Nguyên tắc cơ bản để tránh ngạt khí trong xe ô tô

01/12/2015 15:16

Những điều chú ý khi ngủ trong ô tô tránh ngạt khí

Xe ô tô là phương tiện thông dụng và tiện nghi đối với nhiều gia đình có điều kiện. Ôtô có những trang bị tiện nghi giống ở nhà như điều hoà, đài, đầu đĩa nên được ví như căn nhà di động với không gian riêng biệt thoải mái. Vì vậy, người sử dụng ôtô có xu hướng tận dụng sự tiện nghi này để biến nó thành nơi nghỉ ngơi khi đi du lịch, công tác, hay làm giấc ngủ trưa. Tuy nhiên do thiếu hiểu biết về nguyên tắc khi ngủ trong xe nên thời gian qua đã xảy ra một số vụ tử vong do các nạn nhân đã bất cẩn ngủ quên trong xe đóng kín của.

Theo kinh nghiệm của một số lái xe, khi đóng kín cửa và bật máy lạnh trên ôtô, một số xe đời mới có chế độ cài đặt tự động, sau 5 phút lấy gió trong sẽ chuyển sang chế độ lấy gió ngoài. Nhưng với xe đời cũ không có chế độ tự động, việc lấy gió trong thực chất chỉ làm lạnh không khí trong xe mà không điều hòa không khí giữa bên trong và ngoài. Từ đó dẫn đến hiện tượng thiếu ôxy khiến người ngồi trong xe bị ngạt. Ngoài ra, có trường hợp ngủ trong xe bật điều hoà, lượng nhiên liệu còn lại trên xe ít dẫn đến xe tự tắt máy khi hết xăng, dẫn đến thiếu không khí, người ngủ lịm dần và tử vong. Phần nữa do không gian bị đóng kín, lượng oxy trong khoang xe giảm dần, trong khi người ngủ trên xe hoặc ngủ say, hoặc ngạt khí dần dần, hoặc còn quá nhỏ không thể phản ứng tự vệ mở cửa xe, nên từ từ lịm đi rồi tử vong.

Thật ra, trường hợp bật điều hòa ngủ trên ô tô thường chỉ được các lái xe cơ quan, công ty hoặc những người không quan tâm tới chuyện tốn xăng mới áp dụng. Họ xác định ngủ trong một thời gian ngắn hay chỉ chợp mắt. Đa số các lái xe còn lại, đặc biệt đối với lái xe taxi (trừ khi trời quá nóng bức), thì việc bật điều hòa, kéo kín kính khi ngủ là điều xa xỉ, nên giải pháp duy nhất là chốt cửa, hạ cửa kính như đã nêu trên.

Thời gian vừa qua ở Việt Nam đã xảy ra nhiều vụ chết ngạt trong xe ô tô gây xôn xao dư luận.

Mới đây vào khoảng 16h ngày 27.11, cháu B nhập viện trong tình trạng hôn mê, toàn thân tím tái.Các y bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã tích cực cứu chữa. Tuy nhiên, do thiếu oxy não quá lâu gây phù não, rối loạn điện giải…bệnh nhi B đã tử vong vào lúc 15h chiều nay (28.11).Theo người thân của cháu B, trưa 27.11, phát hiện cháu B bất tỉnh trong chiếc xe ô tô ở tại một xưởng gỗ cùng địa phương. Xưởng gỗ này là nơi bố mẹ cháu B làm việc.

Việc Bí thư Huyện ủy Hoài Nhơn Nguyễn Thanh Bình (39 tuổi) và cô gái 21 tuổi chết trong ôtô vào ngày 8.7 vừa qua cũng là một minh chứng đáng tiếc. Kết quả khám nghiệm hiện trường cho thấy hệ thống khí gas của ôtô đã cũ, bị trục trặc và nguyên nhân tử vong của hai người được cho là do ngộ độc khí gas.

Vào đầu năm 2014, một lái xe sinh năm 1975 của taxi Mai Linh được phát hiện chết trong ôtô khi đang đỗ tại quốc lộ 1A thuộc địa phận xã Thanh Hà (Thanh Liêm- Hà Nam). Nạn nhân chết trong tư thế ngồi ở ghế lái, người hơi ngả về phía sau xe, hai tay gối đầu, cửa xe vẫn đóng kín, mọi đồ đạc trong xe vẫn còn nguyên vẹn. Kết luận cái chết của lái xe taxi do ngạt khí thiếu oxy.

Nếu vì một lý do nào đó bạn phải ngủ trong xe thì cần tuân thủ những nguyên tắc cơ bản sau:

Điều quan trọng nhất chính là cần hé một chút cửa kính để đảm bảo không khí bên trong và bên ngoài lưu thông, đủ oxy cho người ngủ trong xe.

Chọn nơi thoáng đãng không khí lưu thông tốt.

Nếu thời tiết nóng bức, lái xe cần chọn vị trí râm mát, dưới gốc cây.

Tránh đỗ xe trong không gian chật hẹp, bí khí bởi trong trường hợp này ngay cả mở hết cửa xe bạn vẫn có thể bị thiếu oxy hay nghiêm trọng hơn là ngộ động khí CO thải từ động cơ.

Và bạn cũng nên lưu ý chốt cửa,

Không hạ kính quá sâu, chỉ hạ khoảng 1,25 - 1.5cm là hợp lý. Hạ kính xuống quá nhiều lại có thể gây cảm lạnh trong điều kiện thời tiết lạnh, đồng thời không đảm bảo an toàn tài sản trên xe.

Nếu cẩn thận hơn, bạn có thể đặt báo thức sau mỗi giờ, việc này khiến giấc ngủ bị gián đoạn nhưng nó giúp bạn kiểm soát tình huống tốt hơn bởi ngủ trong xe hơi chưa bao giờ là an toàn.

Chú ý tới trẻ con, không để chúng lại một mình trên xe.

Trước khi rời khỏi xe thì nên kiểm tra lại trong xe, tránh để quên con hay để quên những đồ vật dễ gây cháy nổ.

Xử lý khi gặp người bị ngạt khí:

Cơ hội sống sót của nạn nhân bị ngạt khí phụ thuộc vào thời gian được đưa tới bệnh viện. Khi thấy có người bị ngạt khí, cần mở hết các cửa để không khí tràn vào và đưa ngay nạn nhân ra khỏi nơi có khí độc, nhanh chóng đưa tới bệnh viện để cấp cứu, hạn chế di chứng. Người đến cấp cứu nạn nhân cũng cần nhanh chóng gọi thêm người hỗ trợ. Quá trình tới viện nếu nạn nhân thở yếu hoặc bất tỉnh, có thể cần phải trợ giúp bằng hô hấp nhân tạo.

Những  hiểu biết nhỏ trên đây có thể giúp ích cho bạn cũng như người thân thoát khỏi nguy cơ tử vong do bất cẩn. Hãy trang bị cho mình những kiến thức an toàn về việc sử dụng xe để bảo vệ chính bạn cũng như người thân trong gia đình.

Suckhoecuocsong.com.vn

Các tin khác

Kỹ năng lái xe qua ổ gà tránh làm hư hại xe ô tô

Vì sao không dùng ga tự động khi lái xe tô tô trời mưa

Hệ thống chống trộm trên xe ô tô hoạt động như nào, cách tắt còi chống trộm

Kinh nghiệm mua cảm biến áp suất lốp xe ô tô: Cấu tạo, cách lắp chuẩn

Bật mí việc nên, không nên làm khi vượt ô tô cùng chiều, cách vượt an toàn

Những vị trí ngồi an toàn nhất, nguy hiểm trên xe ô tô bạn nên biết

Kinh nghiệm di chuyển xe qua đường lầy lội, cách xử lý khi xe bị lún

Bật mí cách lái xe ô tô qua đường sắt an toàn, tránh nguy hiểm

Bơm nước làm mát ô tô bị hỏng: dấu hiệu, cách khắc phục

Những sai lầm cần tránh khi lái xe cạnh xe tải, xe container