Toàn cảnh vụ mất tích của AirAsia QZ8501

29/12/2014 10:02

Được biết đây là vụ tai nạn nghiêm trọng đầu tiên của hãng AirAsia kể từ khi được thành lập năm 1993.

 

 

Trưa 28/12/2014, hãng AirAsia đưa ra thông báo chính thức về việc chuyến bay QZ8501 mất tích 42 phút sau khi cất cánh từ thành phố Surabaya, Indonesia đến Singapore. Chiếc Airbus A320-200 mất tích được bàn giao tháng 10/2008, đã bay xấp xỉ 23.000 giờ trên khoảng 13.600 chuyến và vừa trải qua đợt bảo dưỡng và kiểm tra định kỳ vào ngày 16/11. Cơ trưởng chuyến bay được mô tả là người chu đáo, tài năng và có kinh nghiệm với gần 6.100 giờ bay, phó cơ trưởng cũng đã có 2.250 giờ bay.

 

 

QZ 8501 mất liên lạc với đài kiểm soát không lưu Jakarta lúc 6h sáng (giờ địa phương). Bộ trưởng Giao thông vận tải Indonesia Hadi Mustofa cho biết trước khi máy bay biến mất, cơ trưởng đã xin đổi lộ trình bay do gặp bão nhưng không được chấp thuận.

 

 

QZ8501 không phát tín hiệu cầu cứu và biến mất chỉ 5 phút sau khi xin thay đổi lộ trình bay.

 

 

Giới chức Indonesia đã ngay lập tức lên kế hoạch tìm kiếm máy bay Airbus QZ8501. Được biết đây là vụ tai nạn nghiêm trọng đầu tiên của hãng kể từ khi được thành lập năm 1993. Là một hãng hàng không giá rẻ có trụ sở ở Kuala Lumpur, Malaysia, AirAsia cung cấp những chuyến bay theo lịch trình nội địa và quốc tế với giá vé thấp hàng đầu châu Á. Hãng đã từng được Skytrax bình chọn là hãng hàng không giá rẻ tốt nhất thế giới vào năm 2009.

 

 

CEO của AirAsia, ông Tony Fernandes cho biết “Đây là ác mộng khủng khiếp nhất của tôi. Tâm trí tôi giờ luôn ở bên họ (những người mất tích). Chúng tôi hy vọng vào chiến dịch tìm kiếm SAR và xin cám ơn chính quyền Indonesia, Singapore và Malaysia”. AirAsia cũng đã đổi logo của mình trên các mạng xã hội từ màu đỏ sang màu xám, cùng với đó họ liên tục cung cấp thông tin cập nhật lên đó cho công chúng – hoàn toàn trái ngược với cách Malaysia Airlines áp dụng khi MH 370 mất tích. Malaysia Airlines khi đó bị thân nhân người mất tích chỉ trích vì “cung cấp quá ít thông tin” và “đưa ra cả những thông tin sai lệch”.

 

Hành khách trên chuyến bay được xác định bao gồm: 1 người Singapore, 1 người Malaysia, 3 người Hàn Quốc, 1 người Anh và 149 người Indonesia. Phi hành đoàn bao gồm 1 người Pháp và 6 người Indonesia.

 

 

Chính phủ Indonesia đã điều động 2 máy bay C-130 Hercules cùng nhiều trực thăng và tàu tìm kiếm đi tìm tung tích QZ8501. Singapore và Malaysia cũng cử tổng cộng 2 máy bay C-130 và 5 tàu tìm kiếm tham gia công tác tìm kiếm cứu hộ. Australia cũng gửi máy bay tìm kiếm đến trợ giúp. Hải quân Mỹ cho biết hạm đội 7 của Mỹ sẵn sàng trợ giúp theo bất cứ cách nào có thể.

 

 

Phó Tổng thống Indonesia Jusuf Kalla nhận định tại cuộc họp báo ở thủ đô Jakarta “Nhiều khả năng máy bay đã gặp nạn vì các đội tìm kiếm không tìm thấy dấu vết nào. Chúng tôi gửi lời xin lỗi cũng như lời chia buồn sâu sắc nhất đến gia đình các hành khách.”

 

Hot line cho người thân hành khách gặp nạn cũng đã được thiết lập ở đầu số +622 129 850 801.

 

Người thân của các hành khách ngóng đợi thông tin về QZ8501.

 

 

 

 

 

 

 

 

Cập nhật:

 

10h10: CEO AirAsia – ông Tony Fernandes đang gặp các thân nhân của hành khách mất tích tại sân bay Surabaya, Indonesia. Truyền thông không được phép tiếp cận cuộc gặp này.

 

10h20: Được biết sau khi không được chấp thuận yêu cầu chuyển hướng cũng như tăng độ cao lên 38.000 feet (do lo ngại ảnh hưởng đến các máy bay khác đang hoạt động trong khu vực), QZ8501 đã chuyển độ cao từ 32.000 feet lên 36.300 feet nhưng với tốc độ rất chậm, chỉ đạt 353 knot (654km/h). Để so sánh, một máy bay của Emirates cũng đang bay ở độ cao đó vào thời điểm đó với vận tốc 503 knot (932km/h). Các phi công cùng các chuyên gia lo ngại rằng chính vì di chuyển với vận tốc chậm như vậy đã khiến QZ8501 chết máy trên không, giống trường hợp chuyến bay AF447 của Air France năm 2009 gặp nạn khiến 228 người chết.

 

 

Trong ảnh: đường bay cũng như độ cao và vận tốc máy bay được lưu lại lần cuối cùng.

 

10:30: Ông Bambang Soelistyo, người đứng đầu Cơ quan tìm kiếm cứu nạn Indonesia cho biết “nhiều khả năng máy bay đã rơi xuống biển”. Ông cũng cho biết thêm tìm kiếm chiếc máy bay bị chìm là rất khó khăn và kêu gọi sự trợ giúp từ các quốc gia khác, điển hình là Anh, Mỹ và Pháp.

 

Trong một động thái khác, Hàn Quốc – quốc gia có một hành khách trên chuyến bay QZ8501, cho biết Seoul sẽ đưa máy bay tuần tra đến hỗ trợ Indonesia. 

 

Hiện tại đã có tổng cộng 12 tàu, hàng chục thuyền phao, 6 tàu chiến cùng rất nhiều máy bay được huy động để tìm kiếm QZ8501. Diện tích tìm kiếm đã được mở rộng lên gần 11.000 hải lý vuông.

 

2:30 Phía Indonesia cho biết họ đã xác định được "vật thể lạ" trong khu vực tìm kiếm QZ8501 nhưng chưa xác định được liệu đó có phải mảnh vỡ máy bay hay không. Vật thể này được tìm thấy đầu tiên bởi một máy bay Australia và có vị trí cách vị trí cuối cùng được xác định của QZ8501 700 dặm.

 

2:40: Người phát ngôn của không quân Indonesia cho biết họ tìm thấy một vết dầu loang trong khu vực tìm kiếm QZ8501 nhưng chưa xác định được đây là vết dầu từ máy bay hay của một tàu thuyền nào đó trong khu vực.

 

3:00:  Phó tổng thống Indonesia Jasuf Kalla cùng CEO của AirAsia Tony Fernandes đang cùng có mặt tại sân bay Surabaya.

 

Một vài thông tin khác:

 

Khu vực tìm kiếm QZ8501 có độ sâu không lớn, đạt trung bình 150 feet.

 

Ngư dân địa phương thông báo lại rằng nhìn thấy một máy bay rơi gần đảo Pulau Nangka – một địa điểm không quá xa vị trí cuối cùng được xác định của QZ8501.

 

Tổng diện tích khu vực tìm kiếm rộng gần bằng diện tích bang California, Mỹ.

 

 

Thông tin về QZ8501 đã tràn ngập trên các mặt báo tại Châu Á và cả Châu Âu. Trong ảnh là trang bìa của  Sin Chew Daily – một tờ báo ngày của Trung Quốc.

 

4:00: Lực lượng tìm kiếm QZ8501 hiện nay bao gồm:

 

Indonesia: 3 tàu chiến đã tham gia công cuộc tìm kiếm, 2 tàu chiến khác đang tiến đến khu vực tìm kiếm. 12 tàu tìm kiếm và cứu hộ cùng vô số thuyền nhỏ. 2 máy bay C-130 Hercules, 2 trực thăng Super Puma, một máy bay Boeing tuần tra hàng hải, 2 máy bay tuần tra hàng hải CN-235.

 

Australia: Một máy bay tuần tra hàng hải AP-3C Orion

 

Singapore: 2 máy bay Hercules C-130, một tàu khu trục và một tàu hộ tống tên lửa. Các tàu cứu hộ, khu vực đỗ tàu và tàu ngầm hỗ trợ sẵn sàng trợ giúp. Tàu RSS Valour và tàu RSS Supreme cũng vừa đến nơi và đã lập tức tham gia công tác tìm kiếm.

 

Malaysia: 1 máy bay Hercules C-130, 3 tàu tìm kiếm.

 

Trung Quốc đề nghị được cung cấp tàu và máy bay tìm kiếm. Mỹ cho biết sẽ giúp “bất cứ điều gì có thể”. Việt Nam cũng đã sẵn sàng hỗ trợ nếu được yêu cầu.

 

3:51: Hãng bảo hiểm đến từ Đức Allianz cho biết rằng hãng là đơn vị tái bảo hiểm cho chiếc máy bay vừa mất tích của AirAsia. Đây đã là vụ tai nạn hàng không thứ 3 có liên quan đến Allianz trong năm nay, bên cạnh MH370 và MH17.

 

Tái bảo hiểm là một loại nghiệp vụ mà nhà bảo hiểm sử dụng để chuyển một phần trách nhiệm đã chấp nhận với người được bảo hiểm cho nhà bảo hiểm khác, trên cơ sở nhượng lại cho nhà bảo hiểm đó một phần chi phí bảo hiểm thông qua hợp đồng tái bảo hiểm.

 

Reuters cho biết tổng số tiền trợ cấp phải chi trả trong vụ việc ít nhất cũng lên đến 100 triệu đôla.

 

Quang Phong - Skcs.vn (tổng hợp)

Các tin khác

Vài điểm đáng lưu ý trong lệnh hành pháp về AI Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vừa công bố

Nghiên cứu đánh giá Vaccine Moderna có lẽ hiệu quả cao hơn Pfizer trước biến thể Delta

Cựu Ngoại trưởng Anh hầu tòa vì cáo buộc nói dối về Brexit

Hơn 100 người mất tích sau vụ chìm tàu tại Cộng hòa dân chủ Congo

Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa hủy diệt Iran

Tổng thống Donald Trump quyết định tăng thuế lên 300 tỷ USD hàng còn lại

Cảnh sát bắt giữ 2 hung thủ xả súng tại trường học ở Colorado, Mỹ

Cháy máy bay chở khách tại Nga, 41 người thiệt mạng

Mỹ: Máy bay Boeing 737 chở khách hạ cánh xuống sông

Bộ trưởng Quốc phòng Anh bị cách chức vì rò rỉ thông tin mật về Huawei