trung Quốc rồi lan sang các tỉnh biên giới phía Bắc: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn...vào sau đời Mãn Thanh cách đây khoảng 300 năm.

 

 

Cái cốt yếu tạo nên phong vị của phở chua chính là nước dùng trong tiếng Trung Quốc gọi là “nước lủ”.

 

Tên Trung Quốc của phở chua là “Lường pàn” nghĩa là “Phở mát”. Gọi là phở mát nên phở chua chỉ ưa dùng vào mùa hè. Trước đây, món ăn này được dùng trong đám cỗ. Hiện nay, món này được nhiều người chọn làm món điểm tâm. Tôi may mắn được gặp bà cụ có  nghề gia truyền làm Phở chua đã mấy đời ở Hà Giang qua một người quen, ở Hà Giang Phở chua của nhà bà là nổi tiếng nhất. Khi tôi có hỏi về công thức làm Phở bà  cụ đã rất hài hước nói với tôi rằng: “Đưa mười triệu đây”. Và tôi chỉ còn biết cười trừ. Sau cùng bà cũng cho tôi biết về công thức làm Phở nhà bà.

 

Nguyên liệu của món Phở chua bao gồm: thịt lợn rán (xá xíu), vịt quay, lạc đã chao dầu, lạp xường hoặc xúc xích tự chế. Ngoài ra còn có rau ăn kèm gồm: rau húng thơm, tỏi tươi, đu đủ hoặc dưa chuột nạo. Nguyên liệu chính là bánh phở yêu cầu phải là bánh phở tươi được tráng mềm không dùng bánh phở  khô.

 

Cái cốt yếu tạo nên phong vị của phở chua chính là nước dùng trong tiếng Trung Quốc gọi là “nước lủ” – nước chua ngọt. Nước chua ngọt này được tạo nên bởi một loại dấm thật chua hòa với đường, cùng với bột sắn quấy sệt thêm một chút gia vị - tất cả được đun sôi lên và quấy đều tay.

 

Bánh phở được dàn đều ra đĩa phủ lên những lát thịt lợn, lạp xưởng rán cháy cạnh, vài miếng thịt vịt quay vàng rộm điểm vài ngọn rau húng thêm chút lạc chao dầu đập dập. Sau đó rưới nước dùng vào thành Phở chua ngọt ăn kèm ớt xào, ớt chưng hoặc ớt tương. Để thưởng thức trọn vẹn hương vị của món ăn, ta có thể uống kèm rượu ngô, cũng có thể là rượu cẩm hoặc rượu vang. Yêu cầu của món ăn là bánh phở phải tươi, giấm phải thật chua và là loại giấm ngon. Đối với người Trung Quốc phở chua còn là một thứ giải khát quen thuộc.

 

Thịt Chuột La Chí

 

 

Món chuột được đồng bào La Chí chế biến thành hàng chục món khác nhau, nhưng phổ biến nhất vẫn là 2 món, gồm nướng và treo gác bếp.

 

Thịt chuột là món ăn không thể thiếu được trong cuộc sống của người dân La Chí Hà Giang. Chuột được chế biến thành nhiều món rất thơm ngon như chuột nướng, chuột xào, chuột treo gác bếp...

 

Con chuột ngoài vai trò là vật hiến tế trong lễ cúng Thần Rắn trong rừng cấm Me Meo, thì nó còn giữ vai trò cực kỳ quan trong trong đời sống thực tại cũng như đời sống tâm linh của người La Chí.

 

Trong bất cứ lễ cúng gì, từ cúng tổ tiên, cúng lúa mới, cúng xuống đồng, cúng hồn cây lúa, cúng rừng, cúng núi, cúng sông suối, hoặc lễ cúng bắt ma, lập bàn thờ, thậm chí cả lễ cưới, món thịt chuột đều là thứ không thể thiếu được.

 

Con chuột không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, mà nó còn gắn chặt với đời sống thường ngày của người La Chí. Món thịt chuột được người La Chí coi là món ăn hàng ngày, như người Kinh ăn thịt lợn, nên họ có thể ăn quanh năm suốt tháng.

 

Con chuột gắn bó với người La Chí từ hàng ngàn năm nay, nên không biết từ khi nào, chuột đã trở thành đặc sản. Nếu bạn lên Hoàng Su Phì, hỏi về các món đặc sản, ngoài thắng cố, rượu ngô của người Mông, lợn cắp nách của người Mán, thịt chua của người Nùng, thì chuột khô chính là đặc sản của người La Chí.

 

Đến mùa lúa chín, đàn ông kéo nhau đi săn chuột ở khắp huyện. Mùa gặt kết thúc, chuột đồng hết chỗ ẩn nấp, trốn vào rừng, họ lại tiếp tục vào rừng đặt bẫy, rồi đào hang bắt chuột ở rừng vầu, rừng tre, rừng chít.

 

Món chuột được đồng bào La Chí chế biến thành hàng chục món khác nhau, nhưng phổ biến nhất vẫn là 2 món, gồm nướng và treo gác bếp.

 

Chuột được nhúng nước sôi, vặt lông, dùng que xiên từ đít lên đầu đem thui với rơm nếp cho vàng ruộm, rồi mổ bụng, lột bỏ nội tạng, rửa sạch, sau đó xát mắm, muối, mì chính, thảo quả, tiêu rừng cùng một số gia vị khác. Nếu ăn nướng thì kẹp que nướng trên than củi ở bếp giữa nhà cho chín rồi ăn luôn.

 

Vào mùa thu hoạch lúa, chuột bắt được nhiều, ăn không xuể thì đồng bào La Chí làm món chuột khô để ăn dần. Chuột được chế biến và ướp gia vị rồi treo trên gác bếp. Lửa và khói ở bếp cháy suốt ngày đêm sẽ làm cho thịt chuột khô quắt lại sau một tuần. Khi chuột quắt lại, cứng như khúc củi, có thể để được cả năm trời, lúc nào thích thì gỡ ra ăn.

 

Thịt chuột khô có thể vùi tro nóng rồi dùng chày đập xơ ra chấm muối tiêu làm mồi nhắm, hoặc đem ngâm nước sôi cho nở ra, sau đó ướp gừng, hành tỏi và xào nóng ăn rất thơm ngon. Đây là món khoái khẩu của người La Chí.

 

Mùa gặt lúa, chuột đồng bắt được nhiều, già trẻ, trai gái cùng ngồi nướng và ăn bên bếp lửa giữa nhà. Ngồi bên bếp lửa hồng, giữa cảnh núi rừng hoang rậm, ăn thịt chuột và uống rượu bằng sừng trâu có cảm giác rất thi vị, gợi về một thuở hồng hoang.

 

Skcs.vn

Các tin khác

Khám phá rừng thông Bản Áng: những điều cần biết

Ghé thăm thung lũng mận Nà Ka, thiên đường hoa mận trắng

Kinh nghiệm khám phá bản Thung Cuông

Top những đặc sản nên mua về khi đi du lịch Sơn La

Du lịch Ngọc Chiến, Sơn La nên ăn món gì?

Top homestay Ngọc Chiến Sơn La đẹp mê hồn

Pomu Homestay Ngọc Chiến, Sơn La: giá phòng, điện thoại, chất lượng dịch vụ

Pearl Homestay Ngọc Chiến, Sơn La: giá phòng, điện thoại, chất lượng dịch vụ

Kinh nghiệm trải nghiệm suối khoáng nóng Ngọc Chiến - Sơn La

Ghé thăm bản Sông Moóc: Sapa thu nhỏ của Bình Liêu