Rắc rối thường gặp của hệ thống làm mát (Phần I)

24/11/2016 08:41

Hệ thống làm mát không những giữ cho động cơ hoạt động ổn định mà còn giúp giúp giảm tiêu hao nhiên liệu.

Hệ thống làm mát không những giữ cho động cơ hoạt động ổn định mà còn giúp giúp giảm tiêu hao nhiên liệu. Tuy nhiên, đa số người sử dụng xe hơi vẫn chưa thực sự quan tâm đúng mức đến hệ thống này. 

Một trong những nguyên nhân thường gặp nhất khi động cơ bị quá nhiệt là do kẹt van hằng nhiệt. Ngoài ra, có thể do vài lý do khác khiến động cơ nóng quá mức như: két nước lâu ngày không súc rửa gây tắc, nước làm mát ở mức thấp, quạt không làm việc… khi động cơ bị nóng quá mức có thể làm nước bốc hơi nhanh tạo nhiều hơi trong đường ống dẫn đến tăng áp suất trong đường ống và làm tụt các mối nối, thậm chí có thể gây nổ đường ống.

Tuy nhiên, nếu chỉ có vậy thì vẫn còn may mắn vì việc khắc phục vẫn đơn giản và tốn ít chi phí. Đối với các xe còn “ngon” các đường ống và mối nối đều tốt thì nhiệt độ bên trong động cơ tiếp tục tăng nên làm cho các chi tiết như piston giãn nở nhiểu và hiện tượng “bó máy” là điều khó tránh khỏi, điều này sẽ làm tốn chi phí đáng kể để khắc phục, sửa chữa. Vậy người sử dụng xe phải làm gì với hệ thống làm mát để hiệu quả sử dụng xe được tốt nhất?

Van hằng nhiệt: giữ lại hay bỏ đi?

Van hằng nhiệt là một chi tiết quan trọng trong hệ thống làm mát của xe, nó đóng vai trò điều tiết để đảm bảo nhiệt độ nước làm mát tuần hoàn trong đường ống nhanh chóng đạt được và luôn duy trì trong khoảng từ 80-95 độ C (mức nhiệt độ động cơ làm việc với hiệu quả cao nhất). Khi nhiệt độ nước làm mát thấp (khoảng dưới 70 độ C ) thì van vẫn đóng, nước chỉ lưu thông bên trong máy và không ra két làm mát. Khi nhiệt độ của nước vượt quá 70 độ C, chất sáp bên trong van sẽ giãn nở, làm mở van và nước được lưu thông tuần hoàn qua két làm mát.

Nếu không sử dụng van hằng nhiệt, thời gian làm nóng động cơ sẽ kéo dài, nhiệt lượng sẽ bị mất nhiều do nước làm mát lấy đi, nhiên liệu bốc hơi kém làm giảm hiệu quả sử dụng nhiên liệu, hay nói cách khác là sẽ làm tốn nhiên liệu hơn. Đồng thời hơi nhiên liệu sẽ bám vào các chi tiết và thành vách xi lanh làm bôi trơn kém, kết quả làm giảm công suất động cơ và các chi tiết bị mài mòn nhanh. Ngoài ra, đối với các động cơ sử dụng phun xăng điện tử, khi động cơ làm việc ở nhiệt độ thấp, ECU sẽ điều khiển phun xăng đậm, do đó sẽ làm tốn nhiên liệu và ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, khi sử dụng van hằng nhiệt, chúng ta hay gặp phải trường hợp van bị kẹt (do sau một thời gian làm việc sáp giãn nở kém) làm động cơ nóng quá mức, dẫn tới giảm khe hở giữa piston và xecmăng, gây ra bó kẹt piston. Thậm chí còn gây ra cháy gioăng mặt máy, khiến nước lọt vào trong xi lanh và xuống cacte.

Chúng ta có thể tự kiểm tra quá trình làm việc của van hằng nhiệt bằng cách: cho động cơ nổ, sau đó theo dõi trong bảng táp lô. Đến khi nhiệt độ của nước làm mát đạt khoảng 70-80 độ C, sờ tay vào đường ống phía trên van, nếu đường ống ấm dần lên (có thể cảm nhận được) có nghĩa là van vẫn làm việc tốt. Chúng ta có thể tháo ra để kiểm tra mức độ làm việc của van: cho van vào nước và đun nóng từ từ, khi nhiệt độ nước đạt khoảng 95 độ C, đo độ nâng của van lớn hơn 8 mm là được. Theo khuyến cáo của các nhà sản xuất thì nên kiểm tra khả năng làm việc của van hằng nhệt sau khoảng 15.000-20.000 km.

Việt Lê

Các tin khác

Kỹ năng lái xe qua ổ gà tránh làm hư hại xe ô tô

Vì sao không dùng ga tự động khi lái xe tô tô trời mưa

Hệ thống chống trộm trên xe ô tô hoạt động như nào, cách tắt còi chống trộm

Kinh nghiệm mua cảm biến áp suất lốp xe ô tô: Cấu tạo, cách lắp chuẩn

Bật mí việc nên, không nên làm khi vượt ô tô cùng chiều, cách vượt an toàn

Những vị trí ngồi an toàn nhất, nguy hiểm trên xe ô tô bạn nên biết

Kinh nghiệm di chuyển xe qua đường lầy lội, cách xử lý khi xe bị lún

Bật mí cách lái xe ô tô qua đường sắt an toàn, tránh nguy hiểm

Bơm nước làm mát ô tô bị hỏng: dấu hiệu, cách khắc phục

Những sai lầm cần tránh khi lái xe cạnh xe tải, xe container