Tận tay so sánh mẫu vật, chuyên gia khẳng định cây trồng là mỡ

26/03/2015 02:22

Vàng tâm là loài gỗ cực tốt và quý hiếm, trong khi mỡ được trồng rất nhiều và chủ yếu được dùng để phủ xanh đồi núi trọc, giá trị không có gì đặc biệt.

 

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hiệp, Giám đốc Trung tâm bảo tồn thực vật Việt Nam khẳng định sau khi thu mẫu và quan sát các cây tại đường Nguyễn Chí Thanh rằng, theo tài liệu chính thức trong sách đỏ thì cây trồng mới ở đây là cây mỡ.

 

Vàng tâm là cách gọi rất chung chung. Trong dân gian từ xưa đã có nhiều cách gọi khác nhau, một số nơi họ gọi loài gỗ có lõi màu vàng cũng là vàng tâm, thậm chí có người gọi cây mỡ là vàng tâm...

 

Theo sách đỏ Việt Nam 2007, vàng tâm có tên khoa học Manglietia Dandyi là loại cây gỗ quý có mùi thơm không bị mối mọt, dùng trong xây dựng nhà cửa, đóng đồ gia dụng, làm đồ mỹ nghệ. Đây là loài bị đe dọa tuyệt chủng do số lượng ngày càng ít.


 

 

Lá và quả vàng tâm (trên) so với lá cây mỡ (dưới)

 

"Chúng chủ yếu chỉ phân bố trong rừng và hiếm khi bắt gặp, nên rất quý hiếm", ông Hiệp nói và cho biết, cây mỡ được trồng phổ biến ở các vùng như Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang... Gỗ của chúng thường cung cấp nguyên liệu làm giấy, không có giá trị như vàng tâm.

 

Đồng tình quan điểm trên, giáo sư Lê Đình Khả, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Giống và công nghệ sinh học lâm nghiệp cũng khẳng định: "ngay cả 4 cây mới trồng ở đường Nguyễn Chí Thanh là cây mỡ chứ không phải vàng tâm như mô tả trong sách đỏ".

 

Chuyên gia có kinh nghiệm 10 năm nghiên cứu về cây mỡ cho biết tên khoa học của loại này là Manglietia conifera, tên tiếng Việt có người gọi là mỡ hoặc mỡ vàng tâm. Chúng có lá đơn và không có lông. Hoa của chúng có màu trắng, khi chưa nở bao hoa dài 3-4 cm, đường kính 0,8-1cm. Quả của loài có hình giống quả thông, nhiều tâm bì, vỏ lụa của hạt khi chín màu đỏ.

 

Một cán bộ của Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho biết do cây vàng tâm và mỡ cùng họ, cùng chi thực vật nên có một số điểm tương tự nhau. Nhưng vàng tâm là loài gỗ cực tốt và quý hiếm, trong khi mỡ được trồng rất nhiều và chủ yếu được dùng để phủ xanh đồi núi trọc, lấy nguyên liệu làm giấy, lõi nhỏ và ít, giá trị không có gì đặc biệt, tương đương như cây keo và bạch đàn.

 

Trước đó, ngày 24/3, trong văn bản trả lời báo chí về những cây mới được trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh thuộc đề án thay thế 6.700 cây xanh ở thủ đô, Sở Xây dựng  Hà Nội một lần nữa khẳng định đó là cây vàng tâm (?!).

 

Quang Phong - Skcs.vn

Các tin khác

Tối ưu nguồn năng lượng để bảo vệ môi trường

Điều kiện, giấy tờ cần có để lên máy bay từ ngày 10/10

Hà Nội cho phép thể dục ngoài trời, mở cửa trung tâm thương mại, thời trang, hóa mỹ phẩm

Quy trình cấp giấy đi đường tại Hà Nội từ ngày 6/9 theo hướng dẫn của Công An Tp Hà Nội

Danh sách số điện thoại hỗ trợ nhu yếu phẩm tại TP.HCM

Sự khác nhau giữa Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng, Chỉ thị 10 của TP Hồ Chí Minh trong dịch COVID-19

Khủng khiếp: Đồ chơi LEGO có thể tồn tại 1.300 năm dưới đại dương

Quản lý và xử lý chất thải rắn

Đoàn Thị Hương đã được trả tự do, chuẩn bị về nước

Hội nghị thưởng đỉnh Mỹ - Triều lần 2: Không đạt được thỏa thuận, Tổng thống Mỹ ra sân bay về nước