Thời tiết thất thường - kẻ thù của tim mạch

16/03/2015 15:09

Những bệnh nhân tim mạch cần được theo dõi định kỳ, nhất là khi chuyển mùa, thời tiết thay đổi để có biện pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời.

Kinh nghiệm cho thấy, người bị bệnh tim mạch cần chú ý đề phòng thời tiết tháng 3 (mưa rào) và tháng 9 (gió đông) bởi đây là thời điểm có thể gia tăng cơn đau tim. Theo các chuyên gia, khi trời mưa, khí hậu thay đổi lớn, khí áp hạ đột ngột, lúc đó, tim sẽ đập nhanh lên, cơ tim dễ bị thiếu ôxy. Nếu đột ngột bị mưa, nhiệt độ trong và ngoài cơ thể sẽ chênh lệch nhau, tim không chịu nổi những ảnh hưởng đó của môi trường nên dễ gây ra bệnh động mạch vành, nhất là ở người cao tuổi. Đặc biệt vào những ngày nồm, do độ ẩm không khí cao nên người có cơ địa dị ứng thời tiết lại có dịp phát tác, nhất là dị ứng phấn hoa.

Thời tiết lạnh cũng sẽ làm tăng số lượng tiểu cầu, hồng cầu, tăng nguy cơ mắc bệnh động mạch vành hay tai biến mạch máu não. Khi nhiệt độ xuống thấp, người mắc bệnh tim mạch dễ bị hạ thân nhiệt do không có khả năng tạo đủ năng lượng để duy trì nhiệt độ bên trong cơ thể. Điều này có thể dẫn tới tử vong, chủ yếu là do suy tim.

Mặt khác, khi thời tiết thay đổi chuyển sang nắng nóng sẽ khiến cho lượng bệnh nhân tim mạch phải nhập viện tăng lên. Nguyên nhân là do thời tiết nóng làm tim phải gắng sức co bóp, gây quá tải, tình trạng suy tim tăng lên, có thể gây tử vong với người mắc bệnh van tim, bệnh tim bẩm sinh, bệnh mạch vành... Riêng với bệnh mạch vành, tim gắng sức làm tăng nhu cầu ôxy nên dễ gây thiếu máu cơ tim, gây ra triệu chứng đau thắt ngực, mệt, khó thở và gây nhồi máu cơ tim.

Vì vậy, chúng ta cần biết bệnh của mình để phòng tránh. Những bệnh nhân tim mạch cần được theo dõi định kỳ, nhất là khi chuyển mùa, thời tiết thay đổi để có biện pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời. Ngoài ra, khi bị bệnh tim mạch, người bệnh nên ăn uống không quá no, không ăn mặn, tập luyện phù hợp với thể lực, chú trọng giữ ấm cơ thể khi trời lạnh, uống thuốc đầy đủ và đúng giờ theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu trời quá nóng, phải tìm nơi thoáng mát để sinh hoạt, không ở ngoài trời nắng quá lâu, đặc biệt là bệnh nhân bị van tim, bệnh mạch vành cũng không nên tập hay vận động quá sức mình.

An Nguyên - Skcs.vn

Các tin khác

Đau dạ dày khi trời lạnh nguyên nhân, giải pháp điều trị

Chứng viêm da khô ở Nam giới cần chăm sóc như thế nào

Men vi sinh đường tiêu hóa tốt với cơ thể như thế nào

Sau khi khỏi COVID-19: Phục hồi tình trạng sức khỏe người bệnh như thế nào?

Các thuốc hỗ trợ, điều trị COVID-19 tại nhà

Khi nào bệnh nhân Covid-19 cần chăm sóc y tế khẩn cấp

Việt Nam sản xuất vắc xin ngừa COVID-19: Nanocovax, Covivac, ARCT-154

Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 ở người mắc bệnh thận, chạy thận chu kỳ

Người mắc bệnh tim có nên tiêm vắc xin ngừa COVID-19?

Triệu chứng, chẩn đoán, phòng và điều trị khi nhiễm biến thể Delta