Thủy kích: Nỗi ám ảnh mùa mưa bão (Phần I)

22/10/2016 08:13

Tình trạng xe bị thủy kích

Mùa mưa bão tới, sự lo lắng và ám ảnh xe ngập và thủy kích lại xuất hiện. Nếu chúng ta không xử lý kịp thời và đúng cách thì thiệt hại mà nó mang tới cho người sử dụng xe là không hề nhỏ.

Thủy kích là gì?

Mùa mưa bão với những trận mưa rào xối xả, bất chợt làm nhiều tuyến phố cũng như khu vực ngập cục bộ bất thường. Khi xe di chuyển trong đường ngập nước, nhất là mức ngập quá tâm bánh xe, nước rất dễ tràn vào ống hút gió, đây là nguyên nhân thường gặp nhất của các xe bị thủy kích.

Khi nước tràn vào ống hút gió sẽ khiến xe bị thiếu không khí – phần quan trọng trong hỗn hợp xăng – gió để động cơ hoạt động và động cơ nhanh chóng chết máy.Trong trường hợp này, nếu ta cố khởi động lại động cơ hệ thống hút gió sẽ tiếp tục hoạt động trở lại, nhưng phần được hút vào động cơ để tạo thành hỗn hợp nhiên liệu không còn là xăng – gió nữa, mà là xăng – nước. Do ta khởi động lại động cơ nên máy đề vẫn sẽ kéo piston dịch chuyển lên xuống trong xi-lanh, lúc này Piston không còn nén hỗn hợp xăng và không khí nữa mà là nén chất lỏng xăng – nước (trọng lượng lớn hơn rất nhiều) đương nhiên sẽ không chịu được và khiến thanh truyền (tay biên) bị bẻ cong.

Ngoài trường hợp xe bị ngập nước, còn có các trường hợp khác ít gặp hơn, ví dụ như khi động cơ đang làm việc bị thổi thủng  hoặc cháy gioăng lắp quy lát (gioăng mặt máy) ở giữa nắp máy và thân động cơ, khi đó nước làm mát ở bên ngoài cũng sẽ tràn thẳng vào buồng đốt hoặc vì một nguyên nhân nào đó nước bị rò rỉ vào buồng đốt động cơ. Thuật ngữ chuyên ngành gọi là hiện tượng đó là “Thủy kích”

Trong trường hợp đã bị nước xâm nhập vào buồng đốt động cơ. Nếu cố tình tiếp tục khởi động lại sẽ làm tay biên bị bẻ cong và thậm chí có thể gãy. Ngoài ra, khi tay biên cong và vẫn di chuyển lên xuống sẽ dẫn tới cào xước hết bề mặt thành xi-lanh hay nghiêm trọng hơn là chọc thủng lốc máy, gây hậu quả nặng nề. Đây được coi là một trong những thiệt hại nghiêm trọng nhất đối với xe hơi.

Ngoài những nguyên nhân về mặt kỹ thuật như hư hỏng gioăng hoặc rò gỉ nước vào buồng đốt thì đa số các trường hợp thủy kích đến là do yếu tố kinh nghiệm và kỹ năng của người sử dụng xe. Nguyên nhân có thể do sự vội vàng, thiếu kinh nghiệm phán đoán mức nước ngập mà xe có thể vượt qua an toàn hoặc do sợ chậm trễ mà nhiều người cầm vô-lăng vẫn “nhắm mắt làm liều” đưa xe băng qua đoạn đường ngập nước. Chưa kể tình huống bất khả kháng là gặp các xe chạy ngược chiều với tốc độ cao tạo sóng lớn vỗ ập vào xe.

Mặt khác, khi gặp các trường hợp  trên, theo phản xạ, phần lớn người lái sẽ nhấn chân ga mạnh hơn để xe nhanh chóng thoát ra khỏi vùng ngập nước hoặc thực hiện một loạt các thao tác không hợp lý tiếp theo như: vẫn để chế độ hộp số tự động, thay vì chuyển sang chế độ đi số tay; vẫn bật máy lạnh, tủ lạnh mini và các thiết bị giải trí nghe nhìn, máy chơi game trên xe mà không tắt để giảm tải cho động cơ, cố gắng đề máy khi động cơ đã tắt… Tất cả đều góp phần làm cho tình trạng của xe thêm trầm trọng.

Xử lý thế nào khi xe bi thủy kích ?

Mặc dù thủy kích để lại hậu quả rất nặng nề với chi phí sửa chữa lớn cùng với thời gian chờ đợi lâu, đặc biệt đối với những chiếc xe đắt tiền mà linh kiện, phụ tùng thay thế phải được đặt hàng và gửi về từ chính hãng. Tuy nhiên, phần lớn hiện tượng thủy kích chỉ xảy ra vào mùa mưa nên nhiều người không mấy quan tâm, để ý đến những  phải quan tâm đặc biệt khi lái xe vào đường ngập nước. Để tránh thiệt hại đáng tiếc, hai thao tác đơn giản nhưng đóng vai trò vô cùng quan trọng mà người lái xe cần chú ý khi xe đi vào đường ngập nước và bị tắt máy, đó là:

- Tuyệt đối không đề lại máy dù với bất cứ lý do gì.

- Điện thoại cho số hotline của công ty bảo hiểm để được tư vấn chi tiết và gọi cho xe cứu hộ.

Ngoài các thủ thuật tránh bị thủy kích, chủ xe nên mua gói bảo hiểm thủy kích, vốn được các công ty bán rời như một gói phụ bên ngoài bảo hiểm vật chất xe. Mức phí cho khoản bảo hiểm phụ này dao động trong khoảng từ 0,3 - 0,5% giá trị xe tùy theo mỗi nhà cung cấp bảo hiểm. Trước khi mua, bạn nên hỏi rõ nhân viên bảo hiểm về điều khoản thủy kích.

Trong phần 2 của bài viết chúng tôi sẽ đề cập tới một số lưu ý bạn cần biết khi đi qua đường nước ngập sâu.

Việt Lê

Các tin khác

Kỹ năng lái xe qua ổ gà tránh làm hư hại xe ô tô

Vì sao không dùng ga tự động khi lái xe tô tô trời mưa

Hệ thống chống trộm trên xe ô tô hoạt động như nào, cách tắt còi chống trộm

Kinh nghiệm mua cảm biến áp suất lốp xe ô tô: Cấu tạo, cách lắp chuẩn

Bật mí việc nên, không nên làm khi vượt ô tô cùng chiều, cách vượt an toàn

Những vị trí ngồi an toàn nhất, nguy hiểm trên xe ô tô bạn nên biết

Kinh nghiệm di chuyển xe qua đường lầy lội, cách xử lý khi xe bị lún

Bật mí cách lái xe ô tô qua đường sắt an toàn, tránh nguy hiểm

Bơm nước làm mát ô tô bị hỏng: dấu hiệu, cách khắc phục

Những sai lầm cần tránh khi lái xe cạnh xe tải, xe container