Nguyên nhân dẫn đến tử vong khi tranh bóng

17/10/2017 10:55

Nguyên nhân nào dẫn đến tử vong sau các pha tranh cướp bóng?.

Sau tai nạn thảm khốc khiến thủ môn của Indonesia thiệt mạng (15/10) do chấn thương nặng ở vùng đầu và cổ, điều mà giới túc cầu và người hâm mộ thể thao quan tâm là làm thế nào để bảo vệ các cầu thủ khi tham gia thi đấu? Nguyên nhân nào dẫn đến tử vong sau các pha tranh cướp bóng?.

Những tai nạn khó tránh

Trận đấu cuối tuần qua giữa Persela Lamongan và Semen Padang đã khép lại nhưng nỗi buồn vẫn đong đầy trong trái tim và người hâm mộ Indonesia khi thủ môn Choirul Huda của Persela đã từ trần ở tuổi 38 sau pha băng ra phá bóng và bị chấn thương khi va chạm với hai cầu thủ.

Trước đó, đầu năm 2017, cầu thủ Fernando Torres cũng bị ngã bất tỉnh do va chạm mạnh vùng đầu khi nhảy lên tranh bóng trong trận đấu giữa chủ nhà Deportivo La Coruna và Atletico Madrid. Chấn thương nghiêm trọng đến mức Torres ngã xuống sân bất tỉnh khiến đồng đội của anh lập tức dùng tay kéo lưỡi nhằm ngăn Torres tự nuốt, tránh nguy cơ tử vong.

Tháng 5/2016 Masato Kudo cầu thủ người Nhật cũng bị chấn thương khi chơi cho Vancouver Whitecaps trong trận gặp Chicago Fire. Cầu thủ 26 tuổi nằm bất tỉnh trên sân với máu chảy ra từ miệng. Ngay lập tức, Masato Kudo được đưa đến cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa Vancouver và phải phẫu thuật ngay để tránh nguy cơ tử vong.

Giải thích của chuyên gia

Nghiên cứu tại Mỹ cho thấy chấn thương xảy ra thường xuyên ở các môn thể thao mang tính đối kháng mạnh như bóng đá và bóng bầu dục. Các chuyên gia định nghĩa dạng chấn thương này là “contact sport” nghĩa là khi chơi các môn mang tính đối kháng, các cầu thủ sẽ tiếp xúc với lực tác động mạnh trong suốt trận đấu dẫn đến gãy xương, vết cắt và bầm tím là điều không thể tránh khỏi.

Bác sĩ Randell DuPraw, Trung tâm trị liệu thần kinh cột sống Maple Healthcare người đã từng điều trị cho nhiều cầu thủ và vận động viên Mỹ, Việt Nam bị chấn thương khi chơi thể thao phân tích: Trong bóng đá kịch tính trận đấu được đẩy lên cao khi các cầu thủ tranh nhau cướp bóng, hay bằng mọi cách để ngăn cản đối thủ đưa bóng vào lưới nhà. Vì thế va chạm trong trận đấu là điều khó tránh khỏi.

Khi hai cơ thể khỏe mạnh, rắn chắc của các cầu thủ va chạm vào nhau sẽ tác động một lực rất lớn lên đối phương, khốc liệt nhất là cú va chạm ảnh hưởng trực tiếp đến cột sống và đầu. Đặc biệt, một đốt sống có thể nứt nếu lực tác động vào đúng vị trí huyệt đạo, khiến nạn nhân tê liệt hoặc tử vong do ức chế vùng xương sống chi phối trực tiếp đến hô hấp hoặc tim.

Những chấn thương thường gặp trong thể thao

Một số chấn thương thể thao có thể dẫn đến tử vong nếu không kiểm soát và tiên lượng đúng mức độ nghiêm trọng của thương tích. Nạn nhân có thể chết do tính chất phức tạp của quá trình đông máu. Một số trường hợp cầu thủ có khiếm khuyết bẩm sinh hay di truyền mà bác sĩ không phát hiện nên không kiểm soát được triệu chứng trong suốt quá trình điều trị chấn thương thể thao.

Theo khảo sát của ngành y trong chấn thương thể thao, những thương tổn phổ biến nhất với vận động viên là tổn thương gân và dây chằng. Các chấn thương này thậm chí còn khó điều trị hơn gãy xương, do cơ chế tự chữa lành của cơ thể ở những bộ phận này kém. Bên cạnh đó là các vấn đề khác nhau từ mắt cá chân, căng cơ, đĩa đệm thoát vị, rách màn bao khớp, tình trạng đau vai, khuỷu tay đối với người chơi tennis, đau lưng với các tay golf.

Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách khi chấn thương, quá trình hồi phục có thể kéo dài đến vài tháng. Chấn thương có thể tái phát nhiều lần và trở thành vấn đề nghiêm trọng. Những chấn thương thể thao cản trở khả năng vận động, có khi buộc họ phải ngừng chơi môn thể thao yêu thích nhất.

Khuyến cáo từ chuyên gia

Để hạn chế chấn thương trong khi chơi thể thao, các chuyên gia khuyên các vận động viên nên chú ý những quy tắc an toàn như khởi động thật kỹ, đúng trước khi chơi, trang bị đầy đủ đồ bảo hộ cần thiết như giày, mũ, găng tay, đồ bảo hộ sơ mi, đầu gối… Không nên chơi quá sức, đặc biệt là những người từng bị chấn thương nên giữ cường độ vận động phù hợp theo tư vấn của chuyên gia hoặc huấn luyện viên.

Đặc biệt, bóng đá là môn đối kháng cao nên thường xuyên xảy ra va chạm dẫn đến chấn thương. Vì vậy đòi hỏi người chơi phải luôn có ý thức chơi “fair play”, không vào bóng thô bạo để gây chấn thương cho mình và người khác. Luôn chơi với tinh thần cống hiến hết mình nhưng vẫn bảo đảm được sức khỏe.

Suckhoecuocsong.com.vn (Theo Vnexpress.net)

Các tin khác

Vì sao sau khi tập thể dục bị buồn nôn, chóng mặt?

Đau đầu gối khi tập luyện thể thao cần làm gì

Phòng bệnh khi đi bơi, những nguyên tắc cần nhớ

Sai lầm mắc phải khi tập thể dục dễ gặp chấn thương cần bỏ ngay

Chấn thương golf đặc thù, phương pháp điều trị

Đau khớp háng sau khi tập thể thao phải xử lý thế nào

Bổ sung nước khi chơi thể thao: sai lầm nên tránh, cách bổ sung hợp lý

Sai lầm khi tập chống đẩy có thể gây chấn thương khi tập luyện

Nón bơi: ưu nhược điểm của từng loại, từng chất liệu

Áo vest tạ đi bộ, dụng cụ mới với những lợi ích bất ngờ