“Taxi” Uber: Vấn đề nan giải

07/11/2014 16:35

Bài viết này sẽ cho các bạn một cái nhìn toàn cảnh về Uber cũng như những tranh cãi xoay quanh sự hoạt động của loại hình taxi này tại Việt Nam.

Bài viết này sẽ cho các bạn một cái nhìn toàn cảnh về Uber cũng như những tranh cãi xoay quanh sự hoạt động của loại hình “taxi” này tại Việt Nam.

Uber là gì?

Uber thực chất là một ứng dụng điện thoại giúp kết nối người có nhu cầu đi xe và tài xế. Công ty chủ quản của ứng dụng này được thành lập vào tháng 3/2009, có trụ sở ở San Francisco, Mỹ và tự nhận mình chỉ là một công ty công nghệ cung cấp ứng dụng có chức năng kết nối tài xế và hành khách trên điện thoại. Hiện tại Uber đã có mặt tại hơn 130 thành phố thuộc 36 quốc gia. Giá trị ước tính của công ty lên tới 12 tỷ USD. Tuy Uber gặp một số vấn đề pháp lý nhưng vẫn không ngăn cản được hoạt động của các nhà đầu tư tiềm năng khi hãng nhận hơn 300 triệu USD từ các công ty đầu tư mạo hiểm như Google Ventures, Benchmark, cùng các nhà đầu tư cá nhân như CEO Jeff Bezos của Amazon.com.

“Taxi” Uber hoạt động không có biển hiệu, không có đồng hồ tính tiền. Bạn có thể thực hiện tất cả các thao tác để chọn và gọi xe trên điện thoại. Những thông tin như xe đến trong vòng bao nhiêu phút, xe màu gì, hiệu gì, biển số mấy, tên, giá tiền, số điện thoại và hình ảnh tài xế… tất cả đều sẽ được hiện thị qua màn hình điện thoại. Hành khách sẽ thanh toán cước phí bằng các loại thẻ tín dụng quốc tế, ví dụ như Visa hoặc MasterCard.

Vậy Uber kiếm tiền như thế nào?

Doanh thu của Uber đến từ hoa hồng thông qua việc kết nối chủ ô tô với người cần dùng dịch vụ di chuyển. 80% cước phí chủ xe hưởng, 20% còn lại sẽ được chuyển về tài khoản của Uber.

Bạn có thể thực hiện tất cả các thao tác để chọn và gọi xe trên điện thoại.

Vậy ai có thể làm tài xế Uber?

Uber cung cấp đến khách hàng của họ ba gói dịch vụ: UberTAXI, UberBlack và UberX.

UberTAXI hoạt động như một chiếc taxi truyền thống – tài xế phải có giấy phép lái xe và chứng nhận tài xế taxi, cùng với đó là xe riêng của mình để có thể cung cấp dịch vụ.

UberBLACK yêu cầu tài xế phải là tài xế chuyên nghiệp với giấy phép thương mại và bảo hiểm thương mại xe. Tài xế cũng phải có một chiếc sedan hoặc SUV đen có khả năng chuyên chở 4-6 hành khách.

Dịch vụ thứ ba và cũng là dịch vụ nhân nhiều chỉ trích nhất của Uber – UberX có một chính sách rất lỏng lẻo. Theo thông tin từ trang web của Uber, tài xế dịch vụ UberX chỉ cần đạt đủ những điều kiện sau: trên 21 tuổi, có bảo hiểm ô tô cá nhân và có một chiếc sedan 4 cửa hoạt động tốt. Đương nhiên họ cũng phải vượt qua một bài kiểm tra của cảnh sát nhưng sau đó họ được toàn quyền kiếm tiền từ dịch vụ Uber.

Vậy Uber ở Việt Nam hiện tại ra sao?

Uber đã có mặt tại TP.HCM và Hà Nội và có thể sẽ sớm xuất hiện tại các thành phố khác.

Dù mới hoạt động ở TP.HCM được vài tháng nhưng đến nay Uber đã thu hút được hàng trăm ô tô đăng ký tham gia dịch vụ này, với rất nhiều mẫu xe và chủng loại, Toyota có, Mercedes có, Audi có… Sự phát triển chóng mặt của loại hình dịch vụ này đã gây quan ngại cho các hãng taxi truyền thống tại đây.

Hiệp hội Taxi TP.HCM đã có kiến nghị cơ quan quản lý xem xét tính pháp lý, tính cạnh tranh và nghĩa vụ thuế của dịch vụ xe Uber. Theo so sánh của hiệp hội này, các ứng dụng hiện hữu như Easy Taxi, Grab Taxi là các ứng dụng gọi taxi (thay vì gọi điện thoại đến tổng đài đơn vị taxi để tìm taxi thì dùng phần mềm này để tìm taxi). Chủ của các ứng dụng này có sự liên kết với các hãng taxi và chia sẻ lợi nhuận nhờ vào sự cung cấp ứng dụng. Tuy nhiên, xe tham gia Uber không phải là xe taxi.

Uber đã thu hút được hàng trăm ô tô đăng ký tham gia dịch vụ này, với rất nhiều mẫu xe và chủng loại, như Toyota, Mercedes, Audi.

Hiệp hội kiến nghị làm rõ tính pháp lý của xe Uber, xe này có phép chưa, nếu chưa thì có nên cấp phép không. Việc chủ xe tham gia Uber để cung cấp dịch vụ vận chuyển là phù hợp quy định hay không. Việc quản lý, thu thuế như thế nào? Hiệp hội cho rằng “hoạt động này hoàn toàn trái với Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô”.

Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh thuộc Đoàn luật sư TP.HCM, theo quy định tại điều 67 luật Giao thông đường bộ thì kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là loại hình kinh doanh có điều kiện.

Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình muốn kinh doanh phải đăng ký kinh doanh ngành “vận tải hành khách đường bộ trong nội thành, ngoại thành”  tại sở Kế hoạch & Đầu tư và sau đó phải tiến hành thủ tục cấp giấy phép kinh doanh vận tải tại sở Giao thông Vận tải.

Như vậy, nếu “taxi” Uber kinh doanh vận tải bằng xe ô tô mà không đăng ký kinh doanh và không có giấy phép kinh doanh vận tải thì là trái pháp luật, là hành vi kinh doanh trái phép.

Chính hành vi kinh doanh trái phép này có thể dẫn tới hành vi trốn thuế với khoản tiền mà “taxi” Uber thu của khách hàng 20% hoa hồng. Mặt khác, người chủ xe thu được 80% lợi nhuận được hưởng mà không khai báo thuế thu nhập cá nhân là vi phạm pháp luật về thuế.

Ngoài ra, “taxi” Uber hoàn toàn không đáp ứng theo đúng điều 35 Thông tư 18/2013/TT-BGTVT (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 23/2014/TT-BGTVT) quy định đối với xe taxi như: không có tên, điện thoại doanh nghiệp, hợp tác xã, trong xe không bảng giá cước phí, không đồng hồ tính cước; không phù hiệu, hộp đèn; không logo…

Phần đông những người đã từng sử dụng Uber đều cảm thấy khá hài lòng với dịch vụ “taxi” này.

Vì vậy nếu trong quá trình vận chuyển xảy ra tranh chấp với khách hàng về tiền cước, mất mát tư trang, hành lý… thì khách hàng sẽ khó bảo vệ quyền lợi cho mình và cũng khó cho cơ quan chức năng giải quyết, bảo vệ quyền lợi cho hành khách.

Phản hồi của thế giới với Uber

Phần đông những người đã từng sử dụng Uber đều cảm thấy khá hài lòng với dịch vụ “taxi” này. Tuy vậy điều đó không có nghĩa Uber được đón nhận tại tất cả những nơi dịch vụ này có mặt. Hàng ngàn tài xế taxi tại châu Âu đã từng xuống đường biểu tình phản đối và yêu cầu chính phủ đưa ra lệnh cấm Uber. Các tài xế taxi ở London, Roma, Paris, Berlin và Milan cũng đồng loạt lên tiếng phản đối việc Uber đào tạo tài xế “ồ ạt” vì cho rằng điều đó gây ảnh hưởng trực tiếp đến lượng khách hàng của họ. Đặc biệt tại Roma, các tài xế taxi dự định sẽ chỉ thu của khách 10 euro mỗi lượt đi taxi nhằm phá giá Uber. Trong khi đó tại Pháp, hàng loạt cuộc bãi công gây ách tắc các tuyến đường chính trên khắp cả nước đã diễn ra và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Uber liệu có tương lai tại Việt Nam?

Hiện tại tuy mới chỉ có mặt tại hai thành phố lớn nhất của Việt Nam nhưng “taxi” Uber đã thu hút được rất nhiều sự chú ý. Độ tiện dụng của phần mềm Uber là không phải bàn cãi, cùng với tâm lý chuộng xe sang ở nước ta rất có thể sẽ biến Uber thành một “ông lớn” trong lĩnh vực vận chuyển. Tuy vậy, các rào cản về mặt pháp lý chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng ít nhiều lên dịch vụ này.

Quang Phong – Skcs.vn (tổng hợp)

Các tin khác

Vài điểm đáng lưu ý trong lệnh hành pháp về AI Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vừa công bố

Nghiên cứu đánh giá Vaccine Moderna có lẽ hiệu quả cao hơn Pfizer trước biến thể Delta

Cựu Ngoại trưởng Anh hầu tòa vì cáo buộc nói dối về Brexit

Hơn 100 người mất tích sau vụ chìm tàu tại Cộng hòa dân chủ Congo

Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa hủy diệt Iran

Tổng thống Donald Trump quyết định tăng thuế lên 300 tỷ USD hàng còn lại

Cảnh sát bắt giữ 2 hung thủ xả súng tại trường học ở Colorado, Mỹ

Cháy máy bay chở khách tại Nga, 41 người thiệt mạng

Mỹ: Máy bay Boeing 737 chở khách hạ cánh xuống sông

Bộ trưởng Quốc phòng Anh bị cách chức vì rò rỉ thông tin mật về Huawei